Lương Văn Phong: “Kẻ ngáng đường” khuấy đảo đế chế AI tỷ đô của Google và OpenAI

Nguyễn Nghĩa, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 15:17 03/02/2025
Chia sẻ

Những ngày gần đây, DeepSeek đang trở thành một hiện tượng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng người dẫn dắt DeepSeek lại xuất thân từ lĩnh vực tài chính.

Lương Văn Phong, nhà sáng lập DeepSeek, vốn là một chuyên gia tài chính định lượng. Tuy nhiên, ông bất ngờ rẽ hướng sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và chỉ trong một thời gian ngắn, đã đưa DeepSeek trở thành một thế lực đáng gờm, khiến cả những ông lớn trong ngành như OpenAI và Google phải dè chừng.

Khởi nghiệp từ con số 0

Sinh năm 1985 tại Quảng Đông, Trung Quốc, Lương Văn Phong không lớn lên trong một môi trường công nghệ “thuần túy”. Xuất thân trong một gia đình nhà giáo, con đường học vấn của ông bắt đầu tại Đại học Chiết Giang, nơi ông lấy bằng kỹ sư điện tử và thạc sĩ kỹ thuật truyền thông. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng chàng kỹ sư trẻ, với luận văn thạc sĩ về thuật toán theo dõi mục tiêu bằng camera giá rẻ, lại bén duyên với thế giới tài chính đầy biến động.

Sau khi tốt nghiệp, Lương Văn Phong không vội vàng theo đuổi con đường nghiên cứu AI đang còn khá mới mẻ. Ông chọn Thành Đô làm điểm dừng chân, thử sức mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thậm chí trải qua không ít thất bại trước khi tìm thấy "ánh sáng" ở lĩnh vực tài chính. Năm 2013, ông cùng một người bạn đồng môn sáng lập Công ty Quản lý Đầu tư Yakebi Hàng Châu, bước chân vào lĩnh vực giao dịch định lượng ứng dụng AI. Tiếp đó, năm 2015, ông tiếp tục đồng sáng lập Công ty Công nghệ Huanfang Hàng Châu (nay là Công ty TNHH Quản lý Tài sản Jiuzhang Chiết Giang), củng cố thêm kinh nghiệm và vị thế trong giới tài chính.

Lương Văn Phong: “Kẻ ngáng đường” khuấy đảo đế chế AI tỷ đô của Google và OpenAI- Ảnh 1.

Lương Văn Phong ban đầu chỉ là một chuyên gia tài chính

Bước ngoặt High-Flyer

Bước ngoặt quan trọng đến vào năm 2016, khi Lương Văn Phong cùng hai người bạn kỹ sư đồng sáng lập công ty High-Flyer. Sử dụng sức mạnh của toán học và AI, họ nhanh chóng tạo tiếng vang trong giới tài chính. Đến năm 2019, công ty đã quản lý khối tài sản khổng lồ hơn 10 tỷ nhân dân tệ, khẳng định tài năng của Lương Văn Phong trong cả lĩnh vực tài chính và công nghệ. Không dừng lại ở đó, cùng năm 2019, ông thành lập High-Flyer AI, một bộ phận nghiên cứu chuyên sâu về thuật toán AI.

Trong bài phát biểu tại lễ trao giải Golden Bull Awards năm 2019, Lương Văn Phong đã hé lộ tầm nhìn khác biệt của mình về tương lai đầu tư định lượng tại Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng, yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt chính là việc ứng dụng thuật toán và dữ liệu, thay vì phụ thuộc vào yếu tố con người. Ông khẳng định sứ mệnh của High-Flyer là nâng cao hiệu quả thị trường tài chính Trung Quốc bằng sức mạnh công nghệ.

Lương Văn Phong: “Kẻ ngáng đường” khuấy đảo đế chế AI tỷ đô của Google và OpenAI- Ảnh 2.

Trước DeepSeek, ông Phong đã thành lập một công ty tài chính định lượng

Nước cờ 'đi trước”

Ít ai ngờ rằng, những "hạt mầm" DeepSeek đã được Lương Văn Phong âm thầm gieo từ năm 2021, khi ông bắt đầu thu mua hàng nghìn GPU Nvidia. Động thái này, ban đầu có vẻ khó hiểu với một người xuất thân từ tài chính, lại hóa ra là một nước cờ chiến lược thiên tài. Khi chính phủ Mỹ siết chặt lệnh cấm vận chip đối với Trung Quốc, Lương Văn Phong đã nắm trong tay nguồn lực then chốt cho tham vọng AI của mình.

Tháng 4 năm 2023, High-Flyer bất ngờ thành lập phòng thí nghiệm AI, tách biệt khỏi hoạt động tài chính. Và chỉ một tháng sau đó, tháng 5/2023, DeepSeek chính thức ra đời, đánh dấu sự chuyển mình ngoạn mục của Lương Văn Phong, từ "cá mập" tài chính sang "kỳ lân" AI.

Lương Văn Phong: “Kẻ ngáng đường” khuấy đảo đế chế AI tỷ đô của Google và OpenAI- Ảnh 3.

Trước lệnh cấm vận, Lương Văn Phong đã thu mua hàng loạt chip xử lý của Nvidia

Công thức thành công

Dưới sự lãnh đạo của Lương Văn Phong, DeepSeek đã nhanh chóng vươn lên nhờ những nguyên tắc khác biệt: đam mê đổi mới, hiệu quả tối đa và cam kết với mã nguồn mở. Xuất thân từ giới tài chính đã rèn giũa cho Lương Văn Phong tư duy hiệu quả, thể hiện rõ trong cách DeepSeek phát triển AI. Không chạy theo hướng đốt tiền vào siêu máy tính và dữ liệu khổng lồ, DeepSeek tập trung vào tối ưu hóa thuật toán và quy trình, đạt được hiệu suất ấn tượng với chi phí thấp hơn đáng kể so với các đối thủ. Mô hình R1 của DeepSeek, với 671 tỷ tham số, chỉ tiêu tốn 5,6 triệu đô la để xây dựng, một con số khiêm tốn so với hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la mà các công ty khác bỏ ra.

Không chỉ hiệu quả về chi phí, DeepSeek còn gây ấn tượng với cam kết mã nguồn mở. Trong khi nhiều công ty AI "đóng cửa" công nghệ để bảo vệ lợi thế cạnh tranh, Lương Văn Phong lại chọn con đường mã nguồn mở, tin rằng đây là chìa khóa để thúc đẩy sự hợp tác và đổi mới toàn cầu. Triết lý này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng công nghệ, khẳng định tầm nhìn và sự khác biệt của Lương Văn Phong. Ông từng chia sẻ: "Mã nguồn mở giống như một thực hành văn hóa hơn là một thực hành kinh doanh. Một công ty làm điều này sẽ có sức mạnh mềm".

Lương Văn Phong: “Kẻ ngáng đường” khuấy đảo đế chế AI tỷ đô của Google và OpenAI- Ảnh 4.

Lương Văn Phong tin rằng mã nguồn mở là chìa khóa để thúc đẩy sự hợp tác và đổi mới

Thành công của DeepSeek không chỉ là những con số ấn tượng trên bảng xếp hạng AI, mà còn là sự thay đổi cục diện thị trường. Sự xuất hiện của DeepSeek V2 đã châm ngòi cho cuộc chiến giá cả AI tại Trung Quốc, buộc các "ông lớn" công nghệ phải điều chỉnh chiến lược. DeepSeek R1, với khả năng suy luận vượt trội, đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí số 1 ứng dụng miễn phí trên iOS Store tại Mỹ, vượt mặt cả ChatGPT.

Tầm nhìn của Lương Văn Phong không dừng lại ở DeepSeek. Ông hướng đến mục tiêu cao hơn: trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI). Ông tin rằng, AI có tiềm năng biến đổi thế giới, và DeepSeek là nền tảng để ông hiện thực hóa tham vọng đó. Sự trỗi dậy của DeepSeek dưới sự dẫn dắt của Lương Văn Phong không chỉ là câu chuyện thành công của một công ty, mà còn là dấu ấn của một "tay ngang" dám nghĩ dám làm, khuấy đảo thế giới AI và định hình tương lai công nghệ toàn cầu.

Mã nguồn mở (Open Source) là phần mềm có mã nguồn được công khai, cho phép mọi người xem, sửa đổi và phân phối lại miễn phí. Khi áp dụng vào AI, mã nguồn mở mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Trước tiên, nó giúp tăng tính minh bạch, cho phép kiểm tra cách AI hoạt động, giảm nguy cơ thiên vị hoặc sai sót. Ngoài ra, AI mã nguồn mở được cộng đồng đóng góp phát triển, giúp công nghệ tiến bộ nhanh hơn và tiết kiệm chi phí vì không phải mua phần mềm đắt tiền.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày