Tiến sĩ Xu Bin, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật răng hàm mặt thuộc Bệnh viện số 2 Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc) nhắc nhở mọi người hãy cẩn trọng với vết loét miệng (nhiệt miệng) kéo dài trên 2 tuần. Bởi vì đây rất có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư miệng.
Ông cho biết, có rất nhiều trường hợp vì chủ quan với vết loét miệng mà bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị ung thư. Một người phụ nữ họ Liu, khoảng 60 tuổi, sống tại Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc) mà ông điều trị gần đây cũng gặp phải tình huống tương tự.
Theo lời kể của bà Liu, bà bắt đầu bị loét nhiều nơi bên trái khoang miệng khoảng 4 tháng trước. Trong đó có một vết loét ở lưỡi mãi không thể khỏi dù bà đã cố gắng điều chỉnh ăn uống, mua các loại thuốc thanh nhiệt, giải độc gan và cả thuốc trị loét miệng chuyên dụng. “Tôi nghĩ nó chỉ là loét miệng thông thường do nóng trong, ăn cay nhiều. Lúc đầu, nó chỉ nhỏ như hạt gạo nhưng cứ lớn dần lên bằng đầu ngón tay và khiến tôi khó nói chuyện nên tôi đi khám” - bà Liu cho biết.
Đi khám loét miệng, người phụ nữ không ngờ mình mắc ung thư giai đoạn 3 (Ảnh minh họa)
Còn Tiến sĩ Xu cho biết: “Khi bệnh nhân tới bệnh viện, vết loét ở lưỡi của bà đã kéo dài hơn 4 tháng, phát triển tới đường kính hơn 1,5cm. Vết loét mọc trên một u sùi, tổn thương có màu đỏ trắng xen lẫn một chút đen do hoại tử, xung quanh bờ vết loét chai cứng và có mùi hôi khó chịu. Chúng tôi nghi ngờ là ung thư lưỡi - một dạng ung thư miệng nên đã yêu cầu bệnh nhân làm sinh thiết. Kết quả, bệnh nhân bị ung thư lưỡi đầu giai đoạn 3, còn gọi là giai đoạn tiến triển”.
Khi biết được sự thật phía sau vết loét miệng lâu lành của mình, bà Liu hối hận vô cùng. Nhờ có sự giải thích của Tiến sĩ Xu bà cũng biết được nguyên nhân gây ung thư miệng của mình là do những chiếc răng hàm gây ra.
Hóa ra, bà bị sâu răng đã nhiều năm nhưng không điều trị triệt để, khiến những bề mặt sắc nhọn trên những chiếc răng này liên tục cọ xát vào lưỡi trong thời gian dài. Cộng thêm khi bà có tuổi, hệ miễn dịch suy yếu nhanh hơn. Cứ như vậy, những vết loét do chấn thương lặp lại và phát triển thành ung thư lưỡi. Bởi vì có tiên lượng không tốt nên rất có thể bà Liu sẽ phải cắt bỏ một phần lưỡi để loại bỏ khối u. Sau đó tiếp tục phẫu thuật tạo hình lưỡi để thuận tiện hơn trong cuộc sống, kết hợp với xạ trị bổ sung.
Thông qua trường hợp của bà Liu, một lần nữa Tiến sĩ Xu nhắc nhở dù ở độ tuổi nào chúng ta cũng không nên chủ quan với các vết loét trong khoang miệng. Mặc dù có nhiều đặc điểm tương đồng nhưng chúng cũng không hề khó phân biệt nếu chúng ta chú ý và kiểm tra thường xuyên.
Theo Tiến sĩ Xu, có 2 điểm quan trọng để phân biệt vết loét miệng thông thường và dấu hiệu ung thư miệng. Đó là đặc điểm vết loét và thời gian mắc bệnh.
Cụ thể, nếu bị nhiệt miệng hay còn gọi là loét miệng thông thường thì vết loét màu trắng hoặc vàng ở giữa, bờ màu đỏ. Kích thước dưới 1cm. Vết loét và xung quanh nó có thể sưng, nóng, đỏ, đau nhưng vẫn mềm mại. Thường không chảy máu, không có mùi khó chịu.
Sự khác biệt giữa loét miệng (trái) và ung thư miệng (phải)
Còn ung thư thì tổn thương có thể là vết loét, vết trợt, hoặc có khi là một u sùi hoặc vết loét nằm trên u sùi. Tổn thương màu đỏ xen lẫn trắng, vàng. Có khi có màu đen do hoại tử. Nếu bạn có nhiệt miệng màu đen thì khả năng cao đó là ung thư. Tổn thương có thể đau hoặc không đau. Xung quanh vết loét chai cứng. Thường chảy máu và có mùi hôi, khó chịu.
“Đặc điểm quan trọng nhất là thời gian mắc bệnh. Nhiệt hay loét miệng thường sẽ tự khỏi sau 1 - 2 tuần. Bệnh có thể tái phát nhiều lần nhưng ở những vị trí khác nhau. Nhưng tổn thương của ung thư lưỡi hay ung thư miệng nói chung thường kéo dài nhiều tháng, có khi hàng năm. Đôi khi tổn thương lành lại rồi tái phát ở cùng một vị trí. Vì vậy, nếu bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi, thời gian trên 2 tuần, hoặc vết loét tái đi tái lại ở cùng vị trí, nên đến gặp bác sĩ để loại trừ ung thư” - ông nói.
Ngoài ra, ung thư miệng còn gây các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, sốt kéo dài, nhai nuốt hay nói chuyện và cử động lưỡi khó khăn. Còn loét miệng thường rất ít khi có các dấu hiệu toàn thân, có thể sốt nhẹ khi nhiễm trùng nặng nhưng dễ điều trị và không dai dẳng.
Nguồn và ảnh: Netease Health, Family Doctor