Lương 20 triệu ở TP HCM mới "đủ sống", còn lương 10 triệu chỉ đủ "đấu tranh sinh tồn"?

Nguyệt, Theo Thanh niên Việt 16:45 20/05/2025
Chia sẻ

Dù mức lương hiện tại của bạn là bao nhiêu, hãy bắt đầu từ việc hiểu rõ bản thân đang tiêu gì, cần gì, và có thể tiết kiệm bao nhiêu.

Mới đây, một bài đăng ngắn trong một nhóm cộng đồng tài chính trên mạng xã hội đã thu hút hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ, với nội dung chỉ gói gọn trong một câu: " Hãy chấp nhận thực tế, mức lương đủ sống ở Sài Gòn hiện tại nên là 20 triệu, chứ 10 triệu là đấu tranh sinh tồn." Câu chữ không quá mới nhưng đã chạm vào đúng mạch cảm xúc của nhiều người đang sinh sống và làm việc tại thành phố lớn, đặc biệt là người trẻ hoặc những gia đình trẻ có thu nhập trung bình.

Phản ứng của cộng đồng mạng dưới bài viết ngay lập tức tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi, khi hàng loạt bình luận chia sẻ quan điểm cá nhân từ nhiều góc độ khác nhau.

Một số ý kiến bày tỏ sự đồng tình tuyệt đối:

- "10 triệu thì về quê cho rồi. Đã chấp nhận xa ba mẹ, người thân, gia đình mà lương có 10 triệu thì không đáng."

- "Mình thấy 20 triệu cho một gia đình nhỏ ở Sài Gòn đi thuê nhà thì chỉ là mức đấu tranh sinh tồn thôi chứ không gọi là đủ. Còn 10 triệu thì thôi, không bàn tới."

Tuy nhiên, cũng có những phản hồi phản biện nhẹ nhàng và đưa ra dẫn chứng thực tế:

- "Vợ chồng mình, một người lương 7 triệu, một người 10 triệu vẫn sống khỏe. Mỗi tháng đóng tiền lãi ngân hàng 8 triệu nữa. Ngày nào cũng ăn cá chiên, rau luộc, vẫn ổn."

- "Độc thân thì 10 triệu vẫn sống được nha. Ở Thủ Đức, thuê trọ share phòng 1 triệu rưỡi, ăn uống 2 triệu, điện nước 500 ngàn, xăng xe 500 ngàn, cà phê linh tinh 500 ngàn. Vẫn dư gần 5 triệu để tiết kiệm."

Có người lại đặt câu hỏi ngược lại: "20 triệu, nếu ở trọ 4-5 triệu, chi phí ăn uống - sinh hoạt 6 triệu, còn lại cất đi, thì cũng chưa gọi là thoải mái. Nếu có vợ con, trả nợ, thì 20 triệu cũng chỉ vừa đủ xoay xở."

Lương 20 triệu ở TP HCM mới "đủ sống", còn lương 10 triệu chỉ đủ "đấu tranh sinh tồn"?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Từ góc nhìn này, có thể thấy rằng, cùng một con số thu nhập nhưng khi đặt vào những hoàn cảnh khác nha, độc thân hay có gia đình, ở trung tâm hay ngoại ô, có chi phí cố định nào đặc biệt không thì cảm nhận về mức "đủ sống" cũng rất khác nhau. Đối với người đang trả góp nhà, nuôi con nhỏ, hoặc phải gửi tiền về quê hàng tháng, con số 10 triệu hay 20 triệu đồng lại mang ý nghĩa rất khác so với một bạn trẻ vừa ra trường, sống tiết kiệm và chưa có gánh nặng tài chính.

Tuy vậy, phần lớn các bình luận đều thống nhất ở một điểm: với mặt bằng chi phí tại TP.HCM hiện nay, mức lương 10 triệu đồng chỉ đủ để duy trì một cuộc sống căn bản, mang tính "sinh tồn" hơn là "ổn định". Còn để có thể chi tiêu thoải mái hơn, tích lũy, hoặc đầu tư cho tương lai, người ta buộc phải nghĩ đến những con số lớn hơn.

Không quan trọng bạn kiếm được bao nhiêu, điều quan trọng là bạn giữ lại được bao nhiêu

Bài toán thu nhập -chi tiêu chưa bao giờ là chuyện đơn giản, đặc biệt với người trẻ đang sống tại các thành phố lớn. Thực tế cho thấy, có người kiếm 5 triệu vẫn thấy ổn, có người cầm 50 triệu vẫn thấy thiếu. Điều này phản ánh một vấn đề cốt lõi hơn: tư duy quản lý tài chính.

Tư duy này không chỉ nằm ở việc tiết kiệm bao nhiêu phần trăm mỗi tháng, mà còn là cách bạn xây dựng cuộc sống theo năng lực tài chính thực tế, có kế hoạch cho rủi ro và chuẩn bị cho tương lai.

1. Quản lý chi tiêu theo nguyên tắc 50/30/20

Đây là nguyên tắc phổ biến được áp dụng rộng rãi: 50% thu nhập dành cho các nhu cầu thiết yếu, 30% cho mong muốn cá nhân, và 20% cho tiết kiệm hoặc đầu tư. Chẳng hạn với mức lương 10 triệu đồng, phân bổ sẽ là: 5 triệu cho chi phí cơ bản như tiền thuê nhà, điện nước, thực phẩm; 3 triệu cho nhu cầu cá nhân như giải trí, đi chơi; và 2 triệu để tích lũy.

Dù con số không lớn, nhưng nếu duy trì kỷ luật chi tiêu, sau một năm bạn vẫn có thể tích lũy 24 triệu đồng - đủ để tạo ra một quỹ dự phòng hoặc bước đầu tìm hiểu các kênh đầu tư an toàn.

Lương 20 triệu ở TP HCM mới "đủ sống", còn lương 10 triệu chỉ đủ "đấu tranh sinh tồn"?- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

2. Dự phòng tài chính: Bắt buộc phải có, dù thu nhập thấp

Một trong những sai lầm phổ biến của người trẻ là không có quỹ dự phòng. Tình trạng mất việc, bệnh tật, hoặc cần hỗ trợ gia đình có thể khiến bạn rơi vào khủng hoảng nếu không có khoản tiền phòng thân. Các chuyên gia khuyến nghị: Mỗi người nên có ít nhất 3-6 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản. Với mức chi tiêu khoảng 5 triệu đồng/tháng, bạn cần chuẩn bị quỹ dự phòng 15-30 triệu đồng.

Không ít người từng mất việc chỉ sau một đợt cắt giảm nhân sự hoặc gặp sự cố sức khỏe khiến họ tạm nghỉ dài ngày, và khi đó, khoản tiền dự phòng là thứ duy nhất ngăn họ khỏi nợ nần.

3. Đầu tư khi đã ổn định cơ bản

Không ít người bị cuốn theo làn sóng đầu tư: từ chứng khoán, vàng đến tiền điện tử hay bất động sản. Tuy nhiên, điều quan trọng đầu tiên không phải là bạn đầu tư kênh gì, mà là liệu bạn có thật sự sẵn sàng để đầu tư chưa?

Tiền đầu tư nên là tiền nhàn rỗi - tức phần tiền không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, cũng không lấy từ quỹ dự phòng. Chỉ khi bạn đã có nền tảng tài chính ổn định, đầu tư mới thực sự phát huy hiệu quả và không trở thành một nguồn rủi ro mới.

Ngay cả khi mức tiết kiệm mỗi tháng chỉ khoảng 2 triệu, sau một năm bạn đã có thể cân nhắc gửi tiết kiệm có kỳ hạn, tham gia quỹ mở hoặc đầu tư vào tri thức như học thêm một kỹ năng mới - điều này còn có khả năng tăng thu nhập về lâu dài.

Lời kết

Lương 10 triệu không phải là một con số quá thấp, nhưng cũng khó lòng gọi là "đủ sống" tại các thành phố lớn nếu bạn chưa có nền tảng tài chính vững vàng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cách mỗi người lựa chọn sống trong khả năng của mình, đặt mục tiêu tài chính rõ ràng và bền bỉ theo đuổi nó.

Dù mức lương hiện tại của bạn là bao nhiêu, hãy bắt đầu từ việc hiểu rõ bản thân đang tiêu gì, cần gì, và có thể tiết kiệm bao nhiêu. Bởi cuối cùng, điều quyết định sự ổn định tài chính không nằm ở con số thu nhập, mà ở thái độ bạn chọn để sống với đồng tiền của mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày