Theo báo cáo từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 4 - 10/9, số ca mắc sốt xuất huyết mới đã giảm 475 trường hợp so với tuần trước (từ 28/8 - 3/9). Tuy nhiên, số ca bệnh mắc mới vẫn cao, gồm 2325 trường hợp được ghi nhận trong tuần qua.
Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 26.784 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có tới 7 ca tử vong. Đây là số ca mắc kỉ lục trong suốt những năm qua, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2016.
Dù rằng dịch sốt xuất huyết đang giảm dần, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể chủ quan. Hãy cùng theo dõi những minh chứng khủng khiếp về biểu hiện của sốt xuất huyết mà một bệnh nhân sốt xuất huyết phải trải qua.
Dưới đây là những chia sẻ của anh Nhật Ánh (26 tuổi, Hà Nội) về những "nỗi khổ" mà anh đã phải trải qua trong suốt quá trình mắc bệnh sốt xuất huyết:
(Ảnh nhân vật cung cấp)
Ngày đầu tiên (2/9), mình bắt đầu bị sốt, đo thì thấy cao tận 39,5 độ C, cơ thể lúc đó rơi vào trạng thái lạnh run. Sau đó, khi được uống thuốc hạ sốt thì tình trạng này đã giảm bớt.
Ngày thứ 2, mình có gọi dịch vụ xét nghiệm sốt xuất huyết tại nhà đến để kiểm tra thì phát hiện tiểu cầu giảm. Tuy nhiên, tiểu cầu cũng chưa hạ nhiều nên mình vẫn được bác sĩ chỉ định cho tự điều trị tại nhà, uống hạ sốt và oresol để bù nước.
Đến ngày thứ 3, mình vẫn luôn trong tình trạng sốt liên tục, khi được uống thuốc thì có hạ nhưng cũng chỉ được một lúc thôi chứ sau đó lại sốt tiếp. Cơ thể thật sự là rất mệt mỏi vì tiểu cầu giảm. Việc ăn uống rất khó khăn, mình cũng chỉ ăn được cháo và súp.
Ngày thứ 4, tuy mình vẫn tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng cứ cách 1 ngày thì lại phải kiểm tra máu một lần. Vào khoảng buổi chiều (5/9), lúc kiểm tra thì phát hiện tiểu cầu chỉ còn 33, thế mình được đưa đi... cấp cứu luôn.
Tình trạng xuất huyết dưới da của bệnh nhân.
Tới ngày thứ 5, lúc đó mình đang được điều trị cách ly trong bệnh viện (bệnh viện Nhiệt Đới TW) thì bị phát ban.
Dưới da nổi lên rất nhiều đốm đỏ li ti mà đến giờ vẫn chưa hết. Cảm giác khi bị phát ban vô cùng khó chịu vì rất ngứa và mình không chịu được nên đã... gãi liên tục.
Trên người thì la liệt các vết kim tiêm vì phải lấy máu để xét nghiệm khá nhiều lần và còn phải truyền nước nữa.
Cũng đúng trong ngày thứ 5 này thì tiểu cầu của mình bị hạ nghiêm trọng, lúc đầu xét nghiệm đã rơi xuống còn 22, một lúc sau chỉ còn 6. Thế là mình phải điều trị truyền tiểu cầu gấp.
Có thể nói, việc hạ tiểu cầu như anh Ánh là vô cùng nguy hiểm. Khi đó, bệnh nhân dễ bị chảy máu, xuất huyết như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí còn có thể bị xuất huyết não...
Thường thì những bệnh nhân có lượng tiểu cầu thấp dưới mức 50 (50G/l) là đã rơi vào tình trạng nguy hiểm, cần theo dõi liên tục và sẵn sàng truyền tiểu cầu khi có xuất huyết.
Từ ngày thứ 6 trở đi, mình điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ thì tiểu cầu tăng dần. Mình vẫn chỉ ăn cháo, súp và uống nước dừa.
Ngày thứ 7 thì mình đã bắt đầu khoẻ hơn và có thể ăn những thứ như thịt bò, trứng vịt lộn để tăng tiểu cầu.
Ngày thứ 8 thì mình được xuất viện. Lúc ấy mình đã giảm đi tận 3 kg chỉ sau có 8 ngày mắc sốt xuất huyết, người gầy rộc đi. Bạn bè ai gặp cũng kêu là gầy đi nhanh quá mà nhìn... xơ xác.
Có thể thấy, diễn biến của tình trạng sốt xuất huyết vô cùng nguy hiểm. Việc chủ quan có thể khiến cho quá trình điều trị khó khăn và kéo dài hơn rất nhiều, thậm chí còn có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác. Chính vì vậy, chúng ta cần hết sức cẩn trọng, luôn theo dõi cơ thể để phát hiện và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, một điều không thể thiếu là thực hiện các biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết từ chính những việc làm nhỏ nhất. Tham khảo ngay hướng dẫn dưới đây để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh nhé!
Tham khảo thông tin: Trung tâm tin tức vtv24, vtv.vn