Nguy kịch từ một vết cắn
Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhân sốt mò đã điều trị khắp nơi không rõ nguyên nhân.
Bệnh nhân nữ (75 tuổi, sống ở An Dương, Hải Phòng) hàng ngày chỉ ở nhà làm vườn. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện sốt kèm theo tức ngực, khó thở, ngày thứ 5 đến bệnh viện tuyến cơ sở và được chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân điều trị tại hai ngày tại bệnh viện ở Hải Phòng nhưng không đỡ sốt nên đã chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, sau khi thăm khám lâm sàng ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi - suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và được chuyển đến Trung tâm Hô hấp.
Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có một vết loét ở da vùng bẹn bên trái - một tổn thương khá đặc hiệu do mò cắn. Qua hội chẩn liên khoa, các bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới bước đầu nhận định đây là bệnh sốt mò.
Bác sĩ Cường đang thăm khám cho bệnh nhân (ảnh BVCC)
Triệu chứng sốt mò
PGS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bach Mai), cho hay đây là ca bệnh khá điển hình của bệnh sốt mò. Đặc điểm của con mò là thường hay cắn ở vùng kín, vùng da mỏng và có nếp gấp như bẹn, nách, bìu, sau tai, quanh hậu môn...
Các tổn thương đầu tiên do mò cắn thường là nốt phỏng có đường kính 0,5 - 1cm, không đau, không ngứa nên bệnh nhân thường không để ý đến.
Sau một vài ngày, nốt phỏng thường tự vỡ ra, đóng vảy đen hơi lõm xuống mặt da và xung quanh có gờ đỏ kèm theo tổn thương nổi hạch, phát ban. Một số bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng nặng, có biểu hiện suy hô hấp, có bệnh cảnh giống nhiễm khuẩn huyết.
"Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nên những biến chứng cấp tính như suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm cơ tim, viêm màng não, có thể sốc giảm thể tích và tử vong. Sốt mò là một bệnh khá phổ biến trong thời gian gần đây ở một số nước nhiệt đới", bác sĩ Cường nói.
Tại Việt Nam, khu vực mò hay sinh sống là những vùng nông thôn hay trung du, miền núi - nơi có cây cối rậm rạp, bụi cây. Con mò sẽ đốt và truyền tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Rickettsiae tsutsugamushi vào cơ thể người.
Để phát hiện sớm sốt mò, chuyên gia lưu ý trong quá trình khám, nếu bệnh nhân có triệu chứng sốt cao đột ngột, đau mỏi người, đa sung huyết, có phát ban, nổi hạch thì các bác sĩ cần khám kỹ ở một số vùng kín như nách, bìu, bẹn, quanh hậu môn, dưới nếp gấp sau gáy, sau tai, nếp lằn vú... Đây là những nơi con mò hay cắn.
Nếu phát hiện, cần điều trị đặc hiệu với nhóm kháng sinh ngấm vào nội bào, thời gian điều trị cắt sốt nhanh và sau 3 - 5 ngày có thể khỏi hoàn toàn.
Bệnh nhân sốt mò đang điều trị tại BV Bạch Mai
Mò là một loại côn trùng, truyền vi khuẩn Rickettsiae tsutsugamushi gây bệnh cảnh nhiễm trùng huyết và giống các căn nguyên gây nhiễm khuẩn huyết khác nên các bác sĩ thường chẩn đoán nhầm nếu không để ý đến vết loét ngoài da do con mò đốt.
Sốt mò là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài 2 - 3 tuần, kèm theo tổn thương loét ở da, nổi hạch, sưng phù mặt và phát ban ngoài da.
Dấu hiệu ban đầu là sốt cao và một số triệu chứng khác có thể nhầm với các bệnh sốt thông thường, sốt xuất huyết Dengue, sốt phát ban (sởi), bệnh sốt rét, viêm phổi, viêm cơ tim, nhiễm trùng máu.
Một số bệnh nhân còn mệt mỏi, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, có cơn vã mồ hôi, đau cơ nhiều như trong bệnh sốt vàng da chảy máu (bệnh Leptospira).
Có những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện li bì, thẫn thờ, u ám như bệnh thương hàn (do vi khuẩn Salmonella). Thậm chí, bệnh sốt mò còn dễ bị nhầm lẫn với viêm cầu thận cấp, xuất huyết giảm tiểu cầu...
PGS Cường khuyến cáo người dân khi làm việc ngoài đồng ruộng hoặc những nơi có bụi cây rậm rạp nên chú ý trang phục bảo hộ lao động. Khi có triệu chứng sốt đột ngột, xuất huyết, mệt mỏi, đau người, phát ban, nổi hạch, cần quan sát và kiểm tra kỹ trên cơ thể xem có nốt đốt như mô tả ở trên thì nghĩ đến tổn thương do mò đốt và nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.