Lượng khí thải CO2 toàn cầu gần như trở về mức trước đại dịch

Nguyễn Mai - Phạm Tuân, Theo VTV 09:48 06/11/2021

Theo nghiên cứu mới nhất được công bố ngày 4/11 của Đại học Exeter (Anh), lượng khí CO2 thải ra trên toàn cầu hiện đã trở về mức kỷ lục trước đại dịch (thời điểm 2019).

Lí do là hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt... đã tăng mạnh trong năm nay do khôi phục sản xuất, mở cửa lại các nền kinh tế và nối lại hoạt động giao thông.

Năm ngoái, lượng khí CO2 thải ra đã giảm kỷ lục 1,9 tỷ tấn, tức giảm 5,4% so với năm 2019, trong bối cảnh các nước phong tỏa chống dịch COVID-19. Thế nhưng báo cáo mới của Dự án carbon toàn cầu công bố ngày hôm qua lại dự báo lượng khí CO2 thải ra sẽ tăng 4,9% trong năm nay, đạt 36,4 tỷ tấn.

Lượng khí thải CO2 toàn cầu gần như trở về mức trước đại dịch - Ảnh 1.

Trong đó, lượng khí thải CO2 của Ấn Độ năm nay dự kiến tăng tới 12,7% so với năm ngoái. Mỹ và châu Âu tăng 7,6%, còn mức tăng của Trung Quốc dự kiến là 4%, do năm ngoái Trung Quốc đã dần khôi phục sản xuất và có lượng phát thải tương đối.

Cũng theo các nhà khoa học, 2022 sẽ là năm chứng kiến mức kỉ lục mới về phát thải khí nhà kính toàn cầu nếu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục gia tăng. Tại Hội nghị COP-26 đang diễn ra, mục tiêu được đặt ra là giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C và tránh những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Giới khoa học cho biết để làm được điều đó, lượng khí thải CO2 ròng phải về 0 vào năm 2050. Nhưng với tốc độ thải khí hiện nay, nếu không có các biện pháp cắt giảm mạnh mẽ, giới khoa học cảnh báo chỉ 11 năm nữa, Trái đất sẽ chạm mức tăng 1,5 độ C.

Hiện nay, các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng, hạn hán, bão lũ… đang xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu. Do đó, việc cần làm đồng thời lúc này là giảm phát thải những loại khí nhà kính nhằm khôi phục lại lá phổi xanh của Trái đất, đồng thời nghiên cứu các công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu.