Lục Nghị sinh năm 1976, là một nam diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc. Anh được biết đến qua nhiều tác phẩm như Mãi không nhắm mắt, Như sương như mưa lại như gió, Trà hoa nữ, Tình nhân kết, Danh nghĩa nhân dân,... Đặc biệt bộ phim Danh nghĩa nhân dân đạt kỉ lục về tỉ suất người xem đài trên các kênh truyền hình Trung Quốc trong thế kỷ 21 tính đến thời điểm công chiếu xong.
Lục Nghị
Về đời tư, anh kết hôn với nữ diễn viên Bào Lôi và có 2 con tên Lục Vũ Huyên (Bối Nhi); Lục Vũ Hàm (Tiểu Diệp Tử). Thời gian trước, khi đi đón con gái tan học, Lục Nghị bất ngờ dính vào tranh cãi.
Cụ thể, có cư dân mạng đã chụp lại hình ảnh 2 bố con Lục Nghị. Trong bức ảnh, nam diễn viên đeo chiếc cặp nhỏ của con gái trên lưng, trong khi Bối Nhĩ đeo khăn quàng đỏ, buộc tóc đuôi ngựa cao, mặc đồng phục và nắm chặt bàn tay to lớn của bố.
Một khoảnh khắc đầy yêu thương và ấm áp, nhưng lại khiến cư dân mạng cãi vã nảy lửa.
Bức ảnh gây tranh cãi
Sau khi bức ảnh được lan truyền, cộng đồng mạng chia thành hai phe với quan điểm hoàn toàn đối lập.
Một bên phản đối việc giúp con đeo cặp, cho rằng hành động này quá nuông chiều trẻ. Nếu từ nhỏ đã quen với sự giúp đỡ, trẻ có thể trở nên ỷ lại, lớn lên sẽ khó tự lập.
Bên còn lại lại cho rằng cặp sách hiện nay quá nặng, phụ huynh giúp con đeo cặp một chút không có gì sai. Nhiều người đã lên tiếng bày tỏ quan điểm.
Một số ý kiến cho rằng sách vở của trẻ em bây giờ rất nặng, nhiều phụ huynh chưa thực sự hiểu được điều này. Một cư dân mạng cho rằng những ai chỉ trích việc giúp con đeo cặp nên thử cân xem cặp sách của học sinh nặng đến mức nào, thậm chí có người còn nghi ngờ rằng những người phản đối có lẽ chưa từng có con.
Một ý kiến khác nhấn mạnh rằng trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, khung xương chưa ổn định. Cặp sách chứa đầy sách vở rất nặng, ngay cả người lớn cầm cũng thấy nặng. Chưa kể, các bé phải học tập và hoạt động suốt nhiều giờ trong ngày, về nhà đã rất mệt, vì vậy việc phụ huynh giúp con đeo cặp là điều bình thường.
Một phụ huynh chia sẻ rằng con gái của mình học lớp 3, cao 130 cm, nặng 25 kg, trong khi chiếc cặp của con nặng tới 4,5 kg, tương đương 18,2% trọng lượng cơ thể. Nếu so sánh, một người đàn ông nặng 70 kg sẽ phải đeo một chiếc cặp nặng 12,7 kg mỗi ngày, một người 90 kg sẽ phải đeo cặp 16,4 kg. Phụ huynh hãy thử tưởng tượng nếu bản thân phải mang một chiếc cặp nặng như vậy mỗi ngày, liệu có chịu nổi không.
Một số người khác cho rằng vấn đề này không đáng để tranh cãi, bởi ngay cả người lớn đôi khi cũng cần nhờ người khác giúp đỡ. Có ý kiến cho rằng nếu Lục Nghị không giúp con đeo cặp, có lẽ anh cũng sẽ bị chỉ trích là không phải người cha tốt.
Trước đây, nhiều phụ huynh ở Quảng Châu cũng từng lên tiếng về việc cặp sách quá nặng. Một số trường tiểu học thậm chí còn cấm sử dụng cặp kéo vì lý do an toàn, khiến phụ huynh bức xúc. Một phụ huynh kể rằng do nhà xa trường học, ông bà phải đón cháu bằng tàu điện mất hơn một tiếng, vì vậy bà đã mua cho cháu một chiếc cặp kéo để giảm bớt gánh nặng. Nhưng khi trường cấm cặp kéo, bà đành phải mua cặp đeo vai, khiến cháu mỗi ngày phải mang cặp sách nặng 5-7 kg trên lưng.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng trẻ cần tự đeo cặp để rèn tính tự lập. Họ nhấn mạnh rằng cặp sách của trẻ vốn không nên quá nặng. Việc cha mẹ giúp trẻ đeo cặp có thể tạo ra hệ quả tiêu cực, khiến trẻ thiếu trách nhiệm và nghĩ rằng việc học chỉ là để làm hài lòng cha mẹ. Nếu quen được giúp đỡ từ nhỏ, trẻ sẽ dễ trở nên lười biếng, ngại khó và không muốn làm những việc nặng nhọc khi trưởng thành.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lại đưa ra cảnh báo về tác hại của việc mang cặp quá nặng. Bác sĩ Ngô Long Khê, công tác tại Bệnh viện Y học Phục hồi số 2 trực thuộc Đại học Y khoa Ôn Châu, cho biết việc mang cặp quá nặng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xương và cơ bắp của trẻ. Nếu đeo cặp nặng vượt quá 25% trọng lượng cơ thể, cột sống sẽ chịu áp lực quá lớn. Khi mang cặp quá tải trong thời gian dài, trẻ có thể bị cong vẹo cột sống, lệch xương chậu, gù lưng, khòm vai. Một nghiên cứu tại Ôn Châu trên 96 học sinh tiểu học cho thấy 30% trẻ có dấu hiệu bất thường về cột sống.
Bác sĩ Ngô từng điều trị cho một học sinh cấp 2 bị đau cột sống, khi cầm thử cặp sách của em, ông nhận thấy nó còn nặng hơn cả cặp của con gái ông. Một người lớn cầm đã thấy nặng, huống hồ là trẻ em.
Như vậy, giúp con đeo cặp có phải là hành động nuông chiều hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Phụ huynh có thể hỗ trợ trẻ khi cần thiết, đặc biệt là khi trẻ quá mệt mỏi sau một ngày học tập và hoạt động. Các trường học cũng cần có biện pháp giúp học sinh giảm bớt trọng lượng cặp sách, thay vì cấm cặp kéo mà không có phương án thay thế hợp lý. Việc rèn tính tự lập là quan trọng, nhưng sức khỏe cột sống của trẻ cũng cần được ưu tiên.
Cuối cùng, cha mẹ không nên quá cực đoan. Không phải cứ giúp con đeo cặp là nuông chiều, cũng không phải lúc nào bắt con tự đeo cặp cũng là cách dạy con đúng đắn. Điều quan trọng là phải cân bằng giữa trách nhiệm và sức khỏe của trẻ.