Bất đồng quan điểm trong chuyện chi tiêu nói riêng hay tiền bạc nói chung không còn là vấn đề quá xa lạ, đặc biệt là với các cặp vợ chồng trẻ mới cưới. Tuy nhiên đến mức “đo giọt nước mắm, đếm củ dưa hành” như trong tâm sự của cô vợ dưới đây thì quả thực, nhiều người không đồng tình, cũng khó mà thông cảm nổi.
Nghe qua đã bức xúc, mà tìm hiểu rõ sự tình lại thấy càng xót xa. Chuyện có thể tóm tắt ngắn gọn trong 1 câu: Vợ mới sinh em bé được 5 tháng, đang ở nhà chăm con, chồng chỉ cho chi tiêu tối đa 150k/ngày.
Bức ảnh “sao kê chi tiêu” gửi chồng để nhận lại dòng tin nhắn lạnh lùng
“Từ lúc cưới tới giờ tiền ai nấy tiêu, chúng mình không có khoản chung. Thuê nhà hết 4 triệu thì anh lo, mình đi làm lương cũng chỉ 5-6 triệu nên mình lo tiền ăn, cũng không dư dả bao nhiêu. Lúc bầu bị dọa sảy nên cũng không làm được nhiều, đi sinh phải lấy tiền mừng cưới ra trả viện phí.
Dạo này tiền ăn chồng mình lo, mỗi sáng trước khi ra khỏi nhà anh để 150k ở kệ bếp, cuối ngày phải liệt kê chi tiêu. Tiền dư ngày trước bù qua ngày sau. Ngày nào mình thiếu thì mình tự vay mượn xoay xở rồi về báo anh ấy sau. Giờ mới thấy bố mẹ cấm cản là có lí do…” - Cô viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người chỉ biết bày tỏ sự chia sẻ cũng như động viên cô cố gắng nuôi con, đợi con lớn hơn chút thì gửi trẻ là mẹ có thời gian đi làm, kiếm tiền trở lại. Ngoài ra, cũng không tìm được phương án nào khả thi hơn…
“Thực sự cũng không biết phải khuyên gì. Chồng đã đến mức để tiền đi chợ hàng ngày cho vợ, rồi cuối ngày bắt liệt kê chi tiêu thì có nói chuyện, có tâm sự mềm mỏng cũng chẳng thay đổi đâu. Nên thôi cố gắng chăm con lớn chút, rồi tập trung làm lụng kiếm tiền lo cho mình và con mom ạ” - Một người bình luận.
“Thực sự mình thấy như thế này thì ác với vợ con quá…” - Một người thở dài.
“Về ngoại được không mom ơi? Vấn đề không phải tiền nong, chuyện này cũng chẳng 1 sớm 1 chiều mà giải quyết ngay được nhưng về ngoại cho thoải mái tinh thần, còn có sữa nuôi con. Cố gắng thêm tầm 1 năm nữa, con đi trẻ được thì mình có thời gian hơn để làm việc kiếm tiền” - Một người khuyên.
1 - Đi tìm gốc rễ vấn đề
Không ít cặp vợ chồng tưởng rằng mình cãi nhau vì một khoản chi tiêu nào đó nhưng thực chất, mâu thuẫn về quan điểm xài tiền chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Đằng sau đó là sự khác biệt trong giá trị sống, thói quen tài chính, cảm giác bất an về vai trò trong gia đình, hoặc thậm chí là những kỳ vọng chưa được nói ra.
Ảnh minh họa
Trước khi tìm cách khắc phục, điều quan trọng nhất có lẽ là cả hai phải nhận diện được gốc rễ của vấn đề. Nếu không, mỗi lần nói về tiền sẽ là một lần mâu thuẫn lặp lại dù con số trong tài khoản có là bao nhiêu đi chăng nữa.
2 - Lập ngân sách chung một cách rõ ràng và minh bạch
Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm xung đột tài chính giữa hai vợ chồng là cùng nhau xây dựng một ngân sách chung. Đơn cử là việc xác định rõ mỗi tháng chi bao nhiêu, cho việc gì, khoản nào là thiết yếu, khoản nào dành cho sở thích cá nhân, khoản nào để tiết kiệm và đầu tư,...
Khi mọi thứ đã được thống nhất rõ ràng, những cuộc tranh luận kiểu "tại sao em lại mua cái này?", "lý do gì anh sắm cái kia?",... sẽ giảm đi đáng kể vì mọi chi tiêu đều đã được định hướng từ trước.
Ngân sách rõ ràng cũng giúp tạo cảm giác cân bằng trong việc đóng góp tài chính, mỗi người biết mình có trách nhiệm gì, có quyền quyết định ở mức nào. Quan trọng hơn, nó cho thấy rằng vợ chồng đang đồng hành cùng nhau chứ không phải đang ở 2 chiến tuyến đối nghịch.
3 - Thiết lập quỹ chi tiêu cá nhân
Một sai lầm phổ biến khiến vợ chồng mâu thuẫn về tiền là gộp tất cả tài chính vào một mối và kiểm soát lẫn nhau.Thực tế, bên cạnh tài khoản chung để chi tiêu cho gia đình, mỗi người nên có một khoản riêng, có thể không nhiều nhưng đủ để cảm thấy mình vẫn có quyền tự do cá nhân.
Ảnh minh họa
Điều này đặc biệt quan trọng khi một người không đi làm hoặc thu nhập thấp hơn người còn lại. Một chút tự do tài chính lành mạnh sẽ nuôi dưỡng sự tôn trọng và thoải mái trong hôn nhân, hơn là khiến cả hai phải luôn xin phép hoặc báo cáo cho nhau mọi khoản chi tiêu nhỏ.
4 - Trò chuyện để tìm ra giải pháp chứ không đổ lỗi
Những cuộc nói chuyện về tiền bạc rất dễ biến thành cuộc thảo luận xem ai đúng, ai sai, người này đổ lỗi cho người kia, hoặc cố gắng kiểm soát đối phương,... Nhưng nếu nghĩ sâu và nghĩ rộng hơn, việc phân định đúng - sai trong hoàn cảnh này chỉ khiến mâu thuẫn thêm dày, tình cảm vợ chồng càng dễ sứt mẻ.
Thế nên học cách nói với nhau về tiền mà không công kích, không đổ lỗi là một kỹ năng sống còn trong hôn nhân. Phải nhớ cuộc đối thoại về tiền không nên là một cuộc chiến, mà là quá trình cùng nhau tìm tiếng nói chung dù ban đầu có thể mỗi người một quan điểm, một suy nghĩ chẳng giống nhau.