Từ lâu, gameshow là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đông đảo khán giả truyền hình. Để đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng, các nhà sản xuất đã cho ra đời ngày càng nhiều chương trình với đủ thể loại từ âm nhạc, thời trang, ẩm thực... cho tới các thử thách vận động, tình huống, hay hàng loạt show hẹn hò. Đa phần những chương trình này đều "tạo bão", bùng nổ khắp MXH khi mới xuất hiện.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là sau thành công vang dội khi ra mắt, xu thế chung là hầu hết những gameshow này đều giảm sức nóng ở những mùa tiếp theo. Cũng từ đó, nhiều người cho rằng các chương trình truyền hình Việt Nam thường vướng phải "lời nguyền mùa đầu tiên" và rất ít trường hợp tìm lại được hào quang trong quá khứ.
"Hiệu ứng mùa đầu tiên"
Việc gameshow thường thành công ở mùa đầu là điều dễ hiểu. Hầu hết các chương trình này được mua lại bản quyền từ nước ngoài, đã có sẵn format thành công và thu hút một lượng khán giả đông đảo. Khi được Việt hóa, chúng lập tức thu hút sự chú ý và tò mò của người xem. Gameshow này có gì đáng trông đợi, luật chơi và thử thách có gì khác nước bạn? Đây cũng là lý do các show giải trí đều có lượng người xem tăng cao ở mùa đầu, đạt được những hiệu ứng ngoài mong đợi nhưng sang đến mùa sau lại giảm rating mạnh không như kỳ vọng.
Đồng thời, mùa đầu tiên thường cũng là thời điểm các nhà sản xuất dốc nhiều tâm huyết và chất xám nhất vì đây là viên gạch đầu tiên quyết định cho một thương hiệu thành công ra đời hay không. Có thể thấy, mùa một thường xuyên tập trung đông đảo những giám khảo, huấn luyện viên và đôi khi là cả những thí sinh chất lượng nhất của lĩnh vực đó.
Còn nhớ, vào thời điểm Rap Việt mùa 1 lên sóng, chương trình đã sớm chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của chính mình khi mọi nhân vật hay tiết mục lên sóng đều trở thành chủ đề bàn tán ở mọi phương tiện truyền thông. Rap Việt đưa trend Hip-hop lên ngôi. Không chỉ âm nhạc, những yếu tố khác xung quanh chương trình như thời trang, đời sống cũng được đông đảo công chúng quan tâm, kể cả những người không phải fan cuồng của thể loại này. Cụm từ "rap fan tháng 8" được nhắc đi nhắc lại trong suốt một thời gian dài cho thấy dư âm mạnh mẽ của chương trình.
Năm 2020, Rap Việt - chương trình mua bản quyền từ The Rapper của Thái Lan đã góp phần đưa nhạc Rap/ Hip-hop khuấy đảo các BXH âm nhạc, tiếp cận gần hơn với khán giả đại chúng
Trước Rap Việt, The Voice là một gameshow tạo được sự bùng nổ truyền thông tương tự. Mùa 1, chương trình sở hữu bộ sậu chất lượng với những cái tên đình đám như Hồ Ngọc Hà, Thu Minh... Màn tương tác giữa dàn HLV cũng tạo điểm viral chỉ sau tập đầu tiên. Những thí sinh từ mùa 1 như Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Đinh Hương... khiến MXH dậy sóng với những phần thi chất lượng.
Ca sĩ mặt nạ cũng là một ví dụ điển hình của "lời nguyền mùa đầu tiên". Khi mới xuất hiện, chương trình được coi là tín hiệu đáng mừng sau một thời gian dài các gameshow âm nhạc trở nên thoái trào, bị đông đảo công chúng chán nản và quên lãng. Ca Sĩ Mặt Nạ thu hút khán giả nhờ những phần trình diễn live độc đáo, tạo cơ hội cho khán giả đoán danh tính nghệ sĩ đằng sau lớp mascot, màn tương tác hài hước của ban cố vấn là những điểm sáng nổi bật của chương trình.
Sang đến mùa 2, sự lan tỏa của Ca Sĩ Mặt Nạ đã giảm nhiệt rõ rệt. Tiết mục của các nghệ sĩ không còn được chia sẻ ồ ạt trên MXH như mùa đầu tiên. Lượng netizen bàn luận về gameshow này trên các hội nhóm cũng thưa thớt, trừ một số nhóm chuyên về âm nhạc. Mascot mùa 2 cũng bị chê thiếu đầu tư, sơ sài và không bắt mắt. Các tập phát sóng khó khăn leo lên top trending.
Đã qua 4 tập phát sóng với hơn 20 tiết mục, ngoài Ngày Mai Người Ta Lấy Chồng của Voi Bản Đôn hay Yêu Như Ngày Yêu Cuối của Cún Tóc Lô, rất ít ca khúc tạo được tiếng vang như mùa 1. Đều là nghệ sĩ cùng thời nhưng "Khỉ Hồng" Ưng Hoàng Phúc vẫn chưa thể "tạo bão" như "Kim Sa Ngư" Lương Bích Hữu vì màn thể hiện chất giọng đặc trưng quá dễ đoán. Ngoài ra, dù có giọng ca nội lực, các tiết mục của Sứa Thuỷ Tinh, Cú Tây Bắc vẫn chưa đem lại nhiều sức hút.
Những pha tuột dốc không phanh của show truyền hình, vì đâu nên nỗi?
Sau thành công của mùa đầu tiên, nhiều nhà sản xuất gặp áp lực khi bắt tay vào các mùa tiếp theo. Nhiều ekip nghĩ đủ mọi cách để thay đổi chương trình, đem đến làn gió mới và giữ chân người hâm mộ. Tuy nhiên, với những chương trình mua bản quyền từ quốc tế với format đã được tính toán kỹ lưỡng, không phải sự thay đổi lúc nào cũng mang đến hiệu quả tích cực.
Điển hình, Rap Việt mùa 3 áp dụng luật mới. Theo quy định, thí sinh nào có lượng khán giả bầu chọn hơn 50% mới được tiến vào phần chọn lựa về đội các HLV. Luật chơi bị nhận định là quá vô lý, làm mất cơ hội của nhiều rapper tài năng khi người xem không có yếu tố chuyên môn, chỉ dựa vào ngoại hình để bình chọn.
Alen (còn gọi MegaShock) bị loại vì chỉ nhận được 48% bầu chọn từ khán giả ở trường quay.
Trong khi đó, Dubbie (Khương Lê) với ngoại hình điển trai, sáng sân khấu nhưng có phần trình diễn nhạt nhòa lại nhận tỷ số bình chọn cao hơn Megashock.
Tại Ca Sĩ Mặt Nạ mùa 2, chương trình đã quyết định cho mascot lộ mặt ngay từ vòng đầu tiên thay vì sang đến tận vòng 2 như mùa 1. Sự thay đổi luật chơi đã phần nào làm giảm đi sức hút của nghệ sĩ khi khán giả không có nhiều thời gian để bàn tán, réo gọi những cái tên nghi vấn sau phần trình diễn của mascot. Có lẽ cũng vì thế, ekip đã quyết định đổi chiến thuật để màn lộ diện lên sóng sau phần thi tận 3 ngày nhưng lại gây ra tranh cãi vì khiến người xem tuột đi cảm xúc ít nhiều.
Trong trường hợp của The Voice, nguyên nhân giảm nhiệt đến từ việc nhà sản xuất không còn giữ được bộ sậu giám khảo vốn là yếu tố quan trọng tạo nên tính giải trí của cuộc thi. Khi đến mùa 2, ekip chỉ giữ lại Đàm Vĩnh Hưng và thay ban giám khảo mới gồm Mỹ Linh, Hồng Nhung, Quốc Trung - đều là những cái tên có tiếng trong làng nhạc Việt. Tuy nhiên bàn về độ hot lại không thể bằng Hà Hồ hay Thu Minh mùa 1. Tuổi đời về tuổi nghề của bộ sậu mới biến The Voice có phần trở nên hàn lâm hơn, làm mất đi tính giải trí cần thiết của một gameshow truyền hình.
Rap Việt cũng chịu số phận tương tự khi không còn giữ được sức nóng khi bước sang mùa 2. Ekip nỗ lực cài cắm yếu tố bất ngờ như việc hoán đổi vai trò HLV - giám khảo của LK - Rhymastic nhưng vẫn chưa tạo được hiệu ứng tốt bằng mùa 1. LK thậm chí còn bị chê quá nhạt nhòa khi ngồi "ghế nóng" dù đã có kinh nghiệm làm HLV ở King of Rap. Ở mùa 3 đang lên sóng, chương trình vẫn là chủ đề được quan tâm trên các diễn đàn về Rap, nhưng không còn giữ được sự bùng nổ và độ lan tỏa như mùa đầu.
Thêm vào đó, cạn kiệt tài năng cũng là một trong những nguyên nhân khiến những mùa sau của gameshow không còn gây hứng thú với khán giả. Các thí sinh tham gia một chương trình giải trí đang hot vì ham thích mà không có sự chuẩn bị kỹ càng về chuyên môn, định hướng bài bản, vạch rõ đường hướng truyền thông. Vì thế, bước ra từ chương trình, hầu như thí sinh đều mờ nhạt dù thời điểm show lên sóng là nhân tố cực hot.
Rap Việt mùa 2 xuất hiện nhiều thí sinh nổi tiếng trong giới Underground, MXH như Blacka, Sol7, Mai Âm Nhạc... Tuy nhiên, khác hẳn với dàn rapper thành công mùa 1 như tlinh, MCK,... khán giả vẫn khó chọn được ra cái tên đột phá bước ra từ mùa 2, kể cả Quán quân Seachains.
Lối đi nào cho các nhà sản xuất
Thành công vang dội của mùa đầu tiên vừa là cơ hội và thách thức cho các ekip sản xuất gameshow. Không ít trường hợp đã quá vội vàng làm tiếp mùa mới khi chưa có sự chuẩn bị kỹ dẫn đến tác dụng ngược.
Trong thời buổi thị trường ngày càng xuất hiện nhiều hình thức giải trí đa dạng, tuổi thọ của một gameshow sẽ rất ngắn nếu không tạo ra sự hấp dẫn, mới mẻ cho người xem. Rất nhiều chương trình từng rất thành công nhưng nay đã chết yểu vì format cũ kỹ, không còn được đầu tư như trước.
Tại quốc tế, nhiều thương hiệu gameshow có sức sống lâu đời như Next Top Model, Got Talent nhờ luôn tìm ra được những gương mặt mới, đem đến nhiều format độc đáo để giữ sức hấp dẫn. Các nhà sản xuất thường xuyên mở rộng quy mô chương trình, đem đến những chủ đề mới thay vì áp dụng đi áp dụng lại công thức chiến thắng cũ.
Ở trường hợp của chuỗi Next Top Model, bên cạnh các mùa mới còn có thêm những cuộc thi nhắm tới sinh viên hoặc giao lưu giữa các quốc gia. Hoặc như Got Talent mở rộng với format Allstar - tập hợp những đội thi xuất sắc nhất thế giới thay vì một thị trường riêng lẻ.
Những người sản xuất chương trình cần đáp ứng đúng thị hiếu của khán giả, biết người xem cần gì và muốn gì. Sự đầu tư nghiêm túc, hợp lý và sáng tạo không ngừng vẫn sẽ giữ được chân của người hâm mộ trung thành các gameshow giải trí.
Đồng thời, để tạo tính bền vững, một gameshow cần chứng minh được tầm ảnh hưởng của nó đến cộng đồng mà mình hướng đến. Những cuộc thi tài năng phải sản sinh ra được những gương mặt xứng đáng, trở thành bệ phóng cho họ trên con đường hoạt động sau này. Việc của nhà sản xuất là tạo ra được một sân chơi với format hấp dẫn, công bằng và văn minh. Từ đó, gameshow mới có thể trở thành những thương hiệu chất lượng, giữ được chỗ đứng vững chắc trong lòng cả các thí sinh và khán giả.