Những phương pháp dạy con đã lỗi thời nhưng nhiều cha mẹ vẫn tưởng là tốt

San San, Theo Phụ nữ Việt Nam 04:26 03/09/2022

Có những điều người lớn nghĩ rằng làm vậy sẽ tốt cho con nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược.

Cuộc sống hiện đại kéo theo rất nhiều thay đổi, đặc biệt là trong phương pháp chăm sóc và giáo dục con. Càng ngày chúng ta càng thấy những em bé tự tin, tự lập, bản lĩnh và giỏi giang hơn, đó là nhờ sự đổi mới trong cách nuôi dạy con cái. Muốn tạo nên những đứa con ưu tú, trước hết cha mẹ cần phải chịu khó tìm hiểu, quan sát, kiên nhẫn định hướng con đường tốt nhất cho trẻ.

Chính vì thế, có một số những phương pháp dạy con đã không còn phù hợp, thế nhưng lại vẫn được nhiều bố mẹ áp dụng. Họ cho rằng như vậy là giúp con, khuyến khích, động viên con... nhưng thực ra kết quả lại hoàn toàn trái ngược. Dưới đây là một số điều mà cha mẹ nên tránh để trẻ có cơ hội phát triển toàn diện.

Đưa khoảnh khắc đáng xấu hổ của con lên mạng

Đây là thói quen của nhiều bậc cha mẹ. Vì quá "cuồng" con mà họ có thể đưa bất kỳ khoảnh khắc nào của trẻ lên mạng. Từ việc con ăn uống, ngủ nghỉ, đi chơi, đi học... cho đến cãi lời mẹ, bướng bỉnh, bị dọa đánh... đều được bố mẹ chia sẻ từng ngày trên mạng xã hội. Thoạt nhìn, điều đó có vẻ như bình thường nhưng thực chất lại ẩn chứa rất nhiều nguy cơ.

Một số những khoảnh khắc bố mẹ cần tránh như khi con tắm, khi con làm chuyện riêng tư, những tật xấu của con... hay cả ảnh của các em bé khác, nếu muốn đăng người lớn nên hỏi ý kiến phụ huynh của trẻ. Chưa kể, người xấu có thể lợi dụng điều này để hãm hại hoặc lấy thông tin cá nhân của con.

Một số bà mẹ cho biết, nếu con học giỏi, được khen thưởng thì chắc chắn khi đăng lên sẽ được mọi người khen ngợi. Ngược lại, khi con hư, nếu đăng lên có thể sẽ khiến bé cảm thấy xấu hổ và tự thay đổi. Tuy nhiên, kết quả lại không như vậy, việc con bị bêu xấu, mỉa mai hay bị dán nhãn là hư sẽ khiến trẻ cảm thấy ngại ngùng, có xu hướng làm ngược lại những gì cha mẹ yêu cầu.

Những phương pháp dạy con đã lỗi thời nhưng nhiều cha mẹ vẫn tưởng là tốt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Loại bỏ mọi trở ngại giúp con

Nhà giáo dục Carol Muleta khuyến khích phụ huynh không nên làm điều này vì nó cướp mất cơ hội để con học hỏi kỹ năng mới. Cha mẹ loại bỏ mọi chướng ngại vật cũng khiến con không học được cách "đấu tranh" cho thứ mình muốn. Ngoài ra, Muleta cho rằng việc này truyền tải thông điệp cha mẹ đang không tin tưởng con.

Nhiều ông bố, bà mẹ cho rằng con quá bé bỏng để có thể giải quyết mọi vấn đề nên "con cứ việc chơi, còn lại để bố mẹ lo". Tuy nhiên, sự bao bọc của bố mẹ sẽ hình thành một đứa trẻ phụ thuộc, ỷ lại, không có tính tự lập trong cuộc sống. Nhiều cha mẹ tưởng rằng làm như vậy là giúp con nhưng thực ra lại đang hại con.

Nếu có cơ hội được tự mình vượt qua các chướng ngại vật, trẻ sẽ dần trưởng thành và học cách tự lập trên chính đôi chân của mình. Dĩ nhiên, trẻ vẫn luôn cần bố mẹ theo sau chỉ bảo và đưa ra lời khuyên đúng đắn.

Những phương pháp dạy con đã lỗi thời nhưng nhiều cha mẹ vẫn tưởng là tốt - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cha mẹ sẽ làm thay và cho con mọi điều tốt nhất

Bố mẹ chiều chuộng con cái quá mức có thể khiến con trở thành một đứa bé bướng bỉnh, hư hỏng, "muốn gì được nấy". Khi trưởng thành, một đứa trẻ như vậy thường sẽ thiếu trách nhiệm với bản thân và công việc, tiêu xài hoang phí, thích vòi vĩnh, kém kỹ năng xã hội, ích kỷ và chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân...

Trẻ nên được biết về hoàn cảnh sống, kinh tế và những điều con nên tự làm từ nhỏ. Dù cha mẹ nghèo hay giàu mà nuông chiều con thì đều tạo ra những đứa trẻ có tính cách xấu trong tương lai. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, bố mẹ nên để con được làm việc với phương châm "tuổi nhỏ làm việc nhỏ" chứ không nên làm thay hay giúp đỡ trẻ tất cả mọi việc.

Con phải nghe lời người lớn mới là đứa trẻ ngoan

Theo Laura Markham - Một nhà tâm lý học và là tác giả của cuốn sách Cha mẹ bình yên, con hạnh phúc, những đứa trẻ quá ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ răm rắp lớn lên sẽ dễ trở thành "những người lớn ngoan ngoãn". Hay nói cách khác, đó là những người không có chính kiến cá nhân, thiếu quyết đoán, thiếu tự lập và không dám đấu tranh cho quyền lợi cá nhân, thậm chí dễ trở thành "kẻ khờ" bị người khác thao túng...

Một số cha mẹ Việt xem sự vâng lời là một đức tính căn bản, vâng lời là không được cãi người lớn, không chỉ đứa trẻ phải vâng lời cha mẹ mà phải vâng lời người lớn nói chung, chẳng hạn có bà mẹ cho biết "Phải vâng lời ba mẹ, vâng lời người lớn, rồi kính trên nhường dưới... Ví dụ như là mẹ nói con nghe lời nhưng dì nói con không nghe là không được".

Nếu cha mẹ xem sự vâng lời là một giá trị ưu tiên trong giáo dục con cái, muốn con mình luôn ngoan và luôn biết vâng lời mình một cách tuyệt đối, thì có nghĩa là cha mẹ đang nặn đúc con thành một hình nhân theo ý mình chứ không cho con cái sống cuộc sống của chính chúng với những tính cách riêng, những khác biệt riêng.

Con nhất định phải được điểm cao hoặc có bằng đại học thì mới thành công

Thực tế, bố mẹ càng la mắng khi trẻ bị điểm kém càng khiến trẻ nản lòng, tự ti và học kém hơn... Thay vì tạo quá nhiều áp lực cho trẻ, phụ huynh có thể áp dụng một vài cách sau để giúp trẻ học tốt hơn: cho trẻ một không gian học tập yên tĩnh, hướng dẫn và cùng con làm bài tập, động viên trẻ cố gắng học tốt hơn mỗi ngày...

Những phương pháp dạy con đã lỗi thời nhưng nhiều cha mẹ vẫn tưởng là tốt - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Và hãy nhớ rằng, bố mẹ có quyền đặt kỳ vọng vào con, nhưng cũng không nên bày tỏ nỗi thất vọng mỗi khi con bị điểm kém hoặc thất bại. Vì theo TS. Stephanie O'Leary, thất bại có thể mang đến cho trẻ nhiều lợi ích, điển hình như cho trẻ nhiều kinh nghiệm sống, luôn sẵn sàng và biết cách vượt qua khó khăn trong tương lai.

Riêng với những ông bố, bà mẹ có con đang học cấp 3 hoặc đại học hãy nhớ rằng, tấm bằng đại học rất quan trọng nhưng đó không phải là tất cả và càng không phải là yếu tố duy nhất giúp con thành công. Thực tế, mức lương cao hay thấp không phụ thuộc hoàn toàn vào tấm bằng mà nằm ở năng lực và kinh nghiệm. Vì thế, bố hãy cho con được làm đúng ngành mà bản thân yêu thích.