Sau Dior, mới đây tập đoàn thời trang xa xỉ LVMH tiếp tục vướng vào vụ lùm xùm về cáo buộc bóc lột nhân công. Lần này, "vua cashmere" Loro Piana chính là "gã khổng lồ" bị gọi tên. Ngôi sao của xu hướng quiet luxury đã trở thành thương hiệu cao cấp thứ 5 bị đưa vào diện quản lý tư pháp tại Ý. Theo phán quyết dài 26 trang, Loro Piana sẽ phải chịu sự giám sát của tòa án trong 1 năm. Phán quyết này bắt nguồn từ cuộc điều tra về hoạt động thầu phụ đối với hàng xa xỉ tại Ý bắt đầu từ năm 2023.
Sự việc xảy ra khi LVMH vừa bổ nhiệm Frédéric Arnault làm CEO của Loro Piana bắt đầu từ tháng 6/2025.
Thương hiệu Loro Piana vốn nổi tiếng với triết lý thủ công chuẩn Italy: cashmere Mông Cổ thượng hạng, len vicuña Nam Mỹ hiếm có, những sợi vải mềm nhẹ bậc nhất thế giới. Thế nhưng, điều tra của lực lượng cảnh sát lao động Milan đã bóc ra mặt trái, để tối đa hoá lợi nhuận, một phần quy trình sản xuất được họ "bán cái" cho công ty trung gian, rồi tiếp tục đẩy về các xưởng may lén lút do chủ xưởng Trung Quốc điều hành.
Khi bắt giữ một chủ xưởng người Trung vào tháng 5 và đóng cửa nhà máy của ông này ở vùng ngoại ô phía tây bắc Milan, cảnh sát phát hiện đây là xưởng sản xuất áo khoác cashmere mang nhãn hiệu Loro Piana và 10 công nhân Trung Quốc (trong đó nhiều người nhập cư bất hợp pháp) bị bắt làm việc kiệt sức, giam lỏng ngay tại nơi sản xuất. Có người còn bị chủ xưởng đánh đập phải điều trị trong 45 ngày vì đòi 10.000 euro tiền lương bị nợ.
Các công nhân này phải chấp nhận mức lương chỉ 4 euro/giờ (khoảng 120.000 vnd), thấp hơn rất xa tiêu chuẩn lao động tối thiểu tại châu Âu. Họ phải làm việc không ngày nghỉ, lên đến 90 giờ mỗi tuần và ngủ ngay trong xưởng. Chi phí sản xuất cho mỗi chiếc áo khoác cashmere được tiết lộ chỉ 118 - 128 euro (khoảng 3.500.000 vnd - 3.800.000 vnd), chênh lệch khủng khiếp so với giá bán ra lên đến 3.000 - 5.000 euro (gần 90.000.000 vnd - 150.000.000 vnd) của Loro Piana trên thị trường.
Trước Loro Piana, những cái tên như Valentino, Dior (cũng thuộc LVMH), Armani hay Alviero Martini đều đã từng bị chính quyền Italy giám sát đặc biệt vì chuỗi cung ứng "đen". Sự thật là ngành luxury "Made in Italy" không chỉ là các xưởng thủ công lộng lẫy. Hàng nghìn nhà xưởng nhỏ, nhiều nơi hoạt động chui chính là mắt xích sản xuất thời trang cao cấp cho các "ông lớn". Mô hình gia công giá rẻ, thuê lao động nhập cư, làm thêm giờ quá sức đã trở thành "phương pháp sản xuất mặc định" để giảm chi phí, tăng biên lợi nhuận.
Ngay sau khi bị giám sát tư pháp, Loro Piana đã ra thông cáo cho rằng mình không hề biết chuyện xưởng phụ lén thuê ngoài, đổ lỗi cho nhà cung ứng vi phạm hợp đồng, và đã ngưng hợp tác từ tháng 5. Dù vậy, toà án vẫn giữ nguyên quan điểm: trách nhiệm thuộc về thương hiệu khi để chuỗi cung ứng tồn tại lỗ hổng quản lý. Dù chưa bị truy cứu hình sự, Loro Piana sẽ bị giám sát hoạt động sản xuất và kiểm toán chuỗi cung ứng ít nhất 1 năm.
Đây không phải là câu chuyện hiếm gặp nhưng lần này nó xảy ra với Loro Piana - "vị vua cashmere", tượng đài xa xỉ của Italy đã khiến giới mộ điệu không khỏi bất ngờ. Hồi tháng 5 vừa qua, vụ điều tra kéo dài 1 năm của Dior cũng vừa được dàn xếp xong khi hãng đồng ý chi 2 triệu euro (58,6 tỷ đồng) trong vòng 5 năm để hỗ trợ các dự án giúp đỡ nạn nhân của nạn bóc lột lao động. Bên cạnh đó, Dior cũng hứa sẽ siết chặt quy trình chọn lọc và giám sát các nhà cung cấp, đảm bảo không còn những "góc khuất" trong chuỗi sản xuất của mình.
Nguồn: Reuters