Lỡ công việc đó sai thì sao? Trong một nghìn nỗi sợ nghề nghiệp, có một nỗi niềm mang tên "sợ sai"

Anh Tuấn Lê, Theo Trí thức trẻ 17:51 24/10/2019
Chia sẻ

Nhiều bạn ngồi trong phòng tư vấn hướng nghiệp với tôi, tuy đã biết rằng mình thích lĩnh vực đó, thấy mình cũng hợp, nhưng vẫn có một nỗi sợ vô hình đằng sau kéo lại mà chưa dám bắt đầu. Nỗi sợ rằng công việc đó không đúng 100%, rồi một vài tháng vài năm tới mình lại chán và bắt đầu từ đầu thì sẽ thật là khổ.

Đồng ý với các bạn là đáng sợ thật, cái cảm giác không biết tương lai chắc chắn như thế nào. Nếu đang sợ mà khuyên các bạn "thôi đừng sợ nữa, có gì đâu mà sợ" thì thật là không đúng.

Thế hệ 9x và 2k chúng ta bây giờ khác với thế hệ bố mẹ ông bà chúng ta ở chỗ, chúng ta có nhiều thứ để chọn lựa hơn hẳn, và những thay đổi diễn ra mỗi ngày. Điều này vừa là cái lợi, mà cũng là cái hại. Việc có quá nhiều thứ để chọn, có quá nhiều sự thay đổi thật nhanh vô tình sao lại mang đến cho người chọn chúng ta nhiều nỗi sợ hơn. Cứ như ngày trước, có vài lựa chọn cơ bản như giáo viên, kỹ sư, vân vân thì lại đỡ đau đầu. Bây giờ nhiều quá, vậy phải làm sao?

1. Tìm xem thứ gì ‘trường tồn với thời gian’

Ví dụ nếu đang ở trong một cơn lốc xoáy mọi thứ quay vòng vòng, trong đó bỗng nhiên có một cái cột bê tông thật vững chãi không hề suy chuyển, chắc chắn chúng ta sẽ bám ngay vào đó nhỉ? Chuyện nghề nghiệp trong thời đại này cũng vậy, giữa một vùng lốc xoáy nghề nghiệp bay lòng vòng trên đầu, đâu sẽ là cái cột bê tông để chúng ta bám vào đây?

Tùy theo niềm tin của mỗi người, hoàn cảnh của mỗi người mà ‘cột bê tông’ của mỗi người sẽ là những điều khác nhau. Có người có niềm tin vào Chúa hay Phật, dù chuyện gì xảy ra người cũng sẽ không bỏ rơi mình. Có người có ‘cột bê tông’ chính là ba mẹ mình, những người luôn yêu thương vô điều kiện, hậu thuẫn cả về mặt tài chính lẫn tinh thần, lỡ có hết sạch tiền về ba mẹ vẫn không đuổi ra khỏi nhà. Có những thứ ‘cao siêu’ hơn mang tên giá trị sống, thứ mà mỗi người sẽ theo đuổi khác nhau. Còn bạn, thứ gì trường tồn mãi với bạn, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa?

Nếu bạn chưa tìm ra, hãy bắt đầu tìm nhé. Có một cách tìm đó là thiền. Thiền không nhất thiết phải là ngồi khoanh tay khoanh chân một chỗ. Bạn có thể đi lại, mở mắt, ngắm nghía xung quanh. Miễn sao là tập trung hoàn toàn vào sự vật sự việc ở thời điểm đó, dành thời gian suy nghĩ về những điều này.

Lỡ công việc đó sai thì sao? Trong một nghìn nỗi sợ nghề nghiệp, có một nỗi niềm mang tên sợ sai - Ảnh 1.

2. Mở rộng tầm nhìn 

Hôm nay tôi đọc trong cuốn sách "Điều vĩ đại đời thường" của Robin Sharma có một ý rất hay đó là: trái đất chúng ta chỉ là một hành tinh nhỏ thuộc một hệ hành tinh trong vài trăm triệu hệ hành tinh khác ngoài kia. Ta cũng chỉ là một chấm nhỏ trong vài tỉ người trên trái đất này. Viết tới đây, tự nhiên tôi thấy những lo lắng của mình bé hẳn lại.

Mỗi khi có một nỗi lo lắng, cụ thể là về nghề nghiệp đi, chúng ta có xu hướng biến cục lo lắng đó thành một vấn đề to thật to. Nếu không có việc thì mình tệ nhất trên đời. Nếu làm công việc không đúng đam mê phải làm lại thì phí cả cuộc đời này... Đúng là có vấn đề ở đó thật, nhưng nó có thật sự lớn như vậy không?

Khi bạn dành thời gian tìm hiểu thêm về những thứ ‘cao siêu’, ‘xa xôi’ hơn hiện tại như triết học, tôn giáo, khoa học vũ trụ – vừa là một cách để bạn mở mang kiến thức, vừa là một cách để bạn đưa tầm nhìn của mình ra xa hơn và rộng hơn, giúp cho vấn đề hiện tại trở nên bé hơn, từ đó ta có thêm sự tự tin để giải quyết nó.

Một con kiến nếu nhìn cách 1cm thì thấy thật to, nếu đứng cách xa 10m thì thấy nó thật là bé và vô hại.

3. Chia nhỏ thành nhiều phần

Một trong những phương pháp tôi thường làm cùng các bạn trong phòng tư vấn để phân tích về nỗi lo đó chính là chia nhỏ nỗi lo ra làm nhiều phần.

Thay vì suy nghĩ xem cuộc đời này mình làm công việc gì phù hợp, tôi chia nhỏ thành từng giai đoạn trong cuộc đời.

Thay vì phải tìm tên công việc, ngành nghề Kế Toán, Marketing, Nhân Sự sao cho phù hợp, tôi chia nhỏ thành các đầu việc mình có thể làm được như ‘làm việc tốt với những con số’, ‘có khả năng giao tiếp tốt’ hay ‘thích làm việc với giấy tờ’.

Khi chia nhỏ vấn đề như vậy, ta sẽ thấy vấn đề dễ giải quyết hơn hẳn.

Ví dụ thay vì băn khoăn không biết nên làm Marketing hay Nhân Sự, ta cứ tìm công việc trong cả 2 làm sao để thỏa mãn được nhiều nhất những kỹ năng mà ta đã liệt kê ra – chứ không bị vướng mắc vào một cái tên cố định.

4. Lập kế hoạch dự phòng

Trong một thế giới mà mọi chuyện thay đổi nhanh như thế này, tốt hơn hết là mỗi người nên có một kế hoạch dự phòng cho bản thân.

Kế hoạch đó có thể bằng việc xây dựng thương hiệu cá nhân ở một sở thích nào đó, ban đầu là có thương hiệu cá nhân, sau này là có thể kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân đó.

5. Dành thời gian suy ngẫm

Nói lòng vòng từ đầu tới giờ, có một yếu tố chung và chắc chắn đó là: thế giới này không ngừng thay đổi. Ta sẽ chẳng làm gì để cho nó ngừng thay đổi được cả. Vậy nên việc của ta là đương đầu với nó và dành thời gian để suy ngẫm.

Nếu mình chọn một công việc vì bố mẹ nói như vậy, người này người kia bảo ‘công việc đó hot’ – thì đó là một lựa chọn không đúng cho lắm. Tuy nhiên nếu sau mỗi công việc mình nghỉ, mình dành thời gian phân tích xem mình thích gì ở công việc đó, chưa thích gì, mình tìm kiếm gì ở công việc mới, thì chắc chắn lựa chọn ở công việc mới sẽ suôn sẻ hơn cho bạn.

Lỡ công việc đó sai thì sao? Trong một nghìn nỗi sợ nghề nghiệp, có một nỗi niềm mang tên sợ sai - Ảnh 2.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày