Lượng khí CO₂ trong khí quyển cao kỷ lục

Quỳnh Chi, Theo VTV 17:57 30/10/2024
Chia sẻ

Lượng khí CO2 trong khí quyển ở mức cao kỷ lục và tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử trong 2 thập kỷ qua.

Thông tin trên do Tổ chức Khí tượng Thế giới (VMO) đưa ra hôm 28/10.

Theo đó, nồng độ khí CO₂ đã đạt mức cao mới là 420 phần triệu vào năm 2023, tăng 2,3 phần triệu so với năm trước đó và tăng hơn 11% trong vòng 20 năm.

Báo cáo cảnh báo rằng đã có những dấu hiệu cho thấy nhiệt độ tăng cao đang gây ra những hệ quả nguy hiểm, làm tăng thêm nồng độ khí nhà kính trong khí quyển. Nồng độ CO₂ tăng vào năm 2023 có thể là do sự gia tăng các vụ cháy rừng.

Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết nồng độ CO₂ hiện nay cao hơn 51% so với mức trước thời kỳ công nghiệp, trong khi methane - một loại khí nhà kính mạnh khác - cao hơn 165% so với năm 1750.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nồng độ các khí giữ nhiệt quan trọng trong khí quyển đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023, tăng với tốc độ nhanh gần ngưỡng kỷ lục.

Theo NOAA, carbon dioxide (CO₂) đã tăng vào năm 2023 với mức cao thứ 3 trong 65 năm kể từ khi dữ liệu được thống kê. Các nhà khoa học cũng lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng nồng độ methane trong khí quyển. Cả hai loại khí này đều tăng 5,5% trong thập kỷ qua.

Lượng khí CO₂ trong khí quyển cao kỷ lục- Ảnh 1.

(Ảnh: EPA / Shutterstock)

Mức tăng 2,8 phần triệu về nồng độ CO₂ trong không khí từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2023 không cao bằng mức tăng vào năm 2014 và 2015, nhưng lớn hơn các năm khác kể từ năm 1959, khi hồ sơ chính xác bắt đầu được lập. Mức trung bình của CO₂ trong năm 2023 là 419,3 phần triệu, tăng 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Năm 2023, mức tăng 11,1 phần tỷ của methane thấp hơn mức tăng kỷ lục hàng năm từ năm 2020 đến năm 2022. Năm 2023, mức tăng trung bình là 1922,6 phần tỷ. Mức tăng này là 3% chỉ trong 5 năm qua và tăng 160% so với mức trước thời kỳ công nghiệp, cho thấy tốc độ tăng nhanh hơn CO₂.

Nhà khoa học khí hậu Rob Jackson của Đại học Stanford - người đứng đầu Dự án Carbon Toàn cầu theo dõi lượng khí thải carbon dioxide trên toàn thế giới nhưng không tham gia vào báo cáo của NOAA - cho biết: "Sự gia tăng đột biến trong thập kỷ của khí methane sẽ khiến chúng ta kinh hoàng"; "Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch đang làm nóng các hệ thống tự nhiên như đất ngập nước và đất đóng băng vĩnh cửu. Các hệ sinh thái đó đang thải ra nhiều khí nhà kính hơn khi chúng nóng lên".

Khí methane phát thải vào khí quyển đến từ các vùng đất ngập nước tự nhiên, nông nghiệp, chăn nuôi, bãi chôn lấp và rò rỉ cũng như việc đốt cháy khí đốt tự nhiên có chủ đích trong ngành dầu khí.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khí methane là tác nhân cho khoảng 30% tình trạng gia tăng nhiệt độ toàn cầu hiện nay, trong khi khí CO₂ chịu trách nhiệm cho tỷ lệ khoảng 60%. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, khí methane giữ lại khoảng 28 lần nhiệt trên mỗi phân tử so với CO₂ nhưng tồn tại trong khí quyển khoảng một thập kỷ thay vì hàng thế kỷ hoặc hàng nghìn năm như CO₂.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày