Bài viết của tác giả Minh Đông trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Với người có mức lương hưu vừa đủ, chỉ khoảng 2.300 NDT (8 triệu đồng) như tôi, thận trọng trong chi tiêu rất quan trọng. Tuổi già tiềm ẩn nhiều rủi ro, tài chính là nền tảng của cuộc sống hưu trí. Vậy nên dù con cái có bao nhiêu tiền của, bản thân có nhiều tiền tiết kiệm vẫn cần có kế hoạch chi tiêu rõ ràng từng tháng. Sau tuổi 60, tôi nhận ra có những thứ không quá cần thiết, hoàn toàn có thể cắt giảm mà vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống, giúp ví tiền “dễ thở”.
Không mua những thứ vượt quá khả năng chi trả
Một tác giả sách nổi tiếng từng nói: “Nợ không mua được tài sản, chỉ mua được xiềng xích”. Nhiều người bạn cùng tuổi cho rằng tuổi già là phải hưởng thụ sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, sẵn sàng chi nhiều tiền cho các chuyến du lịch, thực phẩm chức năng hay các khóa học đắt đỏ vượt cả lương hưu mỗi tháng. Cũng có thể do họ bị cuốn vào những quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội dẫn đến mua sắm quá mức.
Ảnh minh hoạ
Trên thực tế, việc chi tiêu vượt khả năng chi trả có thể dẫn đến áp lực tâm lý khi lâm vào cảnh nợ nần, mâu thuẫn với người chịu trách nhiệm cấp dưỡng. Sau khi nghỉ hưu, người trung niên, cao tuổi đối mặt với nhiều rủi ro sức khoẻ mà thu nhập lại hạn chế.
Mỗi khi cân nhắc mua một món đồ nào đó, dù rẻ hay đắt, tôi vẫn sẽ đặt ra những câu hỏi: “Món đồ này có công dụng gì? Tôi có thực sự cần nó về lâu dài không? Không có món đồ này liệu cuộc sống của tôi có bị ảnh hưởng không?”.
Không mua những sản phẩm có chức năng trùng lặp
Nhiều sản phẩm trên thị trường hiện nay, chức năng gần như tương đương nhưng lại được đặt tên, quảng cáo khác nhau. Nếu muốn tiết kiệm tiền, hãy lựa chọn các sản phẩm nhiều công năng hữu hiệu, thay vì mua các loại máy móc chỉ có một chức năng duy nhất.
Ví dụ, nếu tôi đã có nồi chiên không dầu, tôi sẽ không mua lò nướng hay lò vi sóng. Tôi cũng không còn xem quảng cáo về máy làm sữa đậu nành, máy làm sữa chua, máy xay tỏi… vì tôi hoàn toàn có thể dùng máy xay sinh tố để xay sữa đậu, dùng nồi và các dụng cụ có sẵn để ủ sữa chua.
Ảnh minh hoạ
Nếu mọi người có điều kiện tài chính tốt vẫn có thể mua những món đồ trên để tiết kiệm thời gian vào bếp. Nhưng với tôi, nếu sắm quá nhiều sản phẩm có chức năng trùng lặp như vậy chỉ tốn diện tích lưu trữ, lãng phí tiền bạc mà không sử dụng thường xuyên, khó bảo quản. Tôi vẫn khuyên những người bạn trung niên nên đánh giá nhu cầu thực tế trước khi “chốt đơn”, tối ưu hoá công dụng của sản phẩm hiện có thay vì mua mới và ưu tiên chất lượng hơn số lượng.
Không mua theo xu hướng
Cách đây 1 năm, toà nhà tôi đang sống mới mở một phòng tập gym nên người dân trong khu rủ nhau làm thẻ tập theo năm để được ưu đãi, đồng thời tạo động lực cùng nhau đi tập thể dục. Kết quả, tôi chỉ đến phòng tập 3 lần do không phù hợp với bài tập của huấn luyện viên, tấm thẻ tập bám bụi vì không sử dụng đến.
Ảnh minh hoạ
Gần đây có nhiều khóa học vẽ tranh, học tiếng Anh, thậm chí là học AI cho người cao tuổi được quảng cáo rầm rộ. Bạn bè rủ tôi tham gia, nhưng tôi từ chối vì cảm thấy đó không phải sở thích hay đam mê của tôi. Nếu việc chi tiêu chạy theo xu hướng mà không xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của bản thân thì chắc chắn sẽ rất lãng phí tiền bạc.
Việc đôi khi tiêu tiền sai cách với những người đã bước qua tuổi 60 là điều không tránh khỏi. Điều quan trọng là mỗi người tự rút ra kinh nghiệm để nâng cao trải nghiệm cuộc sống tuổi già, phòng ngừa rủi ro cho chính mình.