Thời gian qua, những hình ảnh cận cảnh về quy trình sản xuất nước đá tại một số cơ sở không phép tại các xã Vĩnh Thành và Vĩnh An, tỉnh Phú Thọ đã làm dấy lên những lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở này không được ngành y tế thẩm định, cấp phép đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng vẫn sản xuất và cung cấp một lượng lớn nước đá cho thị trường, tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe người tiêu dùng.
Một chiếc xe tải bắt đầu rời cơ sở sản xuất nước đá tại xã Vĩnh An, mang theo các túi đá đã được chất đầy. Điểm giao hàng đầu tiên là một cửa hàng tạp hóa cách cơ sở sản xuất khoảng 2 km. Những túi nước đá lần lượt được chuyển thẳng vào tủ lạnh của cửa hàng, và quá trình giao hàng diễn ra nhanh chóng, chứng tỏ sự quen thuộc với công việc này.
Ghi nhận, những chiếc xe tiếp tục giao hàng cho nhiều cửa hàng tạp hóa khác trên địa bàn. Mỗi lần giao, các cửa hàng chỉ nhập khoảng 20 đến 30 túi đá. Ngoài cửa hàng tạp hóa, xe còn giao nước đá cho các cửa hàng bán nước giải khát trong khu vực.
Một chủ cửa hàng bán nước giải khát chia sẻ: "Một túi đá bán 10K, nhập 7K. Nhập của ông ở trên Kiệu này".
Tại các xã Vĩnh Thành và Vĩnh An, hiện có ít nhất 5 cơ sở sản xuất nước đá không phép, và hàng ngày sản lượng nước đá của các cơ sở này đều được tiêu thụ hết. Khách hàng chủ yếu là các quán tạp hóa, quán nước, nhà hàng và các doanh nghiệp có nhiều người lao động.
Một chủ cửa hàng tạp hóa cho biết: "Đá sạch không anh? Rất sạch. Đá của cơ sở nào vậy? Thanh Mai. Cơ sở đá có giấy phép không? Không. Khi mình mua đá có giấy phép an toàn thực phẩm không? Không... Nhưng tôi nghĩ mua đá thì mua đá thôi, cần gì giấy phép. Người ta làm từ nước, cứ thế mà lấy".
Mặc dù không có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng giá cả rẻ là yếu tố mà các chủ cửa hàng tạp hóa quan tâm nhất. Các cơ sở sản xuất nước đá không phép thường sử dụng công nghệ lọc thô sơ hoặc không có hệ thống lọc, giúp họ giảm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Để cạnh tranh, họ thậm chí còn giảm giá bán, từ đó chiếm lĩnh thị trường.
Một chủ cơ sở sản xuất nước đá ở xã Vĩnh Thành chia sẻ: "Nhà chị giao tất 6K-7K. Đá gọi lúc nào có lúc đó luôn, thoải mái. Đá to mà, lấy 6K. Thôi lấy anh 5.5K".
Với mức giá rẻ như vậy, chỉ 5.500 đồng/túi đá 5kg (thậm chí có thời điểm còn hạ giá còn 5.000 đồng/túi), dù sản xuất không phép và không đảm bảo vệ sinh, nước đá từ các cơ sở "chui" vẫn thu hút khách hàng. Mỗi ngày, một cơ sở có thể tiêu thụ 700-800 túi đá.
Ông Đào Anh Thái, Chi Cục trưởng Chi Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết: "Các cơ sở chưa được cấp phép bởi cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, yêu cầu phải dừng ngay. Việc đưa sản phẩm ra thị trường này tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng và có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm".
Với nhu cầu tiêu thụ lớn hàng ngày, không ai có thể xác định được bao nhiêu túi nước đá từ các cơ sở sản xuất không phép đã tuồn ra thị trường, gây nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe cộng đồng.
Đại diện Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra và đóng cửa các cơ sở sản xuất nước đá "chui" trong thời gian sớm nhất, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.