Loại cây mọc dại ở Việt Nam được báo Mỹ gọi là "thảo dược trường sinh”, tốt gấp 8 lần trà xanh

Mộc Miên, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 21:27 08/04/2025
Chia sẻ

Trang New York Post của Mỹ gọi loại cây này là “thảo dược trường sinh” với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Khi nhắc đến các loại thảo dược tốt cho sức khỏe, hầu hết mọi người đều nghĩ ngay đến nhân sâm, bạch quả hoặc các loại dược liệu đông y. Các loại thảo dược như nhân sâm, bạch quả được sử dụng rộng rãi để tăng cường chức năng nhận thức, tăng cường năng lượng và giảm căng thẳng.

Tuy nhiên, theo trang New York Post, có một loại “thảo dược trường sinh” đang gây chú ý vì khả năng tăng cường trao đổi chất, giảm cholesterol và giảm viêm đồng thời thúc đẩy tuổi thọ, loại thảo dược này có tên là giảo cổ lam.

Thông tin về cây giảo cổ lam

Giảo cổ lam có tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum, thuộc họ bí. Giảo cổ lam thường mọc ở các vùng núi và rừng rậm của một số nước Châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc,...

Tại Việt Nam, giảo cổ lam được phát hiện mọc hoang dại ở tại vùng núi cao thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, ở vùng núi Fansipan, tỉnh Lào Cai và núi đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình.

Loại cây mọc dại ở Việt Nam được báo Mỹ gọi là "thảo dược trường sinh”, tốt gấp 8 lần trà xanh- Ảnh 1.

Giảo cổ lam được phát hiện mọc hoang dại ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.

Mặc dù giảo cổ lam đã được sử dụng trong y học cổ truyền trong nhiều thế kỷ nhưng nó chỉ thực sự trở nên phổ biến trong 10 năm trở lại đây, trang New York Post viết.

Bác sĩ nội khoa Michael Aziz đồng thời là chuyên gia y học tái tạo ở New York, Mỹ chia sẻ với The New York Post: “Rất ít người ở Hoa Kỳ biết về loại cây này”.

Giảo cổ lam thường được sử dụng làm trà thảo dược và thực phẩm bổ sung.

“Trà giảo cổ lam có khả năng chống oxy hóa rất cao, cao hơn 8 lần so với trà xanh”, bác sĩ Aziz nói.

Ông gợi ý mọi người nên pha 1-2 thìa lá trà giảo cổ lam khô trong 250ml nước, lọc qua rây và thưởng thức.

Chuyên gia Aziz cho biết ông thường sử dụng giảo cổ lam mỗi ngày. Vị chuyên gia mô tả giảo cổ lam có vị đắng nhưng hậu vị hơi ngọt.

Theo bác sĩ Aziz, vị đắng của giảo cổ lam bắt nguồn từ chất saponin - một loại chất hữu cơ được cho là có vai trò quan trọng đối với sức khỏe.

Loại cây mọc dại ở Việt Nam được báo Mỹ gọi là "thảo dược trường sinh”, tốt gấp 8 lần trà xanh- Ảnh 2.

Chuyên gia Aziz gợi ý mọi người uống trà giảo cổ lam.

Tác dụng của giảo cổ lam với sức khỏe

Các nhà nghiên cứu đã viết trong ấn bản tháng 1 của Tạp chí Thực phẩm chức năng rằng giảo cổ lam có vị đắng và tính lạnh, đặc biệt hiệu quả trong việc thanh nhiệt và giải độc cơ thể. Giảo cổ lam có lợi cho những người mắc viêm gan siêu vi, viêm dạ dày, viêm ruột mạn tính, viêm phế quản mạn tính.

Ngoài ra, giảo cổ lam còn có tác dụng bồi bổ tim mạch, bảo vệ gan, bổ khí huyết, có tác dụng điều trị chứng tăng mỡ máu, tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, mất ngủ, đau đầu.

Bác sĩ Aziz cho biết giảo cổ lam có chứa gypenosides, một loại saponin. Gypenosides có cấu trúc tương tự như ginsenosides trong nhân sâm.

“Gypenosides kích thích protein kinase hoạt hóa AMP, một loại enzyme đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng năng lượng của tế bào. Gypenosides có tác dụng chống oxy hóa, cải thiện độ nhạy insulin và chức năng của ty thể”, chuyên gia Aziz giải thích.

Chuyên gia Aziz cho biết giảo cổ lam cũng đã được chứng minh là có đặc tính chống ung thư và giúp hạ huyết áp.

Loại cây mọc dại ở Việt Nam được báo Mỹ gọi là "thảo dược trường sinh”, tốt gấp 8 lần trà xanh- Ảnh 3.

Giảo cổ lam sấy khô.

Lưu ý khi dùng giảo cổ lam

Giảo cổ lam thường an toàn nếu sử dụng đúng liều lượng. Tuy nhiên, một số báo cáo cho thấy nếu sử dụng không đúng cách hoặc dùng quá liều, loại thảo dược này có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, mờ mắt, ù tai.

Theo chuyên gia Aziz, những người đang dùng thuốc nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung giảo cổ lam vào chế độ ăn uống hàng ngày vì loại thảo dược này có thể tương tác với thuốc.

“Những người bị tiểu đường cũng nên cẩn trọng khi sử dụng giảo cổ lam và nên tham khảo liều lượng từ bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo an toàn”, chuyên gia Aziz khuyến cáo.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày