Theo báo cáo của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC), mỗi năm nước Mỹ đã xả xuống bồn cầu "nhiều cánh rừng" và ngành công nghiệp giấy vệ sinh đang gây tác động tiêu cực đến môi trường của Canada.
Tính trung bình, một người Mỹ dùng hết khoảng 3 cuộn giấy vệ sinh mỗi tuần. Ước tính, quốc gia này đang tiêu thụ 20% sản lượng giấy vệ sinh toàn cầu. Hầu hết giấy vệ sinh, giấy ăn mà người Mỹ sử dụng đến từ những cánh rừng già ở Canada. Rõ ràng, việc này rất tiêu cực với đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và cả cuộc sống của người dân bản địa.
Hàng năm, việc khai thác gỗ công nghiệp (chủ yếu phục vụ sản xuất giấy vệ sinh) khiến hơn 4000km2 rừng phương bắc của Canada "bốc hơi" - tức là, đất nước lá phong sẽ mất diện tích rừng tương đương 7 sân băng khúc côn cầu mỗi phút chỉ để đáp ứng nhu cầu làm sạch bàn tọa của người Mỹ.
Chưa hết, người Mỹ thích những loại giấy làm từ cây lá kim của Canada vì chúng rất dai và mềm mịn. Tuy nhiên, lợi thế này gây tác động tiêu cực tới môi trường gấp nhiều lần giấy tái chế, giấy làm từ rơm hoặc tre.
"Các sản phẩm sản xuất từ 100% bột gỗ xơ nguyên chất tạo ra lượng carbon gấp 3 lần những loại bột giấy khác..." Trích báo cáo “The Issue With Tissue” (vấn đề với giấy ăn) của NRDC.
Một số công ty đã gợi ý người tiêu dùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cam kết sử dụng nguyên liệu xanh. Chẳng hạn, Kimberly-Clark đặt mục tiêu giảm một nửa lượng bột giấy vào năm 2025, theo National Post.
NRDC và Stand.earth cho hay, ngành công nghiệp giấy vệ sinh đang gây ảnh hưởng đến 600 cộng đồng dân cư sống gần các khu rừng nguyên sinh Canada. Tóm lại, cứ dùng vòi xịt như các nước châu Á vừa sạch lại bảo vệ môi trường là tốt nhất.
Tham khảo Motherboard