Có rất nhiều người sau khi nghe những bài học về quản lý tài chính cá nhân, thường đặt ra câu hỏi "Tại sao phải thắt lưng buộc bụng trong 1 khoảng thời gian dài để làm gì? Trong khi cuộc sống mong manh, ai biết trước ngày mai thế nào? Tại sao không tranh thủ tận hưởng cuộc sống trước đi, thay vì cứ chăm chăm tích lũy?".
Nhưng sự thật thì, những người còn đặt ra câu hỏi như vậy, là họ đang phải sống theo cách lệ thuộc vào đồng tiền. Tức là cứ làm được bao nhiêu, thì tiêu bấy nhiêu, làm ít tiêu ít, làm nhiều tiêu nhiều. Trường hợp xấu hơn, nếu không làm ra tiền thì buộc phải vay nợ để chi tiêu. Nếu cứ sống cả cuộc đời như vậy, liệu bạn có cam tâm không? Cách duy nhất để thoát ra khỏi vòng quay tiền bạc này, là học cách tích lũy tài chính và tạo ra nguồn thu nhập thụ động.
Nhiều người trẻ hiện nay đang sở hữu mức lương 10 triệu/tháng. Khi được hỏi: "Liệu với mức lương đó, có đủ để chi trả chi tiêu nếu bạn đang sống ở 1 thành phố lớn hay không?". Thì câu trả lời hầu hết đều là "Không". Tuy vậy, hầu hết mọi người đều cho biết sẽ nỗ lực gia tăng thu nhập nhiều hơn trong thời gian tới.
Nguyễn Hoàng (24 tuổi, Hải Phòng), hiện đang làm lập trình viên cho biết: "Từng có khoảng thời gian mình cho rằng, những người đang làm nhiều hơn 1 công việc cùng lúc, có lẽ họ chẳng thể giỏi chuyên sâu vào việc gì. Giống như Bill Gates - thần tượng của mình, thì nếu như ông làm nhiều việc cùng lúc chỉ để chi trả phí sinh hoạt hàng tháng, thì có lẽ bây giờ đã không có Microsoft. Lúc đó, mình cũng chấp nhận đi làm 8 tiếng/ngày rồi về, cuối tháng nhận mức lương 10 triệu, tiêu vèo là hết. Rồi ngậm ngùi an ủi mình: Cố gắng để trở thành chuyên gia trong nghề!
Nhưng vấn đề ở đây, khi càng đi làm, mình càng nhận ra việc: Nếu làm 1 nghề mãi mà không giỏi, thì bạn có quyền chọn làm nhiều nghề để gia tăng thu nhập. Với những người có đam mê quyết liệt với thứ gì đó, họ có thể đánh đổi tất cả chỉ để tập trung giải quyết 1 vấn đề. Còn với bản thân mình, dù thích lập trình, nhưng mục đích cuối cùng cũng vẫn là kiếm tiền. Vậy nên, mình đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên hết, và đích đến là đạt được sự tự do tài chính trong vòng 15 năm tới. Chỉ khi thoát khỏi sự ràng buộc của tiền, mình mới có thể dành hết tâm tư để nghĩ đến việc mình thực sự yêu thích".
Nếu làm 1 nghề mãi không giỏi, thì hãy lựa chọn làm nhiều nghề hoặc đầu tư để tăng thu nhập
Việc tăng thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau không chỉ phổ biến trong giới trẻ, mà thậm chí là ở cả những người đã lập gia đình. Quốc Trung (25 tuổi, Hưng Yên), hiện đang làm chuyên viên SEO cho 1 agency, chia sẻ câu chuyện của mình: "Mình có 1 ông anh rể, năm nay khoảng 35 tuổi, cũng là người dẫn dắt mình theo nghề. Cách mà anh kiếm tiền quả thực khiến mình thấy rất nể, cảm tưởng như 1 ngày trôi qua với anh như 48 tiếng vậy: 8 tiếng ở công sở rồi, mà vẫn xoay xở mở thêm 1 lớp dạy SEO ban đêm khoảng 2 tiếng, quản lý 1 đội ngũ riêng. Thậm chí thứ 7, chủ nhật còn nhận dự án bên ngoài để xử lý. Ông anh trước đây còn tham gia học quản trị tài chính, đầu tư, học quản trị nhân sự,... gần như khóa học nào cũng thấy học qua. Hiện tại, anh cũng đang sở hữu mấy nguồn thu nhập thụ động từ đầu tư vàng, chứng khoán và bảo hiểm. Và câu nói mà lúc nào anh cũng nhắc nhở mình, đó là: Tuổi trẻ phải cố gắng hết mình mà học hỏi, sau đó hãy kiếm tiền một cách thông minh". Và điều mà anh đang làm, đó là gia tăng thu nhập 1 cách triệt để, và xây dựng những khoản thu nhập thụ động khác trong dài hạn.
Việc gia tăng thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau giúp bạn không cần phải phụ thuộc vào tiền lương hàng tháng. Nhưng bên cạnh đó, bạn nên có 1 kế hoạch tích lũy cụ thể. Tiết kiệm không phải là chìa khóa để trở nên giàu có, nhưng đó là cách duy nhất để bạn xây dựng được quỹ tài sản để có thể đạt được tự do tài chính.
Nguyễn Hoàng chia sẻ kế hoạch tài chính của mình: "Để đạt được mục tiêu tự do tài chính trong vòng 15 năm tới, mình luôn suy nghĩ: Làm sao để không cần phụ thuộc vào tiền lương hàng tháng? Câu trả lời nằm ở việc tiết kiệm và biết tích vốn đề đầu tư. Mình chia thành 3 giai đoạn nhỏ: Tiết kiệm trước - Đầu tư ngắn hạn - Đầu tư dài hạn.
Sở dĩ chia thành các giai đoạn, là bởi vì mình là người làm công ăn lương. Xây dựng quỹ tài chính từ con số 0 lên, nên cần phải tích đủ vốn mới có tiền để đầu tư. Để có tiền tiết kiệm, mình chọn làm nhiều công việc cùng lúc, nhưng có liên quan tới công việc hiện tại. Chỉ có cách tăng thu nhập, thì mới có dư để tiết kiệm. Khi có số vốn nhỏ, mình đem đầu tư ngắn hạn. Thời điểm này bạn có thể tìm hiểu kỹ các phương án đầu tư, như: Đầu tư góp vốn kinh doanh cùng bạn bè, đầu tư vào cổ phiếu, chứng khoán hoặc các loại chứng chỉ quỹ. Nhưng điều quan trọng nhất trong giai đoạn này, là phải có kiến thức thật vững vàng.
Đầu tư dài hạn là phần không thể thiếu trong kế hoạch tài chính cá nhân của mình. Đây sẽ là những tài sản đảm bảo cho tương lai, khi mình nghỉ hưu và quyết định dừng lại công việc. Bảo hiểm là cái mình đang đầu tư, và sẽ duy trì đến cuối đời. Ngoài ra, mình có dự định sẽ đầu tư theo danh mục cổ phần, bất động sản và vàng nữa. Đây là những khoản đầu tư tuy sinh lãi thấp hơn, nhưng lại an toàn cho tương lai".
Lựa chọn đầu tư đa kênh để tối đa hóa nguồn thu nhập
Đối với Quốc Trung, anh cũng nhận được những lời khuyên cực kỳ có ích từ những người đi trước. Một trong số đó là kế hoạch chuẩn bị tài chính cho tương lai. Trung chia sẻ: "Nếu chỉ làm 8 tiếng/ngày rồi trở về nhà, bạn sẽ không bao giờ có thể giàu có được! Đây là điều mình học hỏi được từ những đàn anh, đàn chị đi trước. Vì chi phí thì cứ tăng lên theo bão giá, mà đồng lương hàng tháng lại tăng rất chậm. Vậy nên, những người có tư duy tích lũy và xây dựng quỹ đầu tư cho riêng mình từ sớm, thì sẽ giúp tương lai ít chật vật hơn về tiền bạc.
Hiện tại, mình cũng đang đăng ký khóa học về đầu tư tài chính, và sử dụng một số công cụ hỗ trợ để thuận tiện hơn trong việc tiếp thu cũng như thực hành. Với mình, đây là lĩnh vực mới tiếp xúc, nên cần học hỏi 1 cách bài bản hơn, tránh những rủi ro không đáng có. Đầu tư rất tốt, nhưng đầu tư thông minh mới là đích đến cuối cùng của mình".