Trong những năm qua, thịt đỏ đã bị đổ lỗi cho mọi thứ từ bệnh tim đến ung thư. Theo Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới: Thịt chế biến sẵn được xếp vào loại chất gây ung thư loại 1 (cùng với cá muối, hút thuốc, nghiện rượu, ô nhiễm không khí, aflatoxin,...). Đồng thời, thịt đỏ (động vật có vú và gia súc) được phân loại là chất gây ung thư 2A.
Mặc dù bị xếp loại là có thể gây ung thư nhưng tại sao mọi người vẫn ăn thịt đỏ và có cách nào để giảm thiểu nguy cơ hay không?
Thịt đỏ dùng để chỉ thịt có màu đỏ trước khi nấu, thường dùng để chỉ thịt lợn, bò, cừu và các loại thịt gia súc khác. Bởi vì nó giàu myoglobin và huyết sắc tố, hai loại protein này có màu đỏ máu nên được đặt tên là thịt đỏ.
Thịt đỏ có thớ cơ, hàm lượng chất béo cao, đặc biệt là hàm lượng axit béo no. Trong số đó, thịt lợn có hàm lượng chất béo cao nhất, tiếp theo là thịt cừu và thịt bò là thấp nhất.
Ngay trong phần nạc của thịt đỏ vẫn có một lượng mỡ đáng kể, chẳng hạn hàm lượng mỡ của thịt lợn nạc là 6,2%, thịt nạc cừu là 3,9%, thịt nạc bò là 2,3%.
Trước hết, thịt đỏ thuộc chất gây ung thư loại 2A, có nghĩa là nó có thể gây ung thư cho động vật và dữ liệu về khả năng gây ung thư ở người còn hạn chế. Điều này có thể hiểu là, thịt đỏ có thể gây ung thư, nhưng không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy con người chắc chắn sẽ mắc ung thư khi ăn thịt đỏ.
Dữ liệu cho thấy thịt đỏ có liên quan với nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác nhau, có thể là do:
- Ăn quá nhiều thịt đỏ giàu chất béo có thể gây béo phì, các bệnh tim mạch, u bướu…
- Hấp thụ quá nhiều axit béo bão hòa là nguyên nhân chính làm tăng cholesterol và lipoprotein mật độ thấp.
Mặc dù được xếp loại có thể gây ung thư nhưng không thể phủ nhận, thịt đỏ vẫn cung cấp một số chất dinh dưỡng mà cơ thể cần.
Thực phẩm giàu sắt
Sắt cần thiết để duy trì vận chuyển oxy trong máu. So với thịt trắng, thịt đỏ giàu sắt hơn, tỷ lệ hấp thụ lên tới 20%, đồng thời có thể thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt trong các loại thực phẩm khác, trong khi tỷ lệ hấp thụ sắt trong một số loại thực phẩm thực vật chỉ từ 3% đến 5%.
Do đó, thịt đỏ là thực phẩm bổ sung sắt tự nhiên, đối với người già, trẻ em và phụ nữ trẻ dễ bị thiếu sắt, việc đảm bảo lượng thịt đỏ ăn vào đặc biệt quan trọng.
Sự lựa chọn tốt nhất để bổ sung kẽm
Kẽm có liên quan đến sự tăng trưởng và phát triển của con người, sự trưởng thành về giới tính và ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của thai nhi. Tương tự như sắt, kẽm từ thịt đỏ được hấp thụ với tốc độ cao hơn nhiều so với thực phẩm thực vật và thúc đẩy quá trình hấp thụ kẽm từ tất cả các nguồn.
Mặc dù các loại hải sản có vỏ chứa hàm lượng kẽm cao nhưng không phải ai cũng có điều kiện ăn hàng ngày nên thịt đỏ trở thành một nguồn cung cấp kẽm tiện lợi và giá cả phải chăng.
Cung cấp protein chất lượng cao
Hàm lượng protein trong thịt đỏ là 10%-20%, hàm lượng protein trong thịt bò và thịt cừu cao hơn thịt lợn. Thành phần axit amin của protein thịt đỏ gần với nhu cầu của cơ thể con người nên tỷ lệ sử dụng tương đối cao.
Ngoài ra, protein trong thịt đỏ có thể thúc đẩy sự hấp thụ sắt và ngăn ngừa mất cơ bắp, người già đang dần lão hóa và người cần xây dựng cơ bắp có thể ăn thịt đỏ một cách thích hợp.
Nguồn vitamin B phong phú
Thịt đỏ chứa nhiều vitamin B3, B7, B9 và B12… đặc biệt vitamin nhóm B trong thịt lợn càng phong phú, vitamin B12 đạt 0,54mg/100g.
Trong số đó, vitamin B12 không thể lấy được từ chế độ ăn chay đơn thuần, nếu cơ thể con người thiếu vitamin B12 sẽ xuất hiện các khuyết tật về tinh thần và thể chất, và thịt đỏ là "con đường" quan trọng để cơ thể con người hấp thụ vitamin B12 .
Mặc dù thịt đỏ rất giàu dinh dưỡng nhưng mối tương quan với nhiều bệnh tật khiến mọi người khó có thể tự tin ăn nó. Vậy làm thế nào để ăn thịt đỏ tốt cho sức khỏe? Đây là một vài gợi ý:
1. Ăn vừa phải
Các chuyên gia cho rằng, bạn có thể ăn một ít thịt đỏ mỗi ngày nhưng khống chế ở mức khoảng 1 lạng mỗi lần, cũng có thể ăn 3 đến 5 lần một tuần, mỗi lần cũng có thể ăn nhiều hơn một chút nhưng không được ăn quá no, quá nhiều cùng một lúc.
2. Chọn thịt nạc và ăn ít mỡ
Thành phần chính của thịt mỡ là chất béo, chứa nhiều calo và ít dinh dưỡng hơn nhiều so với thịt nạc.
Các chuyên gia khuyên bạn có thể chọn một số loại thịt nạc tươi như gân bò, thịt thăn… và hạn chế ăn các loại thịt nhiều mỡ như ba chỉ lợn, nhất là đối với những người có ba cao (huyết áp cao, đường huyết cao, mỡ máu cao).
3. Nấu ăn ở nhiệt độ thấp
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thịt đỏ được nấu ở nhiệt độ cao, đặc biệt là thịt đỏ chiên, có thể làm tăng 40% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Do đó, nên sử dụng các phương pháp nấu với nhiệt độ thấp như hấp và luộc khi nấu thịt đỏ, đồng thời cố gắng không sử dụng hoặc sử dụng ít các phương pháp nấu nướng như chiên, quay, nướng.
4. Chú ý cân bằng dinh dưỡng
Bất kỳ thực phẩm tự nhiên nào cũng có lợi ích riêng của nó, và một chế độ ăn uống đa dạng có lợi cho việc cân bằng dinh dưỡng và sức khỏe tốt.
Thịt và rau kết hợp không chỉ làm giàu dinh dưỡng mà còn nâng cao cảm giác thèm ăn của con người, có lợi cho tiêu hóa và hấp thu.
5. Một số người có thể ăn thịt đỏ nhiều hơn chút
Các chuyên gia nói rằng một số người có thể ăn nhiều thịt đỏ hơn tùy theo tình trạng thể chất của họ. Ví dụ, người bị suy dinh dưỡng đạm, thiếu máu, huyết áp thấp cần ăn thịt đỏ để bổ sung dinh dưỡng; phụ nữ bị mất máu do kinh nguyệt hàng tháng, nhu cầu sắt cao hơn nam giới rất nhiều nên có thể thường xuyên ăn một ít thịt đỏ.