Loại quả tỷ đô này là quả dừa. Đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, mang về hơn 1 tỷ USD cho Việt Nam
Thông tin được chia sẻ tại diễn đàn " Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa " tại Bến Tre vào sáng 13/12. Diễn đàn này do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; cùng các cơ quan liên quan tổ chức.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dừa là một trong 6 cây công nghiệp chủ lực, theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (bao gồm cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu và dừa).
Trên thực tế, dừa của Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Theo đó, những sản phẩm chế biến từ dừa không chỉ có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa mà còn tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Trước đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành dừa nước ta đạt 900 triệu USD. Đây được coi là kỷ lục lịch sử. Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa được kỳ vọng sẽ vượt mốc 1 tỷ USD.
Tại diễn đàn này, ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, chia sẻ rằng trước đó, hằng năm, hoạt động xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh hơn 350 triệu USD.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, với diện tích trồng lên đến hơn 88.000 ha, chiếm 88% diện tích dừa của cùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước, cây dừa được xác định là một cây trồng chủ lực của Bến Tre. Loại cây này mang lại nguồn thu nhập cho hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh.
Hơn nữa, sản phẩm dừa xiêm xanh của Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cũng như chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý.
Tính đến nay, tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số, với diện tích hơn 8.300 ha. Ngoài ra, chuỗi liên kết trong ngành dừa Bến Tre cũng được hình thành, với sự tham gia của 8 doanh nghiệp lớn và có công nghệ chế biến hiện đại. Việc này góp phần đưa sản phầm dừa hữu cơ của tỉnh tới nhiều thị trường như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc...
Dù dừa là mặt hàng có nhiều tiềm năng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến dừa của nước ta đang đứng trước nguy cơ. Đó là thiếu nguyên liệu nghiêm trọng.
Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam chỉ ra rằng, các doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư về cơ sở vật chất và nhà máy ở Bến Tre, nhưng lượng cung nguyên liệu của tỉnh không đủ cho tất cả các nhà máy hoạt động. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, với công suất đạt từ 10 – 15%.
Mặt khác, trong những năm gần đây, vì nguyên liệu dừa khô thuế suất 0% nên nhiều doanh nghiệp đã đặt cơ sở về sơ chế dừa khô và đưa sang Trung Quốc chế biến sâu. Vì vậy, nguồn nguyên liệu dừa khô để phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp nước ta đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Để bảo vệ được nguyên liệu trong nước cũng như kêu gọi đầu tư chế biến sâu, bà Nguyễn Thị Kim Thanh đã lấy dẫn chứng ở Indonesia. Cụ thể, từ ngày 01/01/2025, quốc gia xuất khẩu dừa khô hàng đầu hiện nay là Indonesia sẽ áp dụng thuế xuất khẩu dừa 80%.
Theo đại diện Hiệp hội dừa Việt Nam, nếu không sớm có chính sách thuế và tạo hàng rào thuế quan nhằm giữ lại nguồn nguyên liệu dừa cho ngành công nghiệp chế biến ở nước ta thì ngành dừa của chúng ta sẽ lao dốc.
Hơn nữa, để khắc phục tình trạng mua bán mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói (CSĐG) trong ngành dừa và nông sản, theo ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group, cần phải xây dựng hệ thống số hóa nhằm quản lý MSVT và CSĐG chặt chẽ ngay từ sản xuất đến xuất khẩu. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi gian lận, cũng như tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức cho nông dân và doanh nghiệp về trách nhiệm bảo vệ thương hiệu quốc gia.
Chỉ khi các biện pháp giám sát và quản lý được thực hiện đồng bộ thì ngành xuất khẩu dừa mới có thể khai thác hiệu quả tiềm năng tại những thị trường lớn như Trung Quốc, từ đó đảm bảo vị thế cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai.