10 triệu đồng/tháng được coi là mức thu nhập không quá cao của người trẻ, nếu đặt cạnh các chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại thành phố lớn. Đây được xem là mức lương phổ biến của những người mới đi làm được 2-3 năm, hoặc dân văn phòng có nhiều năm kinh nghiệm nhưng đang loay hoay tìm chỗ đứng trong sự nghiệp.
10 triệu đồng/tháng không phải mức thu nhập quá lý tưởng, song không phải người trẻ nào cũng dễ dàng đạt được cột mốc này, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn và bão sa thải như hiện nay.
Thảo Nhi (25 tuổi, làm truyền thông) từng nghĩ rằng chỉ cần ra trường là có được mức lương 10-15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi đi thử việc, tham gia phỏng vấn cô bạn mới nhận ra rằng mọi thứ rất khó khăn, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động. Thực tế, những ngày đầu mới đi làm, cô bạn chỉ nhận được lương 6-7 triệu đồng/tháng.
Thảo Nhi tâm sự: ''Hồi trước nghĩ kiếm chục triệu là dễ, giờ mới biết lương cứng 10 triệu đồng/tháng là mơ ước của nhiều người. Không thể nhìn những người nổi tiếng với mức lương trăm triệu rồi nghĩ ai cũng có thể đạt được thu nhập đó".
Ảnh minh họa
Cùng quan điểm, Trần Nhi (26 tuổi, nhân viên bán hàng) cho biết cô nàng mới ra trường vào cuối năm 2020. Thời điểm đó, cô chỉ kiếm được công việc có mức lương 10 triệu đồng/tháng một chút, bao gồm tiền lương cứng và thưởng hoa hồng theo doanh số.
Dù 10 triệu đồng/tháng không phải mức lương quá cao, song để duy trì chúng là biết bao công sức của Trần Nhi. Cô nàng tâm sự: " Đằng sau tháng lương 10 triệu đó là những cuộc gọi lúc 2 - 3h sáng của khách, những hợp đồng phải xử lý hàng ngày, tháng nào cũng phải đi khảo sát, tặng quà đối tác... Thực sự khác rất nhiều so với suy nghĩ hồi đại học của mình".
Một trường hợp khác, Nguyễn Lê (28 tuổi, Hà Nội), nhớ lại 2 năm đầu sau khi ra trường, cô nàng gắn bó với công việc sale, có tổng lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nếu tháng nào, Nguyễn Lê không đạt đủ KPI thì mức lương còn giảm hơn.
Cô nàng cho hay: "Trước kia, khi còn đi học, mình nghĩ chỉ cần tốt nghiệp loại xuất sắc thì có thể kiếm được trên 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng khi mới đi làm, mình nhận ra tìm được công ty và sếp tốt đã khó, chứ chưa chưa bàn lương có vượt nổi 8 chữ số hay không?
Để có công việc văn phòng lương 10 triệu đồng/tháng đầu tiên, mình đã phải rải biết bao CV, tham gia nhiều buổi phỏng vấn. Khi đi làm, mình cũng phải 'cày bục mặt' lắm mới đáp ứng doanh số của công ty.
Vậy mà mình còn nghe mọi người đồn về quê làm khu công nghiệp thôi mà lương 10-20 triệu đồng/tháng, công việc nhẹ nhàng. Thời điểm đó, mình hoang mang lắm, tự hỏi liệu mức lương của mình có phải quá thấp so với thị trường lao động?".
Ảnh minh họa
Đến hiện tại, Nguyễn Lê vẫn đang có cuộc sống ổn định ở Hà Nội, kiếm được thu nhập khá hơn so với mức lương 10 triệu đồng/tháng khi xưa. Cô bày tỏ, mỗi người đều có cột mốc riêng, do đó đừng lấy mức lương của người khác để tự đặt ra áp lực cho riêng mình.
Nguyễn Lê tâm sự: " Giờ mình lướt mạng xã hội thấy nhiều bài đăng: Người trẻ mới ra trường đã mua được nhà, kiếm được 40-50, thậm chí lên đến 60-80 triệu đồng/tháng,... Tuy nhiên, mình nghĩ đây chỉ là con số nhỏ giữa thị trường lao động.
Khi các bài đăng xuất hiện càng nhiều, người trẻ, trong đó có mình thời điểm mới ra trường, sẽ hoài nghi về năng lực bản thân. Nhiều người lầm tưởng, nếu không kiếm được mức lương cao và mua tài sản lớn ngay khi vừa ra trường là điều thất bại.
Mình nghĩ, mọi người nên bình thường hóa chuyện người trẻ mới đi làm chỉ kiếm được lương 10 triệu đồng/tháng. Nếu muốn tăng đến lương 20-30 triệu đồng/tháng thì đòi hỏi họ cần đợi thêm vài năm năm, hoặc gia tăng tốc độ học hỏi kiến thức để đáp ứng với nhu cầu thị trường.
Thêm vào đó, giữa bão sa thải như hiện nay, bạn còn có công việc cũng là một điều may mắn. Vì mình biết nhiều người bạn cũng đang gặp khó khăn vì bị công ty sa thải, trong khi còn chưa có sự chuẩn bị tiền nong nào cả".
Với Nguyễn Lê, khi còn nhận lương 10 triệu đồng/tháng, cô phải quản lý chi tiêu chặt chẽ nếu không muốn đến cuối tháng phải vay mượn thêm từ người khác. Cũng vì thế, bên cạnh không ngừng chăm chỉ làm việc để cải thiện thu nhập, Nguyễn Lê còn chia thu nhập thành các khoản nhỏ khác nhau, nhằm có thể một mình sống ổn, dù mức lương có cao hay thấp.
Ảnh minh họa
"Mình chia thu nhập theo công thức 40 - 30 - 30. 40% thu nhập dành cho nhu cầu cơ bản hàng tháng như tiền nhà, xăng xe, ăn uống cùng bạn bè, điện thoại. 30% thu nhập dành cho giải trí và dự phòng khẩn cấp, như mua thuốc, đi dự đám cưới, mừng sinh nhật, du lịch cùng bạn bè. Còn bao nhiêu, mình cất để tích lũy và để dành cho tương lai". Nguyễn Lê cho hay nhờ cách quản lý tài chính này mà chi tiêu của cô có thể nằm trong tầm kiểm soát. Cô cũng bày tỏ, không quan trọng bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là cách bạn quản lý tiền ra sao.
Còn về phía Trần Nhi, cô cho rằng mức lương 10 triệu đồng/tháng để sống thoải mái ở thành phố lớn là bài toán khá khó. Do đó, ngoài công việc văn phòng, cô bạn còn kiếm những công việc làm thêm ở ngoài để thu nhập tốt hơn.
Có đôi khi, Nhi nhận những dự án như thiết kế các mẫu để bán trên các sàn thương mại điện tử, nhận quản lý các trang mạng xã hội, nhận viết kịch bản,... Ngoài ra, cứ mỗi cuối tuần Trần Nhi có nhận dạy gia sư cho các em nhỏ. Nhờ việc chủ động gia tăng thu nhập nên dù đang có bão sa thải, cô vẫn có thể yên tâm tạm sống ổn, kể cả khi có mất công việc văn phòng.