Trong khi nhiều quốc gia vẫn đang vật lộn với bài toán miễn viện phí và bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe toàn dân, Cuba nổi lên như một hình mẫu đặc biệt: cung cấp hệ thống y tế miễn phí toàn diện cho toàn dân.
Miễn viện phí toàn dân, coi sức khỏe là quyền cơ bản
Cuba là quốc gia duy nhất trên thế giới có hệ thống y tế thuần công lập (Ảnh: Cuba Heal).
Sau Cách mạng năm 1959, Cuba đã quyết định đặt việc phát triển một hệ thống y tế công cộng, phổ cập và miễn phí làm ưu tiên quốc gia. Theo đó, Cuba xây dựng hệ thống y tế miễn phí thuần công lập dựa trên 7 nguyên tắc:
Cuba là quốc gia duy nhất trên thế giới có hệ thống y tế thuần công lập (hoàn toàn thuộc nhà nước), không có bệnh viện hay phòng khám tư nhân. Người dân Cuba không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào khi đến bệnh viện, từ khám bệnh, xét nghiệm, cấp thuốc, điều trị nội trú đến phẫu thuật.
Các bác sĩ Cuba đang thực hiện 1 ca phẫu thuật (Ảnh: The Guardian).
Theo thông tin từ OpenEdition Journal, hệ thống y tế của Cuba từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), Ngân hàng Thế giới (WB), cùng nhiều tạp chí y khoa hàng đầu như The Lancet, Science và The New England Journal of Medicine ca ngợi là hình mẫu đáng học hỏi.
Mô hình y tế 3 cấp tại Cuba
Cuba là một quốc gia có tỷ lệ bác sĩ trên đầu người cao nhất thế giới với 9 bác sĩ/1.000 dân. Theo Viện Nghiên cứu Cuba thuộc Đại học Quốc tế Florida (Mỹ), hệ thống y tế Cuba được tổ chức theo cấu trúc ba tầng gồm: chăm sóc cơ bản, chăm sóc chuyên khoa và điều trị kỹ thuật cao.
Ở cấp cơ sở, chính quyền địa phương phụ trách mạng lưới y tế cộng đồng, bao gồm các trạm y tế ban đầu và phòng khám khu vực. Điểm đặc trưng nổi bật nhất của cấp này là mô hình bác sĩ - y tá gia đình. Theo đó, mỗi khu dân cư đều được phân công một bác sĩ gia đình. Bác sĩ này có nhiệm vụ theo dõi tình trạng sức khỏe của từng người dân trong khu vực: ai khỏe mạnh, ai đang có bệnh, ai có nguy cơ, đồng thời đảm bảo mọi người được tiêm chủng, chăm sóc tiền sản và khám định kỳ đúng thời điểm.
Cuba là một quốc gia có tỷ lệ bác sĩ trên đầu người cao nhất thế giới (Ảnh: Prensa Latina).
Khi bệnh nhân cần can thiệp sâu hơn, họ được chuyển đến tuyến chăm sóc chuyên khoa gồm các bệnh viện, trung tâm y tế chuyên khoa do tỉnh quản lý. Tại đây, bệnh nhân được điều trị các bệnh lý phức tạp hơn, xử lý biến chứng và phục hồi chức năng.
Cuối cùng, tuyến điều trị kỹ thuật cao bao gồm các bệnh viện và trung tâm chuyên sâu cấp quốc gia, phục vụ chẩn đoán - điều trị các bệnh nghiêm trọng và nghiên cứu chuyên biệt.
Nhờ mô hình “chăm sóc y tế gõ cửa từng nhà”, Cuba đạt được nhiều chỉ số sức khỏe ấn tượng như: tuổi thọ trung bình xấp xỉ 78 tuổi, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh rất thấp, độ phủ tiêm chủng gần như tuyệt đối.
Không chỉ tập trung trong nước, Cuba còn nổi tiếng với chiến lược “ngoại giao bác sĩ”. Theo PAHO, từ năm 1963 đến nay, hơn 400.000 nhân viên y tế Cuba đã được cử tới hơn 160 quốc gia trên thế giới để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, thiên tai và tăng cường chăm sóc y tế. Chiến lược này không chỉ là một phần của chính sách đối ngoại mà còn giúp Cuba thu về nguồn ngoại tệ quan trọng.
Không ít thách thức từ hệ thống thuần công lập
Tuy là một mô hình ấn tượng, y tế Cuba vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Thiếu thuốc men, vật tư y tế và thiết bị hiện đại là điều thường gặp tại các bệnh viện công.
Lương bác sĩ và nhân viên y tế ở mức rất thấp, khiến không ít người chọn rời bỏ ngành hoặc tìm đường ra nước ngoài làm việc. Ngoài ra, việc không có hệ thống y tế tư nhân cũng khiến người dân không có lựa chọn thay thế khi không hài lòng với dịch vụ công, đồng thời tạo ra tâm lý trì trệ trong hệ thống.
(Tổng hợp)