Mang tiếng là cháu đích tôn nhưng tôi luôn bị ông nội đối xử bất công trong nhà, mở tủ lấy nước uống cũng bị sỉ vả là loại "không biết phép tắc gì"

Mạn Ngọc, Theo Thanh niên Việt 18:54 22/04/2025
Chia sẻ

Tôi im lặng cúi đầu. Nhiều lần như vậy, dần dần không còn cảm giác muốn khóc hay tủi thân gì nữa.

Tôi là cháu đích tôn, cái danh xưng nghe oai vệ nhưng thực ra chẳng mang lại cho tôi chút hạnh phúc nào. Người ta bảo, được sinh ra trong một gia đình truyền thống, lại là cháu trưởng của dòng họ, tôi phải hãnh diện lắm. Nhưng có ai biết rằng, đằng sau hai chữ "đích tôn" ấy là cả một trời cô đơn, tủi hờn và những ánh mắt soi xét từ chính người thân của mình?

Từ nhỏ, tôi đã quen với những lời răn dạy đầy nghiêm khắc của ông nội.

"Là cháu đích tôn, sau này phải lo cho cả họ, phải giữ gìn nếp nhà, phải làm rạng danh tổ tiên!".

Ông bà nội sinh thưa nên bố tôi hơn cô út 18 tuổi và cô út chỉ hơn tôi có 5 tuổi thôi. Khoảng cách tuổi tác ngắn ngủi đó khiến tôi càng hiểu rõ hơn rằng ông đã phân biệt đối xử, "con yêu cháu ghét" đến như thế nào.

Những câu nói ấy cứ như lời nguyền, đè nặng lên vai tôi từ khi còn bé. Trong khi đó, cô út của tôi, lại được ông cưng chiều hết mực, chẳng bao giờ phải nghe những lời này. Cô ấy chỉ cần cười một cái là ông nội đã vội vàng lấy kẹo bánh dụ dỗ, chỉ cần khóc nhè một tiếng là cả nhà xúm vào dỗ dành.

Còn tôi? Tôi phải đứng thẳng, phải nghiêm túc, phải "làm gương". Một lần duy nhất tôi dám than mệt vì học nhiều, ông nội liền trừng mắt:

"Con trai mà yếu đuối thế à? Ngày xưa tao còn khổ hơn gấp trăm lần!"

Tôi im lặng cúi đầu. Nhiều lần như vậy, dần dần không còn cảm giác muốn khóc hay tủi thân gì nữa.

Chuyện hạ lộc ngày giỗ, ngày Tết là điều khiến tôi tủi thân nhất. À! Tất nhiên chỉ tủi thân vài lần đầu thôi nhưng sau đó tôi thấy nó hoàn toàn bình thường, chẳng buồn để nó vào đầu.

Ông nội bao giờ cũng tự tay bày biện mâm cúng, nhưng khi thắp hương xong và hạ lộc xuống, ông luôn giấu đi những phần ngon nhất như bánh chưng gấc đỏ, miếng thịt đùi béo ngậy, những chiếc kẹo lạc thơm phức... tất cả đều được ông khéo léo gói lại, cất vào tủ chạn.

Mang tiếng là cháu đích tôn nhưng tôi luôn bị ông nội đối xử bất công trong nhà, mở tủ lấy nước uống cũng bị sỉ vả là loại "không biết phép tắc gì"- Ảnh 1.

Tôi biết, vì có lần tôi tình cờ nghe ông nói thế với bà nội. Nhưng có một lần, khi tôi mở tủ lấy nước, ông bất ngờ xuất hiện, giật phắt gói lộc từ tay tôi, mắt lạnh lùng còn chẳng thèm nói với tôi nửa lời.

Tôi chết lặng. Tôi chỉ muốn uống ngụm nước, chứ đâu dám động vào đồ cúng? Nhưng trong mắt ông, tôi luôn là đứa tham ăn, ích kỷ, không biết nghĩ cho người khác.

Về sau thì ông cất kỹ hơn, ông giả vờ như chẳng có gì trong nhà, tôi thuận nước đẩy thuyền coi như chẳng biết những việc ông đã làm. Cứ thế dần dần tôi và ông nội không còn tiếng nói chung, nhất là sau khi bố mẹ tôi ly dị, bố lấy vợ hai và chuyển ra ngoài sống.

Mâu thuẫn bùng nổ vào đúng ngày giỗ tổ năm nào đó mà tôi cũng quên mất rồi. Cả họ tề tựu đông đủ, ông nội đứng ra nói vài lời, nhắc đến truyền thống "con trưởng nối dõi" . Tôi ngồi im nhưng lòng thì nguội lạnh khi nghe ông mỉa mai.

"Cháu đích tôn phải gánh vác, phải hy sinh, không được phép ích kỷ như một số đứa bây giờ!"

Ánh mắt ông hướng về tôi, như một lời trách móc ngầm.

Tối hôm đó, khi mọi người đã về, tôi lén ra ban thờ thắp nén nhang, thì thầm xin tổ tiên phù hộ để ông nội hiểu được lòng mình. Nhưng ông bất ngờ xuất hiện, tưởng tôi đang lấy trộm lộc, liền giận dữ tát một cái

"Mày không biết phép tắc gì à? Cái gì cũng dám động vào! Mày thiếu ăn chết đói à?".

Tôi đứng đó, má nóng bừng, nước mắt chảy dài nhưng không dám khóc. Cô út thấy ầm ĩ chạy tới, ông nội hạ giọng bảo cô đi ngủ đi mai còn đi học không lại mệt.

Mãi sau này, tôi mới biết lý do vì sao ông nội lạnh lùng với tôi đến vậy. Một lần, bà nội vô tình tiết lộ:

"Ông mày ngày xưa cũng là cháu đích tôn, bị ép phải gánh cả gia đình, nên giờ ông nghĩ phải rèn mày như vậy mới thành người."

Thật ra không phải tôi không biết là ông không ghét tôi. Ông chỉ… không biết cách yêu thương, rồi khoảng cách thế hệ, khác biệt suy nghĩ... Tất cả khiến ông hành xử cay nghiệt với đứa cháu nội duy nhất.

Ông nghĩ rằng nghiêm khắc mới khiến tôi trưởng thành, mà không hiểu rằng, đứa cháu ấy chỉ cần một cái ôm, một lời động viên, chứ không phải những lời răn đe lạnh lùng.

Giờ đây, tôi thì vẫn là đứa cháu đích tôn của họ, vẫn phải gánh trên vai bao kỳ vọng. Nhưng tôi đã học cách chấp nhận chứ không oán thán gì hết.

Thế nhưng đúng là tận sâu trong lòng tôi cũng có chút mong muốn rằngmột ngày, ông hiểu rằng, con cháu nào mà chả là con cháu, đích tôn hay không cũng như nhau cả. Và 1 đứa trẻ dù là trai hay gái đều không cần phải chịu đựng tủi hờn mới trở nên mạnh mẽ. Đôi khi, chúng chỉ cần được yêu thương đủ, để tự tin bước đi trên chính đôi chân mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày