Luật sư nói về tình tiết tranh cãi trong "Hoa hồng trên ngực trái": Bác sĩ cố tình làm chết não người sống để hiến tim là hành vi nghiêm cấm

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 21:44 09/01/2020

Ngoài đời thật, nếu nguyên nhân dẫn đến cái chết của Thái (bộ phim Hoa hồng trên ngực trái) không phải là do tự tử, mà nhờ bác sĩ can thiệp để tình nguyện hiến tim cứu sống con gái, có thể bị xem là hành vi cố tình gây chết não người hiến và có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.

Tập 45 bộ phim truyền hình "Hoa Hồng Trên Ngực Trái" mới đây gây tranh cãi khi nhân vật Thái (diễn viên Ngọc Quỳnh thủ vai) mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối, đã chọn cách tìm đến cái chết để hiến tim cho con gái. 

Xét về mặt nhân đạo, nhiều khán giả cho rằng đây là tình tiết mà bộ phim xử lý quá khiên cưỡng, không hợp lý. 

Tuy nhiên, ở góc độ khoa học, tất cả cả các quốc gia đều quy định hiến tim phải là người đã chết não. Không ai nhận tạng và dẫn tới cái chết cho người đó kể cả người đó có bị bệnh ung thư hay bệnh nan y nào khác. Hơn nữa, việc hiến tim và ghép vô cùng nghiêm ngặt bởi hiến tim phải phù hợp nhóm máu, phù hợp chỉ số HLA, cân nặng cũng như nhiều điều kiện khác chứ không phải đơn giản như hiến máu.

Luật sư nói về tình tiết tranh cãi trong Hoa hồng trên ngực trái: Bác sĩ cố tình làm chết não người sống để hiến tim là hành vi nghiêm cấm - Ảnh 1.

Trái tim của nhân vật Thái - bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn cuối...

Luật sư nói về tình tiết tranh cãi trong Hoa hồng trên ngực trái: Bác sĩ cố tình làm chết não người sống để hiến tim là hành vi nghiêm cấm - Ảnh 2.

... đã dành để hiến cho con gái anh, là bé Bống.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết hiện nay Việt Nam quy định về công tác hiến, nhận mô tạng, theo luật số 75/2006/QH11 của Quốc hội, "Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác", được ban hành năm 2006, sửa đổi năm 2013.  

Theo quy định của Luật, việc hiến tim hay các mô, tạng, bộ phận cơ thể được quy định như sau:

Thứ nhất, điều kiện để được hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác gồm các điều kiện sau:

- Người đủ 18 tuổi tuổi trở lên.

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ: là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Thứ hai, hiện nay có 2 trường hợp hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể là ở người sống và ở người sau khi chết.

- Hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống: Những người hiến tạng sống chỉ có thể hiến tặng 1 thận, 1 phổi, 1 phần của gan, tuyến tụy hoặc ruột mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. 

- Người hiến tặng đã chết có thể hiến tặng cả thận, gan, phổi, tim và tụy và các bộ phận cơ thể khác.

Thứ ba, trình tự, thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể.

- Người có đủ điều kiện để được hiến mô, bộ phận cơ thể bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết với cơ sở y tế. Hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước đều có thể tiếp nhận đơn đăng ký;

- Cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người;

- Sau khi nhận được thông báo của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế sẽ tiến hành:

+ Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn các thông tin có liên quan;

+ Hướng dẫn đăng ký hiến theo mẫu đơn, thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến.

Lưu ý một số bệnh mà người hiến bị mắc không được lấy mô, bộ phận cơ thể để ghép cho người bệnh được quy định tại Danh mục được ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BYT ngày 4/12/2012), ví dụ người hiến tim không được mắc các bệnh chết não do ngừng tim, Phải dùng thuốc cường tim quá nhiều, Bệnh tim nặng từ trước,…

Như vậy, trên thực tế khi còn sống, cá nhân không thể hiến tim cho người khác vì hành vi này có thể bị xem là vô nhân đạo. Thế nhưng hiện nay, trong bộ luật chưa quy định rõ về điều kiện mà người còn sống có thể hiến tim hay những bộ phận mà sau khi hiến có thể ảnh hưởng đến sự sống của người đó. Họ chỉ có thể đăng ký hiến tim sau khi chết não và không mắc các bệnh về tim theo quy định của pháp luật. Đây là kẽ hở của bộ luật cần được điều chỉnh và bổ sung sau này.

Luật sư nói về tình tiết tranh cãi trong Hoa hồng trên ngực trái: Bác sĩ cố tình làm chết não người sống để hiến tim là hành vi nghiêm cấm - Ảnh 3.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Trong tập 45 của bộ phim "Hoa hồng trên ngực trái", biên kịch đã không làm rõ chi tiết dẫn đến cái chết của Thái.

Trong trường hợp Thái tự tử và rơi vào chết não, hành động hiến tim cho con gái được xem là có tình, nhưng không có lý. 

Tình huống còn lại, Thái vẫn sống và nhờ sự can thiệp của bác sĩ để cố tình chết não. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả gây ra mà hành vi cố tình gây chết não người hiến có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 26 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định "Việc xác định chết não là cơ sở pháp lý để tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể của người có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết". 

Hành vi bác sĩ cố tình khiến người hiến bị chết não thuộc một trong các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 10, điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, đó là: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não".

Về xử lý hành chính, hành vi trên sẽ bị xử phạt về việc "Vi phạm các quy định về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác" được quy định tại Điều 34 Nghị định s00 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Điều 11 Nghị định số 96/2011/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh.

Ở mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi này có thể bị truy cứu "Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người" (Điều 154 BLHS 2015), "Tội giết người" (Điều 123 BLHS 2015).

"Hiện nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa làm rõ nhiều điều khoản trong "Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác". Nhà nước cần sớm ban hành nghị định thông tư, để hướng dẫn chi tiết, tránh những tranh cãi như sự việc lần này" - luật sư Trần Xuân Tiền nói. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày