"Ngay từ đầu chúng tôi đã nói rõ trong thỏa thuận là dữ liệu người dùng có thể được thu thập, vì thế Facebook không vi phạm trong vấn đề này." Đó là lời Mark Zuckerberg đã phát biểu ngay trước Quốc hội Mỹ trong phiên điều trần mới đây.
Vì thế, về mặt lý thuyết, ngay cả ứng dụng bị cho là lấy dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dùng từ hơn 2 năm trước rồi bị rò rỉ ra ngoài cũng không làm sai. Nói cách khác, họ hoàn toàn có quyền sử dụng dữ liệu đó để hoạt động, vẫn đúng theo thỏa thuận mà Facebook đã ký trước đó.
Mark Zuckerberg trước Quốc hội Mỹ.
"Ứng dụng đó được tạo ra trên nền tảng của Facebook. Ngay từ năm 2007, chúng tôi cũng đã giải thích với mọi người rằng mỗi khi dùng một ứng dụng, việc chấp nhận chia sẻ chính dữ liệu cá nhân hoặc thêm cả của bạn bè là có thể xảy ra. Không có gì mập mờ và giấu giếm trong chuyện này. Các bạn đã đồng ý với điều đó ngay từ khi đăng ký làm người dùng Facebook rồi," trích lời phát biểu của Mark. Zuckerberg.
Dù sao thì CEO của Facebook cũng thừa nhận cách thức mà mạng xã hội này được thiết kế vẫn chưa thực sự tối ưu cho đến năm 2014, khi công ty quyết định nâng cấp, cải thiện tính năng và giới hạn lại một số quyền truy cập của ứng dụng bên ngoài.
Cho dù cả dư luận nói chung và Ủy ban Thương mại Liên bang cùng gây sức ép, Mark Zuckerberg vẫn giữ nguyên quan điểm của mình cùng bằng chứng về việc Facebook hoàn toàn tuân theo các quy tắc chiếu theo quyền riêng tư cá nhân của người dùng, rằng họ vẫn luôn quan tâm đến sự đồng ý và cho phép mới dám thu thập dữ liệu hoặc các hành động xa hơn.
Chẳng hạn, hơn 50 triệu người bị liên lụy bởi vụ việc lộ dữ liệu vừa qua thực ra đã tự đồng ý về việc đó ngay từ khi cài và sử dụng ứng dụng rồi. Dù vậy, sự thật là bạn bè của những người cài đặt nó cũng bị khai thác dữ liệu, nên đây vẫn là cái cớ để Facebook bị xoáy vào và tiếp tục điều tra thêm nữa.