Mất 18 năm nghiên cứu, nhà khoa học mới ghi hình được loài chó hiếm có này

Hoa Hướng Dương, Theo Helino 00:45 02/06/2018

Đây là loài chó cực kỳ hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng vì số lượng của loài này đang giảm đi do diện tích rừng thu hẹp.

Chó tai ngắn (danh pháp hai phần: Atelocynus microtis) là một loài động vật thuộc họ Chó vô cùng nhút nhát, thường xuyên lẩn trốn con người. Chúng là loài chó đặc hữu duy nhất chỉ có tại lưu vực Amazon.

Xem video:

Loài chó tai ngắn cực kỳ hiếm được ghi hình tại Amazon. Nguồn: Nat Geo

Trên đây là cảnh tượng hiếm hoi về loài chó này mà các nhà khoa học đã ghi lại được bằng camera đặt cố định tại khu rừng phía Đông Nam Peru vì loài chó này rất nhạy cảm, ngay cả với các vật thể lạ như camera.

Camera GoPro được ngụy trang rất kín đáo bởi nhà nghiên cứu sinh vật học Lary Reeves gần xác của một con lợn lòi pecari, rất may mắn là sau đó ông đã ghi hình được loài chó này vào tháng 5/2014.

"Con chó đi tới khoảng 20' sau khi chúng tôi rời đi. Điều này thật khó tin. Chúng không ở lại lâu và không quá ngạc nhiên khi chúng lẩn tránh camera" - Pitman giải thích.

Mất 18 năm nghiên cứu, nhà khoa học mới ghi hình được loài chó hiếm có này - Ảnh 2.

Chó tai ngắn. Ảnh: Cắt từ video trong bài

Với kích thước nhỏ chỉ bằng một con cáo, lại lẩn tránh con người nên nếu tới khu rừng này bạn thậm chí sẽ còn bắt gặp loài báo nhiều hơn là bắt gặp chó tai ngắn.

Nhà sinh thái học và là bác sĩ thú y Renata Leite Pitman cho biết: "Chúng cực kỳ hiếm và rất khó để có thể nhìn thấy". Các nhà nghiên cứu của Đại học Duke (Mỹ) hợp tác với các chuyên gia của kênh truyền hình khám phá tới 18 năm để nghiên cứu về chúng.

Điều đáng ngạc nhiên là trong từng ấy thời gian, các nhà nghiên cứu cũng chỉ có 5 lần phát hiện dấu vết của chúng: "Chúng rất rụt rè, rất khác so với các vật nuôi khác" - Renata cho hay. Màu lông tối giúp chúng ẩn mình trong bụi rậm để trốn tránh kẻ đi săn.

Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu và tìm cách bảo vệ sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng vì số lượng giảm sút bởi nạn chặt phá rừng của con người.

Nguồn: Nat Geo