Mời sếp đi ăn, ai ngờ bị sếp "dắt mũi" rủ bạn bè kéo đến nhà hàng đắt tiền, tôi nên làm thế nào?

Quê Hương, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 12:32 19/10/2021
Chia sẻ

Định mời mỗi sếp đi ăn. Nào ngờ sếp gọi cả bạn bè đến nhà hàng sang trọng khiến tôi phải khóc ròng mà thanh toán.

Trương Hiểu Giai làm việc tại công ty đã được 6 năm, hôm nay cuối cùng anh cũng được thăng chức lên trưởng phòng. Sau khi tham khảo ý kiến của bố mình, Hiểu Giai quyết định mời sếp một bữa cơm để cảm ơn. Nhận được lời mời, sếp vui vẻ đồng ý, còn nói thêm:

"Để anh gọi thêm mấy cậu bạn nữa cho vui, hai người ăn với nhau buồn tẻ lắm".

Nghe lời bố dặn, Hiểu Giai cẩn thận hỏi sếp:

"Không biết anh thích món gì, anh xem có nhà hàng nào ngon không?"

Sếp liền chỉ điểm ngay đến một nhà hàng cao cấp. Buổi tối, bạn bè của sếp đến rất đúng giờ, lại toàn là những nhân vật có máu mặt trong giới kinh doanh. Những người này cũng không biết khách khí là gì, chọn toàn những món đắt tiền. Hiểu Giai nhìn giá tiền trong menu, trong lòng không khỏi xót ruột.

Mời sếp đi ăn, ai ngờ bị sếp dắt mũi rủ bạn bè kéo đến nhà hàng đắt tiền, tôi nên làm thế nào?  - Ảnh 1.

Bữa cơm bắt đầu, Hiểu Giai ngoài lúc đầu nói những câu chào hỏi và cảm ơn, cả bữa cơm gần như trở thành "sân khấu" của sếp. Họ bắt đầu nâng chén cụng ly vô cùng vui vẻ náo nhiệt, duy chỉ có Hiểu Giai cảm thấy khó chịu. Dường như anh chỉ là người đến dựng sân khấu, còn người khác thì tụ tập hát hò.

Đến lúc thanh toán, lòng Hiểu Giai đau như cắt bởi có vài người ăn mà hết tận gần 15 triệu. Anh ngạc nhiên khi thấy trong hóa đơn tự dưng "mọc" thêm hai bao thuốc hàng hiệu hơn 3 triệu. Nhân viên phục vụ giải thích rằng, tài xế của sếp đã mang đi từ vừa nãy.

Hiểu Giai đương nhiên có chút bực tức và muốn đi về ngay lập tức. Anh gọi điện cho bố, bức xúc vì cảm giác như bị người ta "dắt mũi" vậy. Bố bình tĩnh bảo anh thanh toán trước rồi mai xem sếp nói gì.

Buổi chiều ngày hôm sau, sếp gọi Hiểu Giai đến phòng làm việc, tươi cười khen ngợi anh:

"Tối qua em làm tốt lắm. Mấy cậu bạn anh còn khen em hiểu chuyện nữa. Sau này cứ giữ liên lạc với bọn họ, biết đâu lúc cần họ còn giúp em bằng mấy lần bữa cơm hôm qua đấy. Tối qua hết chắc phải hơn 10 triệu đấy nhỉ, mai em mang hóa đơn đến anh kí thanh toán cho".

Hiểu Giai ngạc nhiên sững người, đúng là bố anh đã nói đúng. Anh cảm ơn rồi xin phép ra ngoài. Đi qua bàn trà của sếp, Hiểu Giai vô tình phát hiện trên bàn đặt hai bao thuốc có trong hóa đơn hôm qua. Anh thầm "Ồ" lên một tiếng như hiểu ra điều gì.

Câu chuyện này có lẽ rất nhiều người đã từng trải qua.

Bạn là người đãi khách, đương nhiên phải là người trả tiền. Vì vậy, bắt buộc phải nắm chắc thế chủ động chứ đừng để người khác "dắt mũi". Có những phục vụ vô cùng tinh ý. Họ chỉ cần nhìn người gọi món đã biết ngay nguyên tắc trên bàn rượu, cố ý cho khách mang đồ ngon rượu quý về để "bắt chẹt" tâm lý của người thanh toán, khiến họ phải ngoan ngoãn trả tiền.

Có những phục vụ còn cố tình "mượn gió bẻ măng". Tôi đã từng bắt gặp một nhân viên giấu chai rượu quý ở phía sau rèm cửa. Vì vậy, nhất định bạn phải dặn trước nhân viên thu ngân: "Tôi là người thanh toán, nhưng thứ gì không được sự đồng ý của tôi mà tự ý mang đi thì tôi sẽ không trả tiền".

Mời sếp đi ăn, ai ngờ bị sếp dắt mũi rủ bạn bè kéo đến nhà hàng đắt tiền, tôi nên làm thế nào?  - Ảnh 2.

Khi thanh toán phát hiện tài xế của sếp tự ý mang thuốc lá hàng hiệu về, bạn phải làm sao?

Tài xế tự ý mang đồ đi, đôi khi vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", bởi đó là người của sếp, không nên đắc tội vẫn hơn. Anh ta có thể không giúp gì cho bạn, nhưng lại có thể làm hỏng chuyện tốt của bạn bất cứ lúc nào.

Trong những tình huống như vậy, hãy khôn khéo chuyển thế bị động sang chủ động: "Tôi thực sự không biết ai đã cầm đi!"

Lúc này, nhân viên chắc chắn sẽ đưa bạn đi tìm tài xế kia. Nhìn thấy tài xế, hãy cứ giả bộ bất ngờ: "Lão Vương à, xem ông kìa, lấy đồ cũng không nói với tôi một tiếng. Sớm biết ông thích loại này tôi đã tặng ông từ lâu rồi".

Hành động như vậy có 3 mục đích:

Thứ nhất, nhắc nhở anh ta: ông đừng có bắt nạt tôi, nhịn thì nhịn nhưng cái gì cũng có mức độ của nó.

Thứ hai, ông lén mang đồ đi để gây khó dễ cho tôi. Tôi tặng ông hai bao thuốc coi như giữ thể diện cho ông.

Thứ ba, cảnh cáo anh ta, sau này tôi mà có làm sao hay mất mát gì, người tôi nghi ngờ đầu tiên chính là ông.

Và đặc biệt, hãy nhớ rằng, trong mọi trường hợp đều phải bình tĩnh.

Mời sếp đi ăn, ai ngờ bị sếp dắt mũi rủ bạn bè kéo đến nhà hàng đắt tiền, tôi nên làm thế nào?  - Ảnh 3.

Sếp của Hiểu Giai là một "cao thủ" vô cùng thông minh và lão luyện. Gặp phải "lão hồ ly" như vậy, tốt nhất không được liều lĩnh mà hành động theo cảm tính. Nếu khi ấy Hiểu Giai không vượt qua được thử thách này, quay đầu đi về không chịu thanh toán thì có lẽ chức vụ này trong tay anh cũng bị vụt mất. Bởi lãnh đạo không chỉ theo dõi cách bạn mời khách mà còn quan sát thái độ đối nhân xử thế của bạn.

Nhẫn nhịn, bạn sẽ được trọng dụng. Còn nếu không, bạn sẽ ngày càng bị phớt lờ. Bởi chính những con người cấp trên cũng nhờ trải qua như vậy mới có thể trưởng thành. Chỉ có người từng trải mới thấu được xã hội thâm hiểm đến mức nào. Và chỉ có người từng trải mới có thể bình tĩnh mà vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Lãnh đạo có lòng dìu dắt bạn, cho dù bàn về công hay tư, bạn đều phải biết cảm ơn một cách chân thành. Bất kỳ ai cũng mong muốn được cấp dưới của mình biết ơn và nhớ tới, bởi không ai muốn phải nuôi những "con sói" vong ân bội nghĩa cả. Chỉ cần một lời cảm ơn chân thành cũng đủ khiến đối phương mãn nguyện và hài lòng.

Do đó, một khi được thăng chức, hãy biết bày tỏ lòng biết ơn một cách thông minh và khôn khéo nhất.

Nguồn: Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày