Bạo hành bằng đòn roi vốn đã rất sợ hãi nhưng có một loại bạo hành nữa cũng khủng khiếp không kém đó là bạo hành bằng lời nói. Đáng buồn là, loại bạo hành này vẫn xảy ra xung quanh chúng ta, từng ngày từng giờ và có rất nhiều phụ huynh đang sử dụng nó nhưng bản thân không hề nhận ra.
Các bố mẹ đôi khi vô tình hay cố ý, vì áp lực căng thẳng mệt mỏi từ công việc hay thói quen được nuôi dạy từ bé khiến mình vô thức lặp lại hành động đó với con mình. Đây là 1 dạng bạo hành dành cho trẻ mà chúng ta không nhìn thấy bằng mắt thường trên cơ thể, tuy nhiên hệ lụy cho việc này kéo dài đến cả cuộc đời sau này. Cùng lắng nghe những câu chuyện gia đình sau:
Câu chuyện 1:
Chị Ngân là một người nóng tính, tuy là ''nói xong lại quên ngay'' nhưng những lời chị nói ra rất dễ gây tổn thương cho đối phương, đặc biệt là chồng và các con. Hôm đó, trước mặt rất đông khách khứa, cậu bé Huy lấy nước nhưng vô tình làm đổ lênh láng ra mặt bàn, chị Ngân cau có:
- Sao mà dốt thế hả con, cái chai nước như thế kia lại đi cầm tay trái, ngu cũng vừa phải thôi chứ, ngu hết phần người khác thế à?
- Vâng con sẽ để ý hơn.
- Thôi đi, mồm nói nhưng có bao giờ thực hiện, cái ngu cái dốt sẵn trong người rồi, có 1 tỷ năm nữa cũng thế, chẳng làm được gì đâu, mai ra đời rồi nhục mặt con nhé.
Đừng gieo tổn thương vào lòng con trẻ (Ảnh minh hoạ)
Chồng chị Ngân ngồi gần nghe thấy vợ chỉ trích con bèn xấu hổ trước ánh mắt ái ngại của mọi người, sau đó lên tiếng: ''Thôi em, con nó đã biết lỗi rồi, mà chỉ là đổ nước chứ có gì đâu mà em quát con vậy''. Chị Ngân thẳng thừng: ''Đúng là bố nào con nấy, bố thì lười lại không biết làm gì, thử hỏi có thằng đàn ông nào không biết sửa điện như anh không. Chẳng dạy con được gì thì thôi còn lắm điều''.
Hoá ra, trong cuộc sống hàng ngày, chị Ngân vẫn hay nói những lời gây sát thương như thế. Nhưng cho đến lần này trước mặt mọi người thì cả chồng và con đều bẽ bàng. Chồng chị Ngân quyết định ly hôn, cậu con trai nhất quyết theo bố chứ không theo mẹ.
Câu chuyện 2:
Do học không giỏi nên điểm Toán của Minh rất thấp, lúc nào cũng loanh quanh 2, 3 điểm. Thấy con mình có kết quả học quá tệ, bố mẹ Minh rất thất vọng, buồn bã và trách mắng cậu bé thường xuyên. Ngày nào cũng vậy, Minh phải nghe chửi mắng và những lời móc mỉa từ bố mẹ, nào là con nhà người ta thế nọ thế kia, mày thì chẳng biết cố gắng là gì.
Buồn tủi nhưng Minh biết cậu bé chưa từng thử một lần cố gắng. Nghĩ là làm, Minh lao vào học, quyết phấn đấu cho bài kiểm tra tiếp theo. Và sau đó, cậu bé đã được 6 điểm Toán, một con số tuy không lớn nhưng nó chứng minh cho sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng. Cô giáo và bạn bè rất đỗi ngạc nhiên, ai cũng mừng cho Minh.
Cậu bé háo hức vô cùng, mang bài kiểm tra với tâm trạng hạnh phúc về khoe bố mẹ.
- Mẹ ơi hôm nay con được 6 điểm môn Toán đấy ạ.
- Tưởng gì, 6 điểm mà cũng khoe. Thằng Tú ngồi cạnh được mấy, lại 9 chứ gì.
Nếu không khéo léo, bố mẹ sẽ vô tình dập tắt sự tự tin của con (Ảnh minh hoạ)
Minh im lặng, không nói gì. Cậu bé trở về phòng và khóc nức nở, lập tức vò nát bài kiểm tra và ném vào thùng rác. Từ đó trở đi, Minh không bao giờ cố gắng nữa vì cậu biết điều bố mẹ cần không phải là thấy con cố gắng mà là thành tích như con nhà người ta. Từ bỏ sự nỗ lực đồng nghĩa với việc trong tương lai, cậu bé sẽ chẳng có điều gì suôn sẻ cả.
Từ 2 câu chuyện trên có thể thấy, khi nói lời cho sướng bản ngã, thỏa mãn sự bực tức trong lòng nhưng làm đau người thân, nghĩa là đã giết chết những tế bào yêu thương trong lòng người khác, để lại hậu quả đáng tiếc, như vậy thật chẳng đáng chút nào.
- Khi trẻ sai thì chì chiết, trách móc sai lầm của con, lặp đi lặp lại trong thời gian dài khiến bé xấu hổ, thậm chí khó chịu.
- Quát mắng con ở nơi đông người, dùng lời lẽ không lịch sự mỗi khi con làm việc gì sai.
- Không cho trẻ được giải thích lý do vì sao dẫn tới hành động đó, ép buộc theo ý kiến của bố mẹ và bắt trẻ phải làm theo.
Hãy ở bên và lắng nghe con thay vì trách mắng (Ảnh minh hoạ)
- So sánh con với những em bé khác cùng lớp, với anh chị em của mình khiến bé cảm thấy kém cỏi.
- Chê bai trẻ trước mặt nhiều người khiến bé tự ti, xấu hổ.
- Đổ lỗi cho con dù chưa biết thực hư sự việc thế nào.
- Bố mẹ cãi nhau, quát tháo bằng lời lẽ thậm tệ trước mặt con cái.
- Con sợ hãi nhưng không phục, cảm thấy uất hận, uất ức trong lòng.
- Bé sẽ thiếu tự tin, mặc cảm vì không bằng bạn bè xung quanh.
- Luôn trong tình trạng lo lắng vì không biết làm vậy có bị bố mẹ đánh đòn không.
- Với những trẻ biết suy nghĩ sớm, con có thể có những hành vi nguy hiểm đe doạ tính mạng của mình.
Đừng làm con trẻ phải tổn thương bởi những người thân yêu nhất (Ảnh minh hoạ)
- Khó kết bạn hoặc kết nối với mọi người xung quanh.
- Thiếu thốn tình thương yêu, sự bao bọc của ba mẹ.
- Đối xử với người khác hay với các em nhỏ khác tương tự.
- Trở nên bướng bỉnh và khó bảo hơn, chỉ làm theo bố mẹ vì sợ chứ trong suy nghĩ không cảm thấy điều đó là đúng.
- Thay vì mắng mỏ hãy để con được nói ra suy nghĩ của mình trước khi trách phạt con. Khi bé được nói, được phát biểu suy nghĩ, được thấu hiểu thì con sẽ cảm thấy được coi trọng và nghe lời bố mẹ hơn.
- Ngưng so sánh con với bất kì ai. Con là duy nhất và sở hữu cá tính riêng biệt, bất kì sự so sánh nào cũng khiến con cảm thấy không vui.
- Không quát to, nói lớn hay trách phạt trẻ ở nơi đông người hay trước mặt các anh chị em. Nên dạy trẻ ở nơi riêng tư bằng cách nhẹ nhàng. Khi nói to, con sẽ khó tiếp thu được những lời nói của bố mẹ.
- Yêu thương và dành thời gian nhiều hơn cho con, lắng nghe và thấu hiểu con sẽ là chìa khoá để mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái trở nên tốt đẹp hơn.
Loại bạo hành thể xác lẫn tinh thần trên thường xảy ra ở không ít gia đình gây ảnh hưởng không nhỏ tới suy nghĩ, lối sống và tính cách trong tương lai của con trẻ. Hy vọng những ông bố, bà mẹ sẽ có nhận thức đúng đắn hơn và tìm ra phương pháp phù hợp trên hành trình nuôi dạy con của mình.