Ẩn mình trong một ngôi nhà ở một vùng nông thôn nước Anh, cách xa quê nhà hàng ngàn cây số, Cuong Nguyen dành hàng tháng trời chăm lo một cách cẩn thận cho từng búp cây của mình. Cuong là một kẻ trồng cần sa trái phép, giống như hàng ngàn người Việt khác đang sinh sống một cách bất hợp pháp trong đường dây buôn cần sa trị giá hàng tỉ dollar tại xứ sở sương mù.
Cuong đã có một hành trình đầy khó khăn, rời khỏi vùng đất nghèo của thành phố cảng Hải Phòng để đến Anh Quốc hoa lệ. Gã sang đó với mục đích lén lút trồng cần sa, nhưng sâu xa hơn là để biến ước mơ làm giàu thành hiện thực.
Cuong Nguyen - một người từng di cư sang Anh trồng cần sa bất hợp pháp (Ảnh: AFP)
Theo lời Cuong, gã sang đó theo một đường dây của một tổ chức buôn cần sa trái phép ở Anh. Gã đi hoàn toàn tự nguyện, với mục đích kiếm càng nhiều tiền càng tốt ở nơi cần sa có giá bán cao bậc nhất châu Âu.
"Tất cả những gì tôi muốn là tiền, dù hợp pháp hay không," - đó là lời đầu tiên của Cuong khi trả lời phỏng vấn.
Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp tự nguyện như Cuong Nguyen, có rất nhiều người - bao gồm trẻ em - đã bị lừa đưa sang Anh và bị ép phải lao động, phục vụ cho một "ngành công nghiệp" được ước tính mang lại lợi nhuận lên tới 4,5 tỉ đô mỗi năm. Thông qua bài phỏng vấn với tờ AFP, câu chuyện của Cuong phần nào hé lộ những con đường tăm tối đưa người Việt sang nhập cư tại Anh, và cho thấy các mánh khoé mà những kẻ buôn người đã lợi dụng để dụ dỗ người nghèo tự bán mình cho chúng vì ước mơ làm giàu.
Thời còn ở quê nhà, Cuong từng có tiền án lừa đảo và sử dụng ma túy. Năm 2008, với lời đảm bảo "buôn cần sa tại Anh sẽ giàu", Cuong quyết định trả 15.000 USD (khoảng hơn 300 triệu đồng) cho băng môi giới để lấy hộ chiếu giả, rồi trà trộn vào một đoàn du lịch hướng đến châu Âu.
Tại Pháp, Cuong tách đoàn, mòn mỏi tìm đường đến một khu trại ở Calais. Đó là nơi những kẻ buôn người tập hợp người di cư, sắp xếp cho họ con đường để tiến vào nước Anh. Với bản thân Cuong, gã cùng 3 người Việt khác phải bám vào gầm xe tải đi cả đêm để vượt biên.
"Ngã xuống là chết," - Cuong hồi tưởng.
Sau cùng Cuong cũng đến được Anh Quốc. Nhưng ở một đất nước xa lạ lại không rành tiếng, gã không có nhiều lựa chọn, nên buộc phải tìm đến một mạng lưới nhập cư để tìm sự giúp đỡ. Rốt cục, gã dừng chân tại thành phố Bristol, làm việc cho một người đàn ông đang điều hành các vườn trồng cần sa trong vài khu nhà ở ngoại ô.
Theo lời Cuong, một ngày của gã diễn ra rất đơn giản. Gã chỉ ở trong nhà, tự tay trồng những búp cần và được chủ tiếp tế đồ ăn hàng tuần.
"Mỗi ngày tôi dậy sớm, ăn cơm sáng, rồi chuẩn bị mọi thứ để chăm chút cây thật cẩn thận. Phải đặt cây dưới ánh sáng trong 2 tiếng rồi mới được tưới," - Cuong chia sẻ. Mô hình này khá đơn giản và phổ biến: những kẻ đứng đầu thuê vài căn nhà ở ngoại ô hẻo lánh, rồi chuyển thành vườn cần sa. Nhưng đi cùng với sự đơn giản ấy là nỗi sợ bị cảnh sát tóm bất kỳ lúc nào.
Những khu nhà tối tăm, được trang bị đèn để trồng cần sa (Ảnh: AFP)
Trên thực tế, cảnh sát đã từng triệt phá rất nhiều khu vườn như vậy ở đủ các địa điểm: từ chuồng chó, quán bar, cho đến những bệnh viên bỏ hoang. Đáng chú ý theo số liệu từ Hội đồng cảnh sát quốc gia, 12% những kẻ bị kết án đến từ Đông Nam Á, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác từ các nước không thuộc châu Âu.
Sau 6 tháng lao động, cuối cùng cảnh sát cũng tìm ra khu vực của Cuong. Gã hoảng sợ, gói ghém mọi thứ có thể vào trong 1 túi rác (bao gồm cả những cây cần sa gã trồng) rồi bỏ chạy thục mạng. Nhưng chẳng được bao lâu, gã lại quay về "nghiệp" trồng cần, lần này là trong một khách sạn gần thành phố Bristol.
Theo Cuong chia sẻ, giai đoạn này gã kiếm được ngót nghét 19.000 USD - khoảng hơn 400 triệu đồng, một con số khá ổn nếu so với mức thu nhập tại quê nhà. Thậm chí theo lời Cuong thì đáng ra còn nhiều hơn, nếu không bị mấy tay chủ lừa mất vài ngàn đô.
Sau khi kiếm được vốn tại Bristol, Cuong đến London, tự tay "làm giàu". Gã tự trồng một vườn cần sa của riêng mình, tự phân phối, tự hưởng lợi nhuận.
Năm 2014, Cuong vào tù. Ban đầu, gã bị bắt vì tội hút cần sa trái phép, nhưng các dấu vân tay cho thấy gã chính là người đã trồng cần sa tại căn nhà ở Bristol. Tòa án kết tội gã 10 tháng tù giam vì tội danh trồng cần, sau đó bị Văn phòng nhà ở Anh Quốc trục xuất về Việt Nam.
Theo số liệu đưa ra, Cuong là một trong 1.600 người Việt bị trục xuất vào năm 2014. Trong số này có 22 trẻ em dưới 14 tuổi, và đó chỉ là những trường hợp may mắn trong số hàng trăm trẻ em khác là nạn nhân của những kẻ buôn người chưa bị phát hiện. Một số khi trở về nhà với một món nợ và có nguy cơ tiếp tục bị "buôn" - trở thành vòng xoáy không cách nào thoát ra.
Nói về Cuong, gã trở về Vietnam với 2 bàn tay trắng, hiện đang sống trong một ngôi nhà tại quê hương Hải Phòng. Tuy nhiên trả lời phỏng vấn, gã đàn ông nay 41 tuổi cho biết bản thân đã thay đổi, với dự định mở một tiệm làm đẹp để kiếm thêm thu nhập lo cho đứa con sắp tới cùng người yêu.
"Trong quá khứ tôi phải hung tợn và cứng rắn. Còn giờ thì phải hiền lành mềm mỏng thôi."
Hầu hết những người nhập cư trái phép từ Việt Nam đến từ các vùng quê nghèo. Họ sang Anh với mong muốn lao động, kiếm tiền để gửi về quê. Số tiền ấy tại quê nhà đủ để mua ô tô, thậm chí xây biệt thự sang trọng.
Nhưng cái giá phải trả cũng không rẻ. Cuong sang Anh với giá 20.000 USD là còn ít, bởi một số người mất còn đến $40.000 (hơn 850 triệu đồng tiền Việt), thậm chí cả tỉ bạc để làm giấy tờ và mua vé máy bay. Thông thường, họ sẽ nhập cảnh ở các nước Đông Âu, trước khi theo đường tiểu ngạch để vượt biên vào Anh.
Một số người trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người. Bởi lẽ thời điểm họ bước chân vào con đường này cũng là lúc mang trên mình gánh nặng nợ nần lên đến hàng ngàn đô mà không biết phải làm gì mới trả được nợ. Để rồi bị cưỡng ép lao động phải làm việc trong nhà thổ, đi làm nail, hoặc ép đi trồng cần sa.
Theo số liệu của tổ chức Chống nô lệ quốc tế, có ít nhất 3.100 người Việt (gồm cả người lớn và trẻ em) được xác định là nạn nhân của các tổ chức buôn người trong giai đoạn 2009 - 2018.