10 triệu đồng/tháng là mức lương phổ biến của nhiều người trẻ mới ra trường, hoặc dân đi làm lâu năm nhưng khó thăng tiến. Từng có nhiều ý kiến cho rằng lương 10 triệu đồng thì bạn khó sống ở thành phố lớn, bởi mức giá sinh hoạt từ tiền mua thực phẩm, điện nước,... cho đến nhà ở đều cao.
Nếu còn đang thấy chật vật để tìm cách sống ổn với mức lương 10 triệu đồng/tháng, bạn hãy thử tham khảo cách chi tiêu của 2 bạn trẻ dưới đây. Dù sống ở Hà Nội và TP.HCM với mức lương 10 triệu nhưng tháng nào họ cũng cất riêng được ít nhất 5 triệu đồng. Hai bạn trẻ đã chi tiêu khéo léo như thế nào?
Trần Huy (24 tuổi, Hà Nội) cho rằng, việc quản lý dòng tiền cực kỳ quan trọng, dù bạn kiếm được thu nhập cao hay thấp.
" Vừa ra trường, song song với tự lo cho bản thân thì mình cũng phải học cách cân đối các khoản chi tiêu. Hiện tại, mình vẫn đang quản lý tài chính một cách khá cơ bản, nhưng nhìn chúng hoạt động tốt theo mong muốn cá nhân", anh chàng mở đầu cho câu chuyện chi tiêu của mình.
Công thức quản lý tài chính của Huy khá đơn giản. Với lương văn phòng 10 triệu đồng/tháng, anh chia chúng thành 2 khoản, gồm: chi tiêu cho cuộc sống cá nhân (5 triệu đồng) và tiền tiết kiệm (5 triệu đồng).
Riêng về khoản chi tiêu cho cuộc sống cá nhân là 5 triệu đồng/tháng, Huy chia sẻ thêm: "Tiền nhà của mình là 1,5 triệu đồng. Tiền ăn uống do mình chế biến từ đồ tự mua và đồ bố mẹ gửi dưới quê lên là 1,5 triệu đồng. Tiền đi lại, mua sắm và hiếu hỉ là 2 triệu đồng còn lại".
Ảnh minh họa
Từ trải nghiệm cá nhân, Huy cho rằng bản thân sống ổn và duy trì được cách chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng như vậy từ năm ngoái. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể theo đuổi mức sống như vậy. Bởi lẽ, chàng trai cũng phải đánh đổi nhiều khoản tiêu dùng cho thú vui cá nhân và yêu đương.
Dưới đây là một vài nguyên tắc để anh chàng chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng cho chi phí sinh hoạt:
- Thứ nhất, đầu tháng nhận lương, chuyển ngay 5 triệu đồng chi phí sinh hoạt vào tài khoản ngân hàng khác.
Huy cho rằng, việc giới hạn chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng sẽ khiến anh chàng biết "dừng lại" khi giữa tháng có lỡ tiêu hết tiền ở khoản này. Lúc đó, chàng trai sẽ đi vay bạn rồi tháng sau lấy quỹ chi tiêu bù lại, chứ tuyệt đối không lấn sang phần tiền dành cho đầu tư và tiết kiệm.
- Thứ hai, chấp nhận thuê nhà giá rẻ và chật. Hiện, Huy đang thuê một căn phòng 15m2 cùng 1 người bạn ở Cầu Giấy. Do phòng nằm trên tầng cao và không có cửa sổ nên được giá thuê khá rẻ.
- Thứ ba, chăm chỉ tự nấu ăn tại nhà, thay vì đi ăn ngoài giúp Huy tiết kiệm được khá nhiều tiền dành cho mua sắm thực phẩm.
Một trường hợp khác, Khánh Ngọc (25 tuổi, TP.HCM) cũng đạt được mục tiêu tiết từ mức lương 10 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, cô nàng chỉ dành khoảng 5 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt, còn lại sẽ gửi tiết kiệm.
Khánh Ngọc liệt kê cách cô nàng dùng 5 triệu đồng/tháng để chi tiêu ở TP.HCM: "Tiền nhà của mình là 1,3 triệu đồng/người, ở ghép 2 người tại quận 5. Tiền ăn uống là 1 triệu đồng, mỗi tuần đi chợ mua thực phẩm 1 lần. Tiền mua đồ skincare, makeup cơ bản là 1 triệu đồng, tiền tiêu vặt là 1 triệu đồng. Tiền di chuyển bằng xe điện và phí gửi xe là 700 ngàn đồng".
Ảnh minh họa
Khánh Ngọc chia sẻ thêm, quan điểm của cô là muốn tiết kiệm được nhiều tiền thì phải chấp nhận giảm mức sống xuống đôi chút.
Đơn cử với trường hợp của bản thân, cô nàng đã phải giảm nhiều khoản chi tiêu cho mong muốn cá nhân để chỉ giới hạn chi phí sinh hoạt gói gọn trong 5 triệu đồng/tháng. Đó là không đi du lịch, không uống trà sữa (thay vào đó Ngọc sẽ tự pha trà và sinh tố tại nhà), không gội đầu ở ngoài, không la cà quán xa,...
Mỗi người đều có cách "tiền đẻ ra tiền" khác nhau, hội lương 10 triệu đồng/tháng cũng không ngoại lệ.
Khánh Ngọc chia sẻ, dù xuất phát điểm là dân kinh tế nhưng cô nàng vẫn "mù mờ" trong việc đầu tư. Cũng vì thế, toàn bộ tiền tiết kiệm hiện có là khoảng 5 triệu đồng/tháng đều được Khánh Ngọc gửi tiết kiệm online như một hình thức "ăn chắc mặc bền".
Trong khi đó, cùng để dành được 5 triệu đồng/tháng, Huy có công thức đầu tư bài bản hơn. Anh chàng cho biết, khoản tiết kiệm 5 triệu đồng được anh dùng để mua vàng, chứng chỉ quỹ và cổ phiếu, với mức sinh lời trung bình 2-4 triệu đồng/tháng.
Về lời trên đầu tư, Huy nói anh không chốt lời theo tháng mà tuỳ vào thời điểm sinh lời tốt nhất, chẳng hạn khi giá vàng tăng cao và thị trường chứng khoán khởi sắc.
Ảnh minh họa
Con số tiền lời khoảng 2-4 triệu đồng/tháng từ đầu tư được Huy dựa trên mức sinh lời của năm ngoái. Trong năm nay, Huy nhận thấy danh mục đầu tư của mình vẫn giữ nguyên và tiềm năng sinh lời vẫn tốt như năm cũ.
Huy cho biết, cơ duyên dẫn mình đến với đầu tư là trong lúc rảnh rỗi, để bớt suy nghĩ linh tinh thì anh quan tâm nhiều hơn đến thị trường tài chính. Chuyện đầu tư vào vàng, chứng khoán và chứng chỉ quỹ cũng bắt đầu từ đó.
"Mình nhận ra người quản lý tài chính khôn là không bao giờ sống với một công việc văn phòng. Nếu bạn chưa có công việc tay trái thì đầu tư chính là cách mà mình cần học để gia tăng thu nhập", Huy nói.