Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam thuộc nhóm 9 nước có diện tích trồng và sản lượng dứa lớn nhất thế giới (tương ứng bằng 3,4% và 2,36%); đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về diện tích (sau Thái Lan, Philippines) và thứ 4 về sản lượng (sau Philippines, Thái Lan, Indonesia).
Số liệu của Tổng cục Hải quan 9 tháng đầu năm 2023 cho thấy dứa và sản phẩm chế biến từ dứa của Việt Nam được xuất khẩu sang 122 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu dứa và sản phẩm từ dứa chủ yếu sang các thị trường như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Rumani, Australia, Anh, Hà Lan...
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu dứa và sản phẩm chế biến từ dứa đạt xấp xỉ 41,82 triệu USD.
Bên cạnh việc là mặt hàng xuất khẩu triệu đô, dứa còn là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Y học hiện đại đã phân tích dứa là loại trái cây chứa nhiều năng lượng, giàu protein, chất xơ và các vitamin như caroten, vitamin B1, vitamin B2, vitamin C; các chất khoáng gồm: canxi, phospho, sắt,…
Món ăn từ dứa tốt cho sức khỏe
Theo nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội), dứa là loại trái cây có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Dứa có nhiều hoạt chất, có thể làm thành nhiều món ăn để bồi bổ và nâng cao sức khỏe.
Dứa xào thịt bò
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho hay trong quả dứa có chứa enzyme bromelain, có thể phân hủy protein. Do đó, nhiều người cũng sử dụng dứa để ướp hoặc xào cùng các loại thịt dai, để giúp thịt nhanh mềm, ăn dễ tiêu.
Dứa có đặc tính chống viêm, có thể giúp giảm đau do viêm khớp, giúp xương chắc khỏe.
Theo Đông y, thịt bò có vị ngọt, tính bình; vào tỳ và vị. Tác dụng của thịt bò là bổ tỳ ích vị, bổ khí, dưỡng huyết, cường gân tráng cốt. Do đó, thịt bò rất tốt cho người tỳ vị hư nhược như: gầy yếu sút cân, ăn uống không tiêu, đầy bụng, chán ăn, phù nề, đau lưng mỏi gối, đái tháo đường...
Ông Sáng cho biết xào thịt bò cùng dứa có thể giúp thịt nhanh mềm và tạo hương vị đặc trưng. Dứa xào thịt bò cũng giúp tăng cường bồi bổ, chống viêm, dễ tiêu hóa, do vậy người suy nhược có thể cân nhắc sử dụng món ăn này.
Dứa nấu canh chua
Theo ông Sáng, dứa nấu canh chua với sườn non, cá hoặc ngao rất tốt để cải thiện các tình trạng mệt mỏi, khó ngủ, ăn không ngon, khó tiêu. Quả dứa tươi có tính kháng khuẩn, bôi trơn nhu động thành ruột, thanh lọc cholesterol nên giúp bài tiết các độc tố, chất cặn bã dư thừa ra khỏi đại tràng, chống viêm trực tràng. Thịt sườn hoặc cá, ngao có chứa chất đạm giúp nâng cao sức khỏe.
Theo chuyên gia, người dân có thể nấu món canh trên để ăn những khi thời tiết nóng nực hoặc khi cảm thấy mệt mỏi.
Nước ép dứa
Theo ông Sáng, nước ép dứa rất tốt cho phụ nữ, có tác dụng dưỡng nhan. Dứa rất giàu vitamin C, có khả năng thúc đẩy quá trình sản xuất collagen và tăng độ đàn hồi cho da. Dứa còn giúp giữ gìn vóc dáng và có lợi cho vấn đề nội tiết.
Phụ nữ đã sinh con và có bất thường về kinh nguyệt có thể dùng nước ép dứa để giải khát do dứa giàu magiê, giúp hạn chế mất máu, tụt huyết áp.
Dứa có đặc tính chống viêm và chống phù cao, do đó ông Sáng khuyên những người thường bị khàn tiếng nên uống nước ép dứa vào buổi sáng và buổi tối để giảm tình trạng viêm dây thanh quản.
Dứa cũng chứa nhiều mangan - chất dinh dưỡng giúp duy trì xương khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch. Cha mẹ có thể cho trẻ nhỏ uống nước ép dứa để hỗ trợ quá trình phát triển xương của trẻ, ông Sáng cho hay.
Lưu ý khi ăn dứa
Theo ông Sáng, dứa không phù hợp để sử dụng cho những người hư hàn thấp.
Ngoài ra, người dân cần lưu ý không dùng dứa bị dập nát hoặc dứa gọt chưa hết mắt vì có thể gây ngộ độc. Sau khi ăn dứa, nếu mọi người có các triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, ngứa dữ dội khắp người, nóng bừng và nổi mẩn toàn thân, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, hạ huyết áp, khó thở... thì cần nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ và điều trị kịp thời.
Ngọc Minh