Sáng vừa chuẩn bị đi học, đi làm thì mưa tuôn xối xả? Hoặc bạn bị trễ cuộc hẹn quan trọng vì kẹt xe? Đúng là có quá nhiều cách để một ngày bị hủy hoại khi nó vừa mới... bắt đầu!
Rồi sau đó, dù chỉ một tin nhắn "Ừ" đơn thuần thôi cũng làm bạn thấy quá phũ phàng, mệt mỏi.
Nếu đã từng lâm vào tình cảnh trên, bạn không phải cô đơn đâu. Chuyên viên xã hội Lynn Zakeri cho biết: "Tất cả chúng ta đều cố nhai lại những thứ mình đã không kiểm soát được, những thứ làm ta cảm thấy nặng lòng và không thoải mái".
Nhưng nếu mãi giữ tâm trạng tiêu cực, buồn chán thì bạn - chính bạn - mới là "kẻ hủy diệt" cả ngày dài của mình. Hãy tìm hiểu ngay nguyên nhân và cách "đánh bay" nỗi buồn này.
Vì sao buồn chán lại kéo đến nhanh mà ở lâu quá vậy?
Theo bác sĩ tâm lí Josh Klapow, một chuyện không vui thường gắn với những suy nghĩ tiêu cực như: cảm thấy mất mát, bị từ chối, đe dọa hay phơi bày các khuyết điểm ra ngoài.
Từ góc nhìn tiến hóa, bác sĩ Josh giải thích rằng, ngay lập tức cảm xúc tiêu cực sẽ sinh ra như một cơ chế giúp chúng ta "xù lông" lên và tự bảo vệ mình.
Vậy là bạn đã hiểu phần nào vì sao nỗi buồn đến rất nhanh. Còn việc nó ở lâu là do hiện tượng "thiên vị tiêu cực" (negativity bias).
Nhiều nhà tâm lý học cho rằng, các sự kiện tiêu cực sẽ gây ra hiệu ứng tâm lý lớn gấp đôi so với những điều tích cực.
Nỗi buồn kéo dài là điều phổ biến trên khắp thế giới, và mỗi người gần như không thể tránh khỏi điều đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể học cách kiểm soát thời gian buồn và "đập" lại nó bằng cách...
Hãy cho phép mình được buồn. Nếu bạn đang giận, tổn thương, sợ, hoang mang thì hãy cho phép bản thân cảm thấy những điều đó. Đừng kìm hãm thái quá cảm xúc bên trong.
Nhưng sau đó, cố trấn tĩnh lại và biết... tò mò vì sao bạn cảm thấy như vậy. Hãy tự đối thoại về trải nghiệm vừa qua, sau tất cả thì bạn đã học được điều gì.
Theo giáo sư tâm lí Simon Rego từ New York, hầu hết mọi người có xu hướng trầm trọng hóa vấn đề khi tâm lí không ổn định. Khi đó, chúng ta biến một sự việc trung lập trở nên méo mó và xấu xí.
Ví dụ, thay vì hỏi trực tiếp sếp vì sao bạn bị gạt ra khỏi dự án hay phần thưởng này, bạn nhảy ngay đến kết luận rằng mình không đủ năng lực.
Khi bị nỗi buồn bao vây, bạn không còn tỉnh táo như thường mà bắt đầu "chơi" trò đọc vị tâm lí người khác, chú trọng tiểu tiết, đặt nặng cảm xúc cá nhân...
Một hoàn cảnh, hai số phận. Hãy cố gắng nhìn mọi thứ tích cực hơn.
Đây là giải pháp để thoát ra: như đã nói, hãy cho phép bản thân được buồn. Nhưng sau một thời gian nhất định, hãy bóp phanh, ghìm dây cương và suy nghĩ lại về mọi thứ.
Bạn hãy tự hỏi mình: Mọi chuyện có thể diễn ra theo cách nào khác hay không? Kịch bản tốt nhất có thể diễn ra là gì?... Những câu hỏi này đem lại cho bạn một cái nhìn mới và tươi sáng hơn.
Cách này cũng giống như cách 2, nhưng thay vì nghĩ trong đầu thì bạn hãy viết ra giấy. Hãy chia trang giấy thành hai cột.
Cột bên trái ghi những sự thật mà bạn biết chắc là đã xảy ra. Cột bên phải viết xuống những điều bạn thấy lo lắng, phỏng đoán và sợ hãi.
Sau đó đối chiếu 2 cột với nhau và xem nỗi lo nào là hợp lí, còn cái nào là không cần thiết. Việc này sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề một cách logic thay vì bị cảm xúc chi phối.
Thỉnh thoảng, một cách tốt là làm chuyện khác để thay đổi bầu không khí. Bắt đầu một mẩu công việc mới, đi dạo, gọi điện với bạn thân để tám vu vơ, giúp đỡ một đồng nghiệp...
Có điều nho nhỏ nào đó mà bạn hằng mong đợi nhưng chưa mua/chưa làm hay không? Bạn có thể thực hiện điều đó ngay để xốc lại tinh thần. Cuối cùng, tập cho bản thân thói quen suy nghĩ về 3 điều tích cực và làm điều đó hàng ngày.
Nếu bạn đang đối mặt với một chuyện quá đau đầu, cảm giác buồn bã kéo dài hoặc quá dữ dội... Nếu nó ngăn bạn không thể sống hòa bình với gia đình, đồng nghiệp như trước thì hãy tìm đến bác sĩ tâm lí.
Biết bản thân mình gặp vấn đề tức là bước đầu tiên để giải quyết vấn đề rồi đó. Đừng quá hoang mang vì ai cũng phải trải qua những quãng đường khó khăn. Hãy mạnh mẽ lên nhé. Hy vọng bạn sẽ hết buồn thật mau.
Nguồn: HuffPost