Đại thi hào Đỗ Phủ lúc sinh thời từng phóng tác nên bài thơ "Khúc giang đầu - kỳ nhị", kể về sự say sưa sảng khoái, giấc mơ tỏ bày với chén rượu phong lưu. Trong đó có một câu thơ đã hóa thành bất tử để đi sâu vào trong nhân gian: "Nhân sinh thất thập cổ lai hy", nghĩa là "Người sống đến bảy mươi tuổi xưa nay hiếm". Tuổi 70 với người đời xưa có thể coi là thọ ngang quỷ thần, còn với người đời nay, đấy là bậc trưởng lão đức cao vọng trọng.
Tuy nhiên, vào ngày hôm qua cả dải đất hình chữ S đã lên cơn sốt về một người thầy "Nhân sinh thất thập cổ lai hy", đó là HLV Mai Đức Chung , người đưa đội tuyển bóng đá nữ quốc gia vào World Cup. Sinh năm 1951 trên giấy tờ, HLV Mai Đức Chung đã bước vào tuổi 72.
Ở cái độ tuổi mà nhiều người chọn cách sum vầy với con cháu, và tận hưởng cuộc sống bình lặng sau bao nhiêu năm tháng chinh chiến, thì HLV Mai Đức Chung lại đội mưa, đội gió, đội nắng trên sân cỏ, trên sân tập, để hiện thực hóa khát vọng thành công cho bóng đá nữ Việt Nam.
Bà Phạm Thị Ngọc Uyển, vợ HLV Mai Đức Chung đã tâm sự "Có lẽ đã lâu lắm rồi, vợ chồng chúng tôi mới xa nhau ngày Tết". Và như lời bà kể lại rằng: "Trước khi ông ấy cùng đội sang Tây Ban Nha tập huấn, còn được 76 cân, giờ gọi về cho tôi bảo, chỉ còn 72 cân thôi. Thương ghê lắm. Nhưng cũng tự hào ghê lắm".
Điều gì đã đưa một HLV tuổi thất thập, đã là huyền thoại sống ở khu vực Đông Nam Á ở bình diện bóng đá nữ, lại phải chinh chiến đến sờn vai như thế, xa vợ xa con ngày Tết, dầm mưa dãi nắng theo đúng cái nghĩa của nó? Bảo là đam mê liệu có phải đã lãng mạn và đơn giản hóa quá chăng?
Vào năm 2017, khi HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức và để lại một khoảng trống ở chiếc ghế đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên Việt Nam lại vướng 2 trận đấu với Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2019. VFF đã liên hệ khắp nơi nhưng chẳng ai dám nhận ghế, thứ nhất là vì sợ thất bại, thứ hai là vì lòng tự ái nghề nghiệp (cầm quân xong 2 trận thì rời ghế).
Duy chỉ có HLV Mai Đức Chung là dám nhận trách nhiệm. Thời điểm ông nhận ghế là vừa vô địch SEA Games về. Phát biểu ngày hôm đó, HLV Mai Đức Chung đã nói: "Tôi là người Đảng viên. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, chẳng ai nhận thì tôi nhận thôi. Thắng tôi nhận, thua tôi chịu trách nhiệm, đánh đổi bằng danh tiếng, tôi cũng chấp nhận. Cả đời tôi sống thế rồi, sá gì chỉ một trận đấu này".
Đấy chính là sâu xa con người của HLV Mai Đức Chung, một kiểu người thuần túy và giàu lý tưởng. Chính vì cái lý tưởng cao đẹp mà ông đã chọn, nên ông chẳng nề hà khó khăn, chẳng ham hư danh trói buộc. Khó khăn không ngăn chặn được tinh thần chiến đấu và sự dũng cảm của HLV Mai Đức Chung.
Có thể nói, bên cạnh vấn đề tài năng chiến thuật, cách xây dựng đội bóng đá nữ, thì tính cách của ông mới là tiền đề để tạo nên phép màu World Cup trong tuổi thất thập này. Trong một xã hội đã biến thiên quá nhiều về tiền tài, danh vọng, ông vẫn là con người của sự ban đầu, là tìm đến những điều tốt đẹp nhất cho bóng đá Việt Nam, con người Việt Nam, đất nước Việt Nam.
Ngày hôm ấy ở Campuchia, người ta chứng kiến cảnh người thầy đã 66 tuổi ra rèn chiến thuật cùng học trò giữa cơn mưa tháng Chín như trút nước ở Campuchia. Bất chấp những khó khăn về lực lượng, bất chấp tinh thần xuống dốc sau thất bại ở SEA Games, ông đã đưa tuyển Việt Nam vượt qua Campuchia với tỷ số 2-1.
Phát biểu sau trận đấu, HLV Mai Đức Chung có nói một câu rất hay đúng với con người của ông "Hãy đánh giá rằng chúng ta đã thành công. Cái thành công ấy là vượt qua được khó khăn". Trận lượt về, ông đưa đội tuyển giành thắng lợi giòn giã 5-0 trước Campuchia trên sân Mỹ Đình, và tiến bước dài đến tấm vé dự vòng chung kết Asian Cup 2019.
Một tháng sau, HLV Mai Đức Chung rời đi trong lặng lẽ, để ấn kiếm đội tuyển lại cho một người đàn ông vừa được ký hợp đồng từ Hàn Quốc. Tên của người đàn ông ấy là Park Hang-seo.
Kể từ ngày đó, bóng đá nam Việt Nam chỉ còn biết đến HLV Park Hang-seo và những thành tựu suốt 4 năm qua của đội tuyển quốc gia. Không ai còn nhớ đến người thuyền trưởng đã cầm lái trong lãng quên và sự thờ ơ, trong bão lửa của áp lực dư luận, và cả sự trốn tránh của bao nhiêu HLV lão làng. Nhưng chính ở đó khi nhìn lại, ta tìm thấy gì đây? Một viên ngọc trong đá! Dẫu trong mưa trong gió, trong vỏ ngoài sần sùi thì ngọc vẫn là ngọc, để một ngày phát quang rực rỡ, như ngày hôm nay.
Ngày bóng đá nữ Việt Nam đi ra biển lớn. Chúng ta vui sướng một thì lại càng tự hào hai khi vị thuyền trưởng đem con tàu ra biển ấy là "con Lạc cháu Hồng", người mang dòng máu Việt Nam, niềm tin Việt Nam, và cả lý tưởng ở tuổi thất thập xứng đáng cho người trẻ noi theo và học tập.