Tiền từ SCB chuyển đi đâu?
Theo kết luận điều tra, mặc dù không giữ chức vụ tại SCB, song bà Trương Mỹ Lan là người có quyền lực tuyệt đối tại ngân hàng này với việc nắm giữ hơn 91% cổ phần thông qua 27 pháp nhân, cá nhân. Qua đó, bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng ngân hàng như một ''kênh huy động vốn'' cá nhân, lợi dụng để rút hơn 1 triệu tỷ đồng.
Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại quận 1, TPHCM
Thực hiện chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, các bị can là nhân sự cấp cao tại SCB đã ký hợp thức hồ sơ và thực hiện các quy trình vay vốn mà không tuân theo quy định pháp luật. Cháu gái bà Lan là Trương Huệ Vân được giao quản lý nhiều doanh nghiệp trong ''đế chế'' Vạn Thịnh Phát với mục tiêu lập hồ sơ giả mạo để chiếm đoạt tiền từ Ngân hàng SCB.
Tiền mặt được chuyển ra khỏi SCB và sau đó chuyển lòng vòng trong các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Kết quả điều tra đã xác định có 1.284 khoản vay, với hơn 483 nghìn tỷ đồng nợ gốc, đã được thực hiện thông qua các tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân. ''Tiền vay sau khi giải ngân sẽ được chuyển vào tài khoản của các cá nhân, pháp nhân 'ma' để thực hiện chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng hoặc chỉ đạo cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền'' - kết luận điều tra nêu.
Đáng chú ý, quá trình điều tra vụ án xác định, có nhiều chuyến xe chở tiền đến trụ sở của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại TPHCM để giao tiền cho bà Trương Mỹ Lan hoặc chuyển trực tiếp cho các cá nhân khác theo chỉ đạo của bà Lan.
Sổ tay và lời khai của Bùi Văn Dũng (lái xe) và Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của bà Lan) cho thấy, từ tháng 2 năm 2019 đến tháng 9 năm 2022, theo chỉ đạo của bà Lan, bị can Dũng đã vận chuyển khoảng 108 nghìn tỷ đồng và 14,7 triệu USD từ SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc nhà riêng của bà Trương Mỹ Lan tại tòa nhà Sherwood, 127 Pasteur, quận 3, TP.HCM.
Hàng trăm khoản vay không có thủ tục thế chấp khi giải ngân
Vẫn theo kết luận điều tra, các công ty định giá tài sản đã thông đồng để phát hành chứng thư định giá ''hợp pháp'' cho các hồ sơ của nhóm Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhằm làm tăng giá trị tài sản và hợp thức thủ tục vay vốn cho nhóm này. Cụ thể, Công ty Tầm Nhìn Mới, Công ty MHD, Công ty Thiên Phú, Công ty E XIM, Công ty DATC dù không tiến hành đánh giá đúng quy trình, nhưng đã cấp chứng thư định giá theo yêu cầu của Ngân hàng SCB.
Kết quả điều tra xác định, nhiều tài sản bảo đảm không có giá trị pháp lý hoặc không đủ điều kiện để làm tài sản thế chấp vẫn được định giá và sử dụng làm phương án vay tại Ngân hàng SCB.
Trong số 1.284 khoản vay, có 684 khoản không có thủ tục thế chấp khi giải ngân; một số lớn đã được giải ngân trước khi hồ sơ và tài sản được chấp nhận hợp lệ. Hơn nữa, có 201 khoản vay chưa được cấp phép bởi cấp có thẩm quyền.
Các bị can tại Ngân hàng SCB thừa nhận chỉ thực hiện thủ tục hợp lệ, không thực hiện đánh giá theo quy định của pháp luật và quy trình của SCB về việc cho vay.
Kết luận điều tra cho thấy, bà Lan không chỉ sử dụng các thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của SCB mà còn ''tận dụng'' các mối quan hệ và vị thế xã hội để bảo vệ hành vi phạm tội của mình. Điển hình là việc nhóm trợ thủ của bà Lan đã mang hàng triệu USD để hối lộ 18 thành viên của đoàn thanh tra, trong đó hối lộ cựu trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước là Đỗ Thị Nhàn số tiền lên tới 5,2 triệu USD.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ hàng nghìn tài sản của bà Lan và các bị can khác, bao gồm tiền, bất động sản, siêu xe, du thuyền, và phong tỏa hàng trăm tỷ đồng tại các ngân hàng.
Ngoài những hành vi sai phạm đã được kết luận, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tách vụ án hình sự ''Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'' liên quan phát hành trái phiếu và ''Rửa tiền'' để tiếp tục điều tra. Trong 22 người đã bị khởi tố để điều tra trong giai đoạn 2, bị can Bùi Văn Dũng ( lái xe) và Trần Thị Hoàng Uyên ( trợ lý của bà Trương Mỹ Lan) bị khởi tố về tội ''Lừa đảo chiếm đoạt tài sản''; bà Trương Mỹ Lan và chồng là Chu Lập Cơ, cùng 6 người khác bị cáo buộc có hành vi rửa tiền.