Mạng xã hội còn một mặt trái rất đáng quan ngại

Mít Tờ Biết Tuốt, Theo Tổ Quốc 15:56 03/05/2022

Không phải nội dung độc hại, không phải những sự thật dối trá, mạng xã hội đang khiến chúng ta ngày càng "ngu ngốc" bằng một cách nguyên thuỷ hơn rất nhiều.

Bài viết là quan điểm cá nhân của tiến sĩ Louis Rosenberg, ông là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).

(*) Tiêu đề do Toà soạn đặt.

Mạng xã hội còn một mặt trái rất đáng quan ngại* - Ảnh 2.

Tiến sĩ Louis Rosenberg thuyết trình tại sự kiện TEDxKC năm 2017

Mở đầu

Tôi đã dành hầu như cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu cách mà công nghệ có thể khuếch đại khả năng của con người, về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Trong một vài năm trở lại đây, mối quan tâm của bản thân tôi tập trung vào việc giải đáp câu hỏi liệu công nghệ có giúp ích gì trong việc cải thiện trí tuệ của chúng ta hay không? Kết quả của nghiên cứu khá thú vị khi nó chỉ ra rằng, mạng xã hội, thứ mà bạn và tôi đang tiếp xúc hàng ngày, lạ lùng thay, đang ảnh hưởng tiêu cực đến trí tuệ của con người, đặc biệt là trong một tập thể.

Nguyên nhân không phải đến từ những nội dung nhảm nhí tràn lan trên các nền tảng này. Càng không phải những tin tức thiếu kiểm chứng hay những thông tin được đưa ra chỉ nhằm mục đích hạ thấp khả năng nhận thức của tất cả người dùng. Suy cho cùng, những điều kể trên không phải là một vấn đề mới, nó chỉ được con người mang từ thế giới thực lên các trang mạng xã hội và truyền bá chúng ngày càng rộng rãi và nhanh chóng hơn mà thôi.

Mạng xã hội còn một mặt trái rất đáng quan ngại* - Ảnh 3.

Tin giả hay các nội dung độc hại trên thực tế không phải là một vấn đề quá mới trong xã hội loài người

Để làm rõ quan điểm này, hãy đến với những khái niệm đơn giản hơn. Cụ thể, có một tính năng trên các trang mạng xã hội đã và đang tác động tiêu cực đến trí não con người dù nội dung trong đó là gì đi nữa. Để giải thích cho khái niệm này, hãy cùng tôi lùi lại một chút về quá khứ. Bắt đầu nhé…

Khái niệm mô hình tư duy

Con người được thiên nhiên sinh ra đã là những cỗ máy xử lý thông tin khổng lồ, dành cả cuộc đời mình để quan sát thế giới xung quanh, sau đó sử dụng những điều quan sát được để xây dựng cho riêng mình những thứ gọi là "mô hình tư duy".

Ví dụ, khi một đứa trẻ sơ sinh vô tình làm rơi đồ chơi của mình và thấy nó rơi xuống hết lần này đến lần khác, não bộ sẽ khái quát hiện tượng, xây dựng mô hình tư duy về cái gọi là lực hấp dẫn (trọng lực). Điều này giúp những cá thể non nớt này định hướng được thế giới xung quanh chúng, từ dự đoán được kết quả của việc cố tình ném một vật thể lên không trung.

Mạng xã hội còn một mặt trái rất đáng quan ngại* - Ảnh 4.

Việc quả táo rơi xuống đất được cho là bình thường bởi lẽ nó là một mô hình tư duy được hình thành từ rất sớm trong não bộ

Nó thật sự hiệu quả đến khi đứa bé này nhìn thấy một quả bóng bay, do được bơm đầy khí heli, vật thể này có thể lơ lửng trong không khí mà không rơi xuống, điều này ngay lập tức trái ngược với mô hình tư duy được hình thành trước đó, buộc não bộ phải điều chỉnh để xây dựng một mô hình mới, nơi đó có những trường hợp đặc biệt mà trọng lực không hoạt động theo cách thông thường.

Bằng cách học hỏi và điều chỉnh các mô hình tư duy liên tục như vậy, não bộ con người ngày một tinh vi hơn để rồi từ đó hình thành nên thứ mà ta vẫn hay gọi là trí thông minh.

Như vậy, để hình thành được trí thông minh, con người phải lặp lại 3 bước cơ bản đó là:

- Nhận thức thế giới.

- Khái quát trải nghiệm.

- Cuối cùng là hình thành mô hình tư duy.

Đây cũng là nơi mà mạng xã hội "gây rối", nó chen ngang vào bước "Nhận thức thế giới" và "Khái quát trải nghiệm", điều này khiến mỗi chúng ta mắc phải những sai sót đáng kể khi xây dựng mô hình tư duy sâu bên trong não bộ.

Nếu những mô hình tư duy về khoa học tự nhiên luôn bất biến, thì ở chiều ngược lại, những nhận thức, trải nghiệm dẫn đến mô hình tư duy về khoa học xã hội lại phức tạp hơn thế rất nhiều.

Khái niệm "Không Gian Công" và tác động tiêu cực của mạng xã hội

Trong khoa học, có một khái niệm gọi là "The Public Sphere", thường được biết đến trong các văn bản học thuật tại Việt Nam là "Không Gian Công". Khái niệm này được định nghĩa lần đầu tiên bởi triết gia người Đức Jürgen Habermaѕ, trong đó, "Không Gian Công" là nơi các cá nhân có thể tập hợp để chia sẻ các vấn đề quan trọng, trao đổi ý kiến thông qua lắng nghe và thảo luận.

Theo lý thuyết đó, những cá thể trong "Không Gian Công" sẽ có xu hướng hình thành những mô hình tư duy xã hội học tương tự nhau, đây cũng là nền tảng để cộng đồng có thể đưa ra những quyết định thỏa mãn số đông.

Mạng xã hội còn một mặt trái rất đáng quan ngại* - Ảnh 5.

The Public Sphere là nơi các cá nhân có thể tập hợp để chia sẻ các vấn đề quan trọng, trao đổi ý kiến thông qua lắng nghe và thảo luận

Nhưng rắc rối bắt đầu khi mạng xã hội xuất hiện và bóp méo "Không Gian Công" của chúng ta ra khỏi khuôn khổ cho phép, từ đó tạo nên một mô hình tư duy xã hội lệch lạc trong mỗi cá thể, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đưa ra quyết định mang tính tập thể có thể thỏa mãn số đông mà tôi vừa đề cập bên trên.

Mạng xã hội với mục tiêu ban đầu không gây nên sự lệch lạc này, mà nó đến từ quy trình phân phối thông tin đến người dùng.

Như chúng ta đã biết, việc hình thành mô hình tư duy phải trải qua 2 bước trước đó là "Nhận thức thế giới" và "Khái quát trải nghiệm". Nhưng các nền tảng mạng xã hội đã không cho phép chúng ta "Nhận thức thế giới" một cách trọn vẹn nhất. Thông qua quy trình phân phối nội dung, các nền tảng này sẽ đem đến người dùng những thông tin được cho là phù hợp nhất, được người dùng yêu thích và dành nhiều sự quan tâm. Điều này không sai và nó còn được xem là một cuộc cách mạng trong trải nghiệm người dùng trong thời đại công nghệ số.

Mạng xã hội còn một mặt trái rất đáng quan ngại* - Ảnh 6.

Mạng xã hội đang khiến phần lớn người dùng mang suy nghĩ lệch lạc về cộng đồng

Nhưng việc mạng xã hội sử dụng quy trình phân phối nội dung đã vô tình bóp méo phạm vi của cái gọi là "Không Gian Công", khiến cho những cá nhân bên trong nó không thể tiếp cận được những thông tin, kiến thức hay nội dung mà hệ thống cho rằng không phù hợp với người dùng đó. Cũng dễ hiểu với lượng thông tin bị thiếu sót ở bước "Nhận thức thế giới", con người sẽ hình thành một mô hình tư duy thiếu tính khái quát, thậm chí là không chính xác về môi trường xung quanh.

Hãy lấy ví dụ về mô hình tư duy trọng lực kể trên và đảo ngược nó. Giả sử đứa trẻ đó được nuôi dạy trong một môi trường nơi nó tiếp xúc thường xuyên với những quả bóng bay bơm đầy heli và luôn bay ngược lên trần nhà, sau đó, ai đó ném cho đứa trẻ này một món đồ chơi thông thường và nó sẽ ngay lập tức rơi xuống đất khi bị đánh rơi. Trường hợp này, mô hình tư duy của đứa trẻ này sẽ hoàn toàn bị đảo ngược khi nó cho rằng hầu hết các vật thể đều sẽ bay lên trời và việc một thứ gì đó rơi xuống mới là trường hợp ngoại lệ. Thấy được sự nguy hiểm rồi chứ?

Mạng xã hội còn một mặt trái rất đáng quan ngại* - Ảnh 8.

Nếu một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường với đầy những bóng bay lơ lửng thì sẽ ra sao?

Như vậy, với sự lệch lạc trong mô hình tư duy, chúng ta sẽ tạo nên một "Không Gian Công" với đầy những cá thể với nhận thức đầy thiếu sót và rất khó để một cộng đồng như vậy tìm được tiếng nói chung.

Mạng xã hội, hay nói đúng hơn là quy trình phân phối nội dung chủ động của nó đang sinh ra một thế hệ công dân toàn cầu mới với nhận thức xã hội méo mó, thiếu tính phổ quát và quan trọng hơn là vô cùng cực đoan.

Đó cũng là lý do vì sao đang ngày càng có nhiều người chọn tin vào các thuyết âm mưu hoang đường đọc được trên mạng, phản bác các lý thuyết khoa học, y học đã được chứng minh và còn nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Nói cách khác, mạng xã hội đang khiến con người ngày càng khó phân biệt phải trái, đúng sai và nhận định đúng đắn về sự thật vốn dĩ của nhân loại, giống như một đứa trẻ dành cả tuổi thơ của mình để tiếp xúc với bóng bay sẽ khó có thể hòa nhập được với một thế giới nơi gần như mọi thứ đều nằm yên trên mặt đất.

Theo: Louis Rosenberg/VentureBeat

https://kenh14.vn/mang-xa-hoi-dang-lam-con-nguoi-ngu-ngoc-hon-2022050218440494.chn