Khổ tâm vì chồng không cho cầm tiền lương

Ngọc Linh, Theo Thanh niên Việt 10:30 22/07/2025
Chia sẻ

"Chồng chưa bao giờ đưa tiền lương cho em, chi tiêu gia đình hay tiết kiệm, anh tự lo hết".

Nhắc tới chuyện quản lý tài chính gia đình, đây là 2 phương án mà nhiều cặp vợ chồng thường áp dụng: Hoặc là quy hết tiền về một mối, hoặc là mỗi người "chia" nhau vài khoản rồi chủ động lo liệu đúng trách nhiệm đã cam kết.

Tưởng chừng thế đã là rõ ràng, không còn gì phải bàn cãi nhưng cuộc sống mà... Thực tế nhiều khi luôn khác xa so với tưởng tượng. Tâm sự của cô vợ trong câu chuyện dưới đây chính là một trường hợp như vậy.

Chồng không có gì để chê ngoài việc không bao giờ cho vợ cầm tiền

Nỗi lòng của cô vợ này có thể tóm tắt như sau: Chồng khá chu đáo, biết chăm lo cho gia đình, duy chỉ có việc không bao giờ đưa lương cho vợ là khiến cô lấn cấn. Anh một mình lo liệu mọi thứ, từ việc tiết kiệm cho tới cả mua sắm những món đồ giá trị lớn như ô tô, cũng tự quyết, không nói gì với vợ...

Khổ tâm vì chồng không cho cầm tiền lương- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

"Em lương 11 triệu, chồng em lương 25-30 triệu chưa kể thu nhập ngoài. Chồng em quản hết tiền nong, em không biết gì về tiền của chồng. Bọn em thỏa thuận là em lo tiền ăn uống, điện nước còn lại anh sẽ lo hết, từ tiền học của con cho tới tiền tiết kiệm.

Nhưng em lấn cấn vì tiền tiết kiệm anh cầm, có việc gì lớn như mua ô tô hay mua đồ có giá trị trong nhà, anh cũng tự ý sắm, nhiều khi đặt xong xuôi rồi mới nói với em 1 câu kiểu như thông báo vậy thôi. Anh cũng không bao giờ đưa tiền cho em cầm cả. Nhiều khi em cũng tủi thân lắm, không biết có nhà nào như nhà em không ạ?" - Cô vợ chia sẻ.

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người thẳng thắn bày tỏ rằng nếu chồng lo được, quản lý được tiền thì bản thân càng "nhẹ gánh", chứ người cầm tiền mới là người đau đầu. Tuy nhiên, việc người chồng tự ý quyết định các khoản chi tiêu lớn, hay không cho vợ biết về khoản tiết kiệm thì quả thực, có phần hơi lạ.

"Tiền tiết kiệm chồng cầm, nhưng ý là bạn có biết cụ thể là bao nhiêu tiền không? Nếu biết thì không sao, chẳng có gì phải lo vì người cầm tiền mới là người phải cân đo đong đếm, mới mệt đó. Chồng vẫn lo được việc lớn trong nhà, lo cho con thì vậy là cũng ổn rồi, chỉ có điều là có thể anh hơi độc đoán nên tự ý sắm sửa, không bàn với vợ thôi. Cái này thì trừ điểm nhé, không được" - Một người bình luận.

"Tiền nong chỉ là 1 chuyện thôi, quan trọng là cảm giác chồng hành xử như vậy là thiếu tôn trọng vợ ấy. Tủi thân là đúng rồi, thử vợ cầm tiền mà cứ tự tung tự tác, mua xong mới báo xem chồng có cáu không? Việc nào ra việc đó, sao mọi người cứ bênh anh chồng thế nhỉ?" - Một người khá bức xúc.

"Không ổn. Nhà mình, chồng cũng quản lý tiền đây nhưng chi tiêu lớn nhỏ gì cũng bàn với vợ hết. Không đến mức đo giọt nước mắm, đếm củ dưa hành nhưng các khoản lớn thì phải bàn với nhau chứ. Bàn bạc ấy, không phải thông báo đâu" - Một người đồng tình.

Người cầm tiền không đồng nghĩa với người có "toàn quyền"

Vấn đề nằm ở chỗ: Việc để một người giữ tiền là sắp xếp hợp lý dựa trên năng lực, thói quen, hoặc sự thuận tiện. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc người đó được "toàn quyền" định đoạt mọi khoản chi tiêu, nhất là những chi tiêu liên quan đến gia đình và những kế hoạch chung.

Khổ tâm vì chồng không cho cầm tiền lương- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thực tế trong hôn nhân, quản lý tài chính không nên là một cuộc "phân vai" mà là một sự phối hợp. Việc một người cầm tiền chỉ đơn thuần là để dòng tiền không bị xáo trộn, chứ không có nghĩa là người không cầm tiền không có quyền được biết, được bàn bạc, được nêu ý kiến về những khoản chi tiêu lớn, những khoản tiết kiệm, đầu tư, hay kế hoạch dài hạn của gia đình.

Giống như câu chuyện của cô vợ nói trên, nếu chỉ nhìn bề ngoài, có thể nhiều người sẽ nghĩ: "Chồng lo hết thì tốt quá rồi còn gì!". Nhưng cảm giác bị đứng ngoài mọi quyết định quan trọng, kể cả khi đó là những quyết định tốt, vẫn khiến người còn lại thấy mình lạc lõng, không được tôn trọng.

Hôn nhân là cùng nhau vun đắp. Còn nếu người giữ tiền có quyền quyết toàn bộ mà không cần bàn bạc, thì lâu dần, khoảng cách không nằm ở chuyện tiền nữa, mà là ở cảm giác bị bỏ rơi khỏi những lựa chọn định hình cuộc sống chung.

Một khoản chi tiêu lớn như mua ô tô hay đổi đồ điện tử trong nhà, đâu chỉ là chuyện tiền. Đó là về thói quen sống, nhu cầu sử dụng, sự ưu tiên,... mà tất cả những thứ ấy đều ảnh hưởng đến cả hai. Không thể chỉ vì "tôi cầm tiền" không bàn bạc với người còn lại.

Bên cạnh đó, cũng không nên có tâm lý "ai cầm tiền thì người đó vất vả hơn người còn lại". Tiền không tự nhiên mà sinh ra. Ngay cả khi một người làm ít tiền hơn, thì công sức của họ trong việc vun vén gia đình, chăm sóc con cái, cũng là một phần không thể thiếu trong bức tranh tài chính tổng thể.

Tiền bạc trong hôn nhân là chuyện quan trọng, nhưng quan trọng hơn là cách hai người cùng đối thoại về nó. Không có sự minh bạch, không có sự chia sẻ thì dù tiền có nhiều đến đâu, tình cảm vợ chồng cũng dễ sứt mẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày