Lựa chọn của kẻ bạo hành

Gia Hân, Theo Thanhnienviet.vn 22:10 17/08/2024
Chia sẻ

Bị bạn đời là người chồng mình yêu thương bạo hành là một trải nghiệm rất khó để miêu tả thành lời nhưng nó lại mang lại nhiều nỗi đau thương đối với người trong cuộc

Bạo lực gia đình không phải do bốc đồng, mà là lựa chọn của kẻ bạo hành

Người ta chia bạo lực gia đình thành 2 khía cạnh: bạo lực tinh thần và dùng vũ lực để tra tấn người vợ/con. 2 dạng bạo lực này thể hiện bằng lời nói cay nghiệt hoặc một vài cú tát đau điếng hay đập phá đồ đạc trong gia đình, nghiệm trọng hơn là dùng hung khí để toan cướp đi mạng sống của người vợ. 

Nhắc đến ở đây, chúng ta có thể liên tưởng đến vụ việc nữ Tiktoker nổi tiếng Hằng Du Mục, bị chồng người Trung Quốc hành hạ về cả mặt tinh thần và lần gần đây nhất là dùng dao để sát hại cô. Đây là một vụ việc bạo lực gia đình nghiêm trọng mà dân tình – những người hâm mộ Hằng Du Mục đang lên án một cách phẫn nộ người chồng vũ phu.

Lựa chọn của kẻ bạo hành- Ảnh 1.

Theo Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Võ Thị Lâm Oanh (Viện Tâm lý Giáo dục BrainCare) thì bạo lực gia đình thường liên quan đến quyền lực và sự kiểm soát. Điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong trường hợp này, người chồng của Hằng Du Mục sử dụng bạo lực gia đình như một cách để giành lấy quyền lực và duy trì cảm giác kiểm soát đối với vợ của mình, khi nhận thấy mình đang dần trở nên không nắm rõ hay được quyền quyết định tình hình công việc và nguồn thu nhập của vợ mình giống như trước kia, và anh ta đang rất tức giận về điều này.

Vì sao đàn ông thường là những người sử dụng bạo lực trong hôn nhân? Vì khả năng kiểm soát cảm xúc kém hơn phụ nữ? Vì tính cách bốc đồng? 

Không!

Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Võ Thị Lâm Oanh khẳng định: "Bạo lực gia đình là sự lựa chọn của kẻ bạo hành, không phải là sự bốc đồng không kiểm soát được. Nó mang tính cá nhân và không có một nguyên nhân cụ thể nào gây ra hành vi bạo lực"

Theo Thạc sĩ Oanh, một số yếu tố cơ bản có thể góp phần vào xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề gia đình của một người, bao gồm:

- Trải qua chấn thương thời thơ ấu

- Giữ một số hệ thống niềm tin nhất định về thức bậc và sự thống trị.

- Chứng kiến bạo lực gia đình lúc còn nhỏ

Mặc dù các nguyên nhân gây nên bạo hành gia đình là phức tạp, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, phần lớn hành vi bạo lực gia đình là do học được. Lấy ví dụ: trẻ em chứng kiến bạo hành gia đình có thể lớn lên với mọt niềm tin cốt lõi là bạo lực thể xác hoặc tinh thần đối phương là cách giải quyết xung đột được chấp nhận. Hơn nữa, việc nuôi dạy trẻ em tin rằng người có giới tính khác mình là thấp kém có thể dẫn đến hành vi kiểm soát và duy trì quyền lực tối cao trong gia đình.

Lựa chọn của kẻ bạo hành- Ảnh 2.

Những nỗi đau tâm lý mà nạn nhân phải gánh chịu

Theo Thạc sĩ Lâm Oanh, sau khi trải qua cuộc tra tấn về tinh thần và thể xác, những người vợ và con cái trong gia đình đó sẽ mang trong mình những nỗi đau tâm lý vô hình mà không phải ai cũng nhận diện được chúng đã tồn tại và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống tinh thần của họ:

Lòng tự trọng thấp, tội lỗi và xấu hổ: Những người từng trải qua bạo lực gia đình thường tiếp thu những thông điệp tiêu cực và chỉ trích từ những kẻ ngược đãi họ, dẫn đến cảm giác tự ti. Họ bắt đầu tin rằng mình không xứng đáng được yêu thương và tôn trọng. Tin rằng tất cả là lỗi của họ và họ phải chịu đựng sự ngược đãi đó. Và ddiefu này dẫn đến cảm giác xấu hổ, khiến việc xây dựng các mối quan hệ mới hoặc thậm chí là tin tưởng bạn bè hay các thành viên khác trong gia đình trở nên khó khăn.

Tê liệt hoặc tách biết về mặt cảm xúc: Để bảo vệ bản thân, người vợ và con cái có thể kìm nén cảm xúc và tìm mọi cách tách biệt/cô lập cảm xúc của mình để có thể xử lý những cảm xúc mạnh mẽ liên quan đến bạo lực.

Lo lắng và sợ hãi liên tục: Sau khi trải qua bạo lực gia đình, cá nhân bị bạo lực hay chứng kiến bạo lực sẽ có thể sống trong nỗi sợ hãi liên tục bám riết lấy tâm trí của họ. Điều này làm gia tăng mức độ cảng thẳng. Đặt con người vào trong tình trạng luôn đề phòng và cảnh giác cao độ kéo dài 24/24 giờ.

Trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD): Những người phải chịu đựng bạo lực gia đình nghiêm trọng hoặc kéo dài có thể mắc PTSD, một tình trạng đặc trưng bởi những cơn hồi tưởng, ác mộng và phản ứng cảm xúc dữ dội, tái sang chấn nếu họ ở luôn ở trong chính mô trường đã diễn ra hành vi bạo lực

Lựa chọn của kẻ bạo hành- Ảnh 3.

Đoạn tin nhắn Hằng Du Mục gửi đến con trai riêng của chồng.

Nghiêm trọng nhất, là hành vi tự làm hại bản thân hoặc ý định tự tử: Những người có biểu hiện này, chắc hẳn rằng họ đã bế tắc và tuyệt vọng đến nhường nào khi không thể tự mình tìm ra một lối thoát hay một sự trợ giúp có hiệu quả mang lại cho họ.

Cuối cùng, điều quan trọng mà những nạn nhân cần nhớ bạo lực gia đình là sự lựa chọn. Và hành động/phản ứng của người bị bạo lực không thể là nguyên nhân gây nên hành vi bạo lực.

"Nếu bạn đang trải qua bạo lực gia đình, đó không phải là trách nhiệm của bạn và bạn không bao giờ phải chịu trách nhiệm vì điều đó. Bạn không thể “khiến” ai đó ngược đãi bạn, bất kể kẻ bạo lực có đổ lỗi hay thao túng tâm lý của bạn.

Hãy lên tiếng khi bạn nhận thấy rằng mọi sự việc đang dần đi quá sự kiểm soát và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tinh thần và thể chất của bạn nghiêm trọng. Tìm đến sự hỗ trợ ngay lập tức khi cuộc bạo lực đang diễn ra, bằng cách liên lạc với cơ quan chức năng. Hoặc nếu điều đó đã đi qua và bạn thấy rằng nó đang mang lại nhiều hậu quả tâm lý cho bạn, hãy tìm đến những sự trợ giúp về tinh thần đến từ các chuyên gia tâm lý", Thạc sĩ Oanh nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày