Lý Gia Thành: Một người thật sự thành công, không cần dùng cách "thể hiện" để chứng minh. Người càng thích thể hiện thứ gì, thường lại càng thiếu thứ đó!

Thiên Tuyết, Theo Trí Thức Trẻ 21:43 02/08/2019
Chia sẻ

Bạn không cần hâm mộ những thứ mà người khác có, bởi vì chỉ cần ra sức cố gắng bạn cũng có thể đạt được. Bạn cũng đừng thể hiện khoe khoang những thứ mình có, bởi vì chỉ cần cố gắng thì người khác cũng sẽ có được như bạn.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta dường như đều đang đặt chân trong một thị trường danh lợi cực lớn:

Có người đại gia, nhà cao cửa rộng, xe hơi sang trọng.

Có người chồng yêu chiều, con cái hiếu thuận.

Có người có túi xách, mỹ phẩm, đồng hồ nổi tiếng, bản giới hạn.

Mà có vài người trong số đó, nếu không khoe khoang, sẽ cảm thấy mình thấp kém. Nhưng thật ra, thứ khiến họ thấp hơn người khác lại chính là sự tự ti và lòng ham hư vinh lớn.

Diệc Thư từng nói rằng: "Một người phụ nữ có khí chất thực sự, sẽ không bao giờ khoe khoang tất cả những gì cô ấy có. Cô ấy sẽ không nói cho mọi người biết cô ấy đọc sách gì, ở nơi sang trọng nào, nhà có bao nhiêu quần áo, mua bao nhiêu thứ quý giá rồi, bởi vì cô ấy không có cảm giác tự ti."

1. Trình độ nhận biết càng thấp, lại càng thích "thể hiện"

Người càng ít kiến thức, trình độ nhận thức càng thấp, lại càng thích khoe khoang trước mặt người khác.

Quyền thần Hòa Thân trong lúc sửa mới phủ đệ của mình, vì muốn tăng thêm nét văn nhã, ông đã mời Kỷ Hiểu Lam viết một bức hoành ở đại sảnh. Kỷ Hiểu Lam không muốn viết, nhưng lại không tiện chối từ, sau khi chần chừ một hồi, ông liền cầm bút viết lên hai chữ: "Trúc Bao", có ý là "Trúc Bao Tùng Mậu" (nghĩa đen chỉ tùng trúc tốt tươi, nghĩa bóng ý nói sự nghiệp thịnh vượng)

Hòa Thân vui vẻ treo nó ở sảnh chính, và thường khoe khoang với các đồng liêu của mình.

Một ngày nọ, hoàng đế Càn Long đến nhà Hòa Thân, nhìn thấy chữ mà Kỷ Hiểu Lam ghi. Trong lòng ông nghi ngờ, nên mới tập trung tinh thần chú ý kĩ, thế rồi ông đột nhiên nhận ra, nên mỉm cười nói với Hòa Thân: "Ái khanh bị Kỷ Hiểu Lam trêu chọc rồi! Nếu tách chữ "Trúc" và chữ "Bao" ra, chẳng phải sẽ biến thành bốn chữ "Một cái bao cỏ" sao?

Càn Long nói xong liền cười lớn, còn Hòa Thân không biết nên khóc hay cười.

"Trúc Bao Tùng Mậu" ý chỉ sự hưng thịnh, đầy người tài. Nhưng nếu tách từng chữ trong từ "Trúc" và "Bao" ra, nó sẽ biến thành "Một cái bao cỏ", ý chỉ người vô dụng. Hai ý nghĩa trái ngược rất lớn.

Những người có nhận thức càng thấp, càng thích sử dụng cách phô trương để đạt được sự vượt trội. Nhưng ở mặt khác, nó chính là biểu hiện cho sự thấp kém. Những người thực sự tài giỏi, trình độ cao, nhận thức phong phú, đa dạng, thường ít đi khoe khoang, thể hiện với người khác. Bởi vì trong đầu và nội tâm họ đã đủ phong phú, họ sống theo cách họ muốn, chứ không cần sống theo cách người khác nghĩ.

Người càng hiểu biết, lại càng khiêm tốn. Bọn họ giống như những bông lúc mạch, chỉ vì trên người đã mang nhiều thứ, nên họ học được cách cúi đầu, thay vì chống eo đứng "thể hiện".

2. Một người càng thích "thể hiện" thứ gì, thường lại càng thiếu thứ đó.

Akutagawa Ryunosuke, một nhà văn Nhật Bản từng viết trong Kappa (Hà đồng) rằng: "Thứ chúng ta muốn thể hiện nhất, thường là những gì chúng ta không có."

Giống như một người mang đôi giày hàng hiệu, đắc ý đi lại khắp nơi, gặp người nào cũng đều khoe khoang đôi giày mình đang mang cho mọi người xem.

Trong ghi chép của "Sử ký", vị tể tướng Yến Anh có dáng người thấp bé, mỗi lần ra ngoài, người đánh xe của ông đều dùng một chiếc xe lớn, cột 4 con ngựa, hô hào, thu hút người xung quanh nhìn lại, việc đó làm người đánh xe kia thấy rất tự hào.

Đúng lúc người vợ của người đánh xe kia thấy được cảnh này, và muốn rời xa anh ta, người đánh xe kia bối rối, không hiểu nguyên nhân.

Người vợ kia mới bảo: "Dáng người tể tướng Yến Anh chưa đầy 1 mét 6, thân là tể tướng Tề Quốc, tiếng tăm vang xa khắp nơi, còn anh cao 1 mét 8, thân là người đánh xe nhà người ta, còn mượn tiếng tăm của người ta để khoe khoang về mình, không thấy xấu hổ sao?"

Người đánh xe mượn thế tể tướng, mà đi khắp nơi khoe khoang. Ngoài mặt trông ông ta sống rất sung sướng, lại có tiếng, và ông ta thỏa mãn được thói mê hư vinh của mình. Nhưng trên thực tế, chính vì khao khát quyền lực sâu sắc, ông ta mới có hành vi này.

Từ quan điểm này cho thấy, một người càng thích khoe thứ gì, thì lại càng thiếu thứ đó.

Có một vài người thiếu tiền, nhưng lại không dám sống thật, sợ bị bạn bè chê cười, nên mới giả vờ làm đại gia nhiều tiền; người có vị trí càng thấp, lại càng thích đặt mình lên hàng cao.

Một người càng để ý thứ gì, thì thứ đó thường là cái khiến họ thấy tự ti, mà càng tự ti, lại càng muốn thông qua cách "thể hiện" để lấy lại thể diện.

Mà người thực sự giàu có, đủ đầy, sẽ không muốn khoe khoang thứ gì.

Lý Gia Thành: Một người thật sự thành công, không cần dùng cách thể hiện để chứng minh. Người càng thích thể hiện thứ gì, thường lại càng thiếu thứ đó!  - Ảnh 1.

Cách đây một thời gian, nam diễn viên Hồng Kông Châu Nhuận Phát và vợ mình đã quyên góp hết 5,6 tỷ tiền để dành, và cùng nhau sống một cuộc sống đơn giản.

Cuộc sống càng hạnh phúc, người ta lại càng thích sống đơn giản, cái người ta theo đuổi, không phải vật chất ngoài thân nữa, mà là sự vui vẻ, hạnh phúc, đơn giản từ bên trong tâm hồn.

Những người thực sự thành công, trước giờ đều không dùng cách thể hiện để chứng minh cái gì.

Những người thực sự ưu tú, sẽ không bao giờ thể hiện ra mặt rằng "tôi vượt trội, tôi hơn người", cũng không bao giờ khoe khoang thân phận bản thân, càng sẽ không nâng cao mình bằng cách hạ thấp người khác.

Nhiều năm trước, Phùng Luân đến Hồng Kông, Lý Gia Thành là chủ nhà nên mời khách. Lúc đó, Lý Gia Thành đã là người rất giàu có, còn Phùng Luân chỉ mới là một ông chủ nhỏ.

Phùng Luân vốn nghĩ rằng, một người có tên tuổi lớn như Lý Gia Thành, khi ăn cơm đến trễ là chuyện bình thường, nên ông đã chuẩn bị sẵn tâm lý ngồi chờ rồi. Nhưng không ngờ lúc đến nơi hẹn, Lý Gia Thành đã sớm đợi sẵn ở cửa thang máy, vừa gặp khách, đã vội chào hỏi, còn lịch sự đưa danh thiếp bằng cả hai tay.

Ngay từ thời cổ đại, người Trung Quốc thường có thói quen thế này. Chủ nhà thường căn cứ vào danh tiếng và địa vị của khách mà tiếp đãi họ: danh tiếng lớn, địa vị cao, thời gian tiếp đãi dài; địa vị bình thường, tiếp đãi qua loa hơn.

Nhưng Lý Gia Thành lại không như vậy, lúc đó có 4 bàn, mỗi bàn Lý Gia Thành đều đến nói chuyện tầm 15 phút, dù thân hay không thân, dù giàu hay không giàu cũng vẫn vậy, người nào ông cũng chào hỏi, trò chuyện như nhau cả.

Khi chia tay, ông ấy bắt tay mọi người, kể cả phục vụ bàn, khiến ai cũng cảm thấy thoải mái.

Bữa tối này đã khiến Phùng Luân học được rất nhiều điều. Ông nói có rất nhiều người cảm thấy chính mình "hơn người", nên đi đến đâu cũng muốn được người khác chào đón, khen ngợi.

Nhưng người thực sự thành công, sẽ không như vậy, sự tồn tại của họ, chỉ khiến người ta cảm thấy thoải mái, mà không phải là sự khó chịu.

Lý Gia Thành dạy ông tám chữ, ông vẫn luôn ghi nhớ trong lòng: "Sáng tạo tự ngã, theo đuổi vô ngã." Trong đó, "tự ngã" ý chỉ cái tôi của chính mình, "vô ngã" là không ham hư vinh, hay vật chất ngoài thân,...

Người thực sự thành công, họ đứng vị trí cao nhưng lại khiêm tốn, giàu có nhưng lại rộng rãi.

Vui vẻ thực sự không liên quan gì đến thân phận, địa vị, mà xuất phát từ trái tim đơn giản, dễ thỏa mãn, hạnh phúc.

Người sống trên đời thực sự không cần dùng "thể hiện" để chứng minh điều gì. Sống có tốt hay không, chỉ có chính mình biết rõ. Cả đời dù có giàu cũng chỉ mang vật chất ngoài thân được một kiếp, tiền bạc đến lúc chết cũng không mang theo được.

Tỷ phú còn có thể biến thành ăn mày chỉ trong một đêm. Sự xa hoa, giàu có vốn không bao giờ là tồn tại vĩnh viễn, thế nên sống làm người phải biết khiêm tốn.

Chúng ta có thể dũng cảm sống là chính mình, trong thế giới của mình mà bình tĩnh đón nhận mọi thứ, chứ không phải vì sống trong sự đánh giá của người khác, mà lạc lối "thể hiện" những điều mình không có.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày