Có những thứ nhìn qua thì tưởng ai cũng thích, nhưng hóa ra đó chỉ là “đặc sản” trong thói quen chi tiêu của người lương thấp, vì chúng đánh trúng tâm lý dễ mua, dễ vui, dễ cảm thấy mình “sống chất”.
Nhưng với người có tiền mà nói, đó lại là thứ họ lặng lẽ tránh xa, thậm chí có cho không cũng chẳng thèm lấy chứ đừng nói đến chi tiền rước về.
Những món đồ có giá êm, mẫu mã bắt mắt và luôn thay đổi theo mùa rất hấp dẫn với người có thu nhập khiêm tốn. Một chiếc áo, một chiếc váy chỉ bằng vài ly trà sữa,... quá hợp lý để mua đổi gió. Nhưng sau vài lần giặt, vải bắt đầu dão, màu phai, form lệch. Đồ mới chẳng mấy chốc thành đồ cũ, mà cũ rồi cũng không nỡ bỏ. Vậy là chật tủ, chật cả nhà.
Ảnh minh họa
Người có điều kiện kinh tế thường đi theo hướng khác. Họ đầu tư vào những món đồ có thể không quá bắt mắt nhưng cũng chẳng lo nhanh lỗi mốt, và đặc biệt bền. Với họ, thời trang không phải là thứ để chạy theo.
Thậm chí, với một số người, việc tiêu thụ thời trang nhanh còn bị xem là “có tội” với môi trường. Mỗi năm, hàng triệu tấn quần áo bị vứt bỏ, chủ yếu đến từ những món giá rẻ, chất lượng thấp, tuổi thọ ngắn. Quá trình sản xuất cũng tiêu tốn nước, hóa chất và năng lượng không nhỏ, trong khi vòng đời sử dụng lại quá ngắn để bù đắp.
Về lâu dài, thứ tưởng là tiết kiệm hóa ra lại cực kỳ lãng phí và có hại, không chỉ với ví tiền cá nhân mà còn với tài nguyên chung. Mua ít lại, chọn kỹ hơn đôi khi lại là cách thể hiện đẳng cấp tốt nhất.
Ai mà không cần vui? Nhưng điều đáng nói là, càng ít tiền, người ta càng dễ bị cuốn vào những buổi tụ tập vô nghĩa, chẳng có mục đích gì rõ ràng. Có khi đi chỉ để không thấy mình không thua kém, hoặc đơn giản là vì chẳng biết làm gì.
Người giàu thì ngược lại. Họ không chống chán bằng cách tiêu tiền, đốt thời gian. Nếu muốn thư giãn, họ chọn nghỉ dưỡng có kế hoạch, hoặc tự tạo khoảng lặng cho bản thân. Họ không vui kiểu ào ào, mà vui theo cách giúp bản thân khỏe hơn, tỉnh táo hơn, đầu óc minh mẫn hơn. Vì họ biết thời gian cũng là một dạng tài sản nên phải dùng sao cho đáng.
Không khó để thấy thói quen này: Khi buồn, khi mệt, hoặc đơn giản là không kịp nấu nướng, không ít người thường tìm đến đồ ăn nhanh, hoặc đồ ăn liền. Nhưng ăn nhiều quá thì da xấu, bụng dạ biểu tình, tinh thần uể oải. Không phải tự nhiên mà người ta lại có câu “bệnh từ miệng mà ra”.
Ảnh minh họa
Người có tiền không phải lúc nào cũng ăn cao lương mỹ vị, nhưng họ rất quan tâm đến việc ăn gì để khỏe. Họ đọc thành phần, chọn món kỹ, và sẵn sàng chi tiền để được ăn sạch, ăn vừa đủ, ăn đúng. Với họ, chăm sóc sức khỏe không phải điều gì cao siêu mà chỉ là một thói quen đúng đắn, duy trì mỗi ngày.
Nhiều người nghĩ rằng có tiền mới chọn được cách tiêu tiền “đẹp”. Nhưng thực tế thì ngược lại: Chính cách chi tiêu khôn ngoan mới là thứ giúp người ta giữ được tiền và sống thoải mái hơn về sau. Người lương thấp không đáng trách khi muốn thưởng cho bản thân, nhưng nếu phần thưởng ấy chỉ làm mình vui trong 5 phút, rồi mệt cả tuần, thậm chí cả tháng sau, thì có đáng không?
Tiêu tiền không khó, cái khó là tiêu cho thứ thật sự khiến cuộc sống mình khá lên, dù chỉ một chút mỗi ngày.