Luật về phá thai trên thế giới: Canada cho phép, Ireland vừa bỏ luật cấm, Hàn Quốc kêu gọi hợp thức hóa việc phá thai

Đ.L, Theo Helino 14:05 10/12/2018
Chia sẻ

Hầu hết các nước đã cho phép sản phụ được phép phá thai nếu việc mang thai gây ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy vậy, vấn đề quyền phá thai của phụ nữ vẫn còn gây tranh cãi, nhiều nước vẫn giữ những quy định hà khắc có từ hàng thập kỉ đến nay.

Từ chiến dịch của 2 chàng trai kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị ban hành "Luật cấm nạo phá thai"

Những ngày qua, đoạn video về một chiến dịch mang tên "Mẹ ơi! Đừng giết con" đang được chia sẻ trên mạng xã hội cùng những ý kiến, quan điểm trái chiều. Đây là chiến dịch phát đi lời kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị Quốc hội xem xét xây dựng và ban hành "Luật cấm nạo phá thai" tại Việt Nam, mà theo những nhà sáng lập là "nhằm cứu lấy 300.000 thai nhi vô tội mỗi năm".

Đoạn video cùng thông tin chiến dịch nhanh chóng trở thành tâm điểm với gần 400.000 lượt xem, gần 3.000 chia sẻ cùng hàng trăm bình luận trái chiều của dư luận.

Luật về phá thai trên thế giới: Canada cho phép, Ireland vừa bỏ luật cấm, Hàn Quốc kêu gọi hợp thức hóa việc phá thai - Ảnh 1.

Chiến dịch kêu gọi chữ ký để ban hành "Luật cấm nạo phá thai" nhận được sự quan tâm của dư luận thời gian qua.

Bên cạnh hơn 18.000 chữ ký ủng hộ đến thời điểm hiện tại, chiến dịch lại vướng phải nhiều tranh cãi của cộng đồng mạng. Ngoài sự ủng hộ, chia sẻ, không ít người cho rằng việc làm của hai chàng trai là bộc phát, khó được Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, theo nhiều ý kiến của dân mạng, chiến dịch còn khá nhiều kẽ hở như cụ thể về những đề nghị trong "Luật phòng chống nạo phá thai". Cũng như các vấn đề liên quan như trẻ bị dị tật, thai yếu, lý do ngoài ý muốn.

Vậy hãy cùng tìm hiểu xem, luật và quy định về hành vi nạo phá thai tại các nước trên thế giới như thế nào.

Theo số liệu năm 2013 của Liên Hợp Quốc:

- 97% các quốc gia đã cho phép phá thai vì lí do sức khỏe, tính mạng của thai phụ (nghĩa là còn 3% các nước vẫn cấm điều này)!

- Nhưng chỉ 49% các nước cho phép phá thai vì thai nhi gặp khiếm khuyết, hay việc mang thai là kết quả của hành vi phạm tội tình dục.

- Chỉ có 34% các nước cho phép phá thai vì lí do kinh tế - xã hội hay theo yêu cầu.

Cụ thể như thế nào, hãy cùng điểm qua quy định về nạo phá thai ở một số nước thuộc khu vực châu Á và trên thế giới.

Hàn Quốc: Cấm phá thai, nhưng người dân đang kêu gọi hợp pháp hóa việc này

Luật về phá thai trên thế giới: Canada cho phép, Ireland vừa bỏ luật cấm, Hàn Quốc kêu gọi hợp thức hóa việc phá thai - Ảnh 2.

Kêu gọi bỏ luật cấm phá thai ở Seoul tháng 11/2017 (ảnh: Yonhap)

Hàn Quốc cấm phá thai trừ khi người phụ nữ bị cưỡng hiếp, hoặc gặp vấn đề sức khỏe không thể tiếp tục mang thai. Nếu phá thai không tuân theo luật định, sản phụ có thể bị phạt đến 2 triệu won (~42 triệu đồng), còn bác sĩ thực hiện có thể ngồi tù đến 2 năm.

Tuy vậy, vào mùa thu năm 2017, đã có hơn 230 nghìn người kiến nghị lên Nhà Xanh, kêu gọi cho phụ nữ quyền được phá thai. Trên thực tế, dù có lệnh cấm nhưng nhiều người Hàn vẫn quyết định phá thai vì nhiều lí do khác nhau, và họ vấp phải vấn đề tâm lí nặng nề, nhất là những sản phụ trẻ tuổi khi đứng trước luật định nghiêm khắc cũng như định kiến của xã hội. Hiện tại, Hàn Quốc là một trong số ít nước giàu vẫn cấm ngặt nạo phá thai.

Singapore: Hợp pháp việc phá thai

Tuy nhiên, sản phụ chỉ được phá thai khi thai nhi dưới 24 tuần tuổi (tức 6 tháng đầu thai kỳ). Có một số ngoại lệ như việc mang thai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý hoặc tâm lý của người mẹ.

Luật về phá thai trên thế giới: Canada cho phép, Ireland vừa bỏ luật cấm, Hàn Quốc kêu gọi hợp thức hóa việc phá thai - Ảnh 3.

(ảnh minh họa - nguồn: theasianparent)

Vấn đề mang thai ở tuổi vị thành niên cũng rất được chính phủ và các tổ chức ở Singapore quan tâm. Trang web babes.org.sg do tổ chức Babes Pregnancy Crisis Support Ltd. thành lập (và là thành viên của Hội đồng Dịch vụ Xã hội Quốc gia, Hội đồng các tổ chức phụ nữ) là nơi cung cấp thông tin chi tiết cho sản phụ vị thành niên với cách thể hiện thông điệp đầy nhân văn, tế nhị. Ví dụ như:

"Babes chủ động tiếp cận với bất kỳ ai từ 21 tuổi trở xuống cần hỗ trợ tâm lí về việc mang thai, để cô ấy nhận thức được các lựa chọn của mình và có thể đưa ra quyết định sáng suốt.

Babes ủng hộ cho một xã hội toàn diện hơn, nơi thanh thiếu niên mang thai không cảm thấy bị thiệt thòi hoặc ghẻ lạnh".

Luật về phá thai trên thế giới: Canada cho phép, Ireland vừa bỏ luật cấm, Hàn Quốc kêu gọi hợp thức hóa việc phá thai - Ảnh 4.

Thông điệp đầy ý nghĩa: "Gửi sản phụ vị thành niên, bạn có thể sẽ rất đau đớn vì sự mất mát nhưng bạn không phải đối diện với điều đó 1 mình" (ảnh chụp màn hình)

Trung Quốc: Chỉ cấm phá thai nhằm mục đích lựa chọn giới tính em bé

Trung Quốc đến giờ chưa có luật cấm về nạo phá thai, tuy nhiên vấn đề phá thai không an toàn luôn được báo chí và người dân nước này quan tâm.

Ngoài ra, với "chính sách một con" (từ năm 2015 đã thay bằng "chính sách hai con") thì nhiều gia đình Trung Quốc đã quyết định phá thai nếu giới tính của bé là nữ. (Nếu là nam thì giữ lại do tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề). Điều này dẫn đến việc chính phủ đã nghiêm cấm mọi hành vi phá thai liên quan đến giới tính của trẻ.

Ireland: Vừa bỏ luật cấm phá thai

Luật về phá thai trên thế giới: Canada cho phép, Ireland vừa bỏ luật cấm, Hàn Quốc kêu gọi hợp thức hóa việc phá thai - Ảnh 5.

"Bầu cho quyền được phá thai" vào cuối tháng 5 năm nay ở Ireland (ảnh: the atlantic)

Hiến pháp Ireland từ năm 1983 quy định cấm phá thai, vì vậy người dân phải đến Anh hay các nước châu Âu khác để thực hiện việc này.

Tuy nhiên từ ngày 25/5/2018, trong một cuộc trưng cầu ý dân quy mô lớn, Ireland đã bãi bỏ luật cấm phá thai. Thủ tướng nước này cho rằng đó là "một cuộc cách mạng thầm lặng", một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh đòi quyền quyết định nhiều hơn cho phụ nữ.

Canada: Phá thai được cho phép

Trong những năm 1870, Canada cũng cấm phá thai do có quá nhiều sản phụ tử vong. Nhưng đến những năm 1960, phong trào đòi quyền được nạo phá thai đã dấy lên, khiến chính phủ cho phép thực hiện điều này nếu thai nhi gây ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.

Nhiều năm sau, quyền được phá thai (nhưng bị các điều luật hạn chế, ràng buộc) đã dẫn đến một số bác sĩ tự ý mở phòng khám chuyên phá thai. Làn sóng phản đối một lần nữa bùng phát. Đến năm 1988, Canada cho phép sản phụ được nạo phá thai ở mọi giai đoạn thai kỳ.

Đây là quyết định được người dân ủng hộ. Và đến giờ, Canada vẫn là 1 trong số ít các nước hầu như không có quy định cấm về phá thai. Ngược lại, hành vi ngăn cản phụ nữ đến phòng khám chuyên khoa để thực hiện phá thai mới là vi phạm pháp luật.

Hoa Kỳ: Cho phép phá thai nhưng kèm theo các ràng buộc pháp lí

Có đến 43 trong số 50 bang cấm phá thai, trừ khi việc mang thai ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.

Luật về phá thai trên thế giới: Canada cho phép, Ireland vừa bỏ luật cấm, Hàn Quốc kêu gọi hợp thức hóa việc phá thai - Ảnh 6.

Tùy từng bang ở Mỹ mà quy định về nạo phá thai rất khác nhau (ảnh: BBC)

Một số bang áp dụng thời gian chờ 24 tiếng trước khi bác sĩ thực hiện thủ thuật (để sản phụ có thời gian suy nghĩ lại), buộc người mẹ phải cung cấp trước thông tin về sự phát triển của thai, chỉ được phá bỏ trong giai đoạn thai kỳ nhất định, hay nếu người phá thai là trẻ vị thành niên thì phải có phụ huynh đi kèm.

Châu Âu: Quy định chặt về giai đoạn thai kỳ mà người phụ nữ được phép phá thai

Pháp, Đức, Đan Mạch, Bỉ và một số nước châu Âu khác cho phép phá thai khi thai nhi chưa quá 12 tuần tuổi. Ở Bỉ, việc phá thai là hợp pháp khi thai phụ cảm thấy "căng thẳng, chưa sẵn sàng để sinh con" nhưng phải có bác sĩ chuyên khoa tư vấn.

Các nước Phần Lan, Ý, Hà Lan, Nga có quy định giai đoạn thai kỳ dài hơn nhưng cũng  không quá 24 tuần tuổi.

Những nước nghiêm cấm hoặc rất hạn chế nạo phá thai

Ở châu Á, Triều Tiên đã cấm phá thai từ những năm 1950 và luật cấm vẫn còn giữ nguyên đến nay.

Ở châu Âu, Ba Lan có quy định rất chi tiết về những trường hợp nạo phá thai, và sẽ xử lý nghiêm ngặt khi thực hiện "chui". Vatican cấm hoàn toàn nạo phá thai vì cho rằng "trái với ý Chúa". Ngoài ra có quốc đảo Malta quy định vô cùng ngặt nghèo, dù trong bất kì trường hợp nào cũng không được phá thai!

Luật về phá thai trên thế giới: Canada cho phép, Ireland vừa bỏ luật cấm, Hàn Quốc kêu gọi hợp thức hóa việc phá thai - Ảnh 7.

Một số phụ nữ treo móc áo và những dòng chữ bên ngoài Lãnh sự quán Ba Lan ở London, chia sẻ những câu chuyện của họ và kêu gọi quyền được phá thai (ảnh: NBC)

Ở châu Mỹ, Mexico, Nicaragua và Chile quy định khắt khe về nạo phá thai. Tuy nhiên, năm 2006, Chính phủ Chile bắt đầu phân phối rộng rãi thuốc tránh khai.

Quy định cấm ở nhiều nước đã dẫn đến tình trạng sản phụ phải đến nước khác để phá thai, ví dụ như người Ireland đến Anh trong nhiều năm trước đây, các nước khu vực đến Hoa Kỳ để phá thai, hay số liệu từ Bộ Y tế Singapore cho thấy cứ 10 người phá thai ở quốc đảo sư tư thì có đến 4 trong số đó là người nước ngoài.

(Tổng hợp)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày