Năm 2018, sau 2 năm làm việc ở thành phố, Hải Nam (27 tuổi) quyết định nghỉ việc và khởi nghiệp bằng cách mở quán cà phê. Số tiền mở quán khi đó được gom từ tiết kiệm, vay thêm ba mẹ một ít được khoảng 1 tỷ đồng.
Quán cà phê của Hải Nam hoạt động được khoảng 2 năm thì mất 1 năm cầm cự vì dịch bệnh. Suốt thời gian này không kinh doanh được mà tiền mặt bằng vẫn phải trả. Không đủ tiềm lực kinh tế và cũng không nhìn thấy tiềm năng phát triển, Hải Nam quyết định đóng cửa quán. Anh chàng lỗ khoảng 200 triệu, số tiền vay ba mẹ vẫn còn bỏ ngỏ.
Năm 2021, Kim Nhung (22 tuổi) quyết định mở quán cà phê đầu tiên của mình. Trong 3 tháng đầu, quán kinh doanh thuận lợi nên cô hùn vốn với bạn mở thêm cơ sở thứ hai. Tổng số tiền mà Nhung đã đầu tư là hơn 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau khi mở chi nhánh thứ 2, dịch bệnh bùng phát, mất gần nửa năm không thể hoạt động. Sau đó quán kinh doanh không ổn định, Nhung phải sang nhượng cả 2 quán và chỉ thu về 200 triệu, lỗ khoảng 1 tỷ đồng. May mắn là các khoản nợ vay khi mở quán đều đã được trả hết.
Nhiều người trẻ chọn khởi nghiệp bằng cách mở quán cà phê (Ảnh minh họa)
Hải Nam hay Kim Nhung chỉ vài ví dụ điển hình trong vô số người trẻ khởi nghiệp và thất bại trong những năm gần đây. Có thể mỗi người chọn một lĩnh vực khác nhau, chi một khoản vốn khác nhau nhưng đều mắc những sai lầm phổ biến.
Để giúp người trẻ tránh những sai lầm này, một tác giả với 7 năm kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực tư vấn kinh doanh đã chia sẻ 7 bài học của mình lên diễn đàn Toutiao và được nhiều người đồng tình. Và dưới đây là lời khuyên của tác giả:
1/ Phải thực sự hiểu cộng sự cùng mình khởi nghiệp
Bài học đầu tiên cho những ai muốn nghỉ việc để khởi nghiệp là phải chọn đúng cộng sự, càng hiểu sâu về tính cách, năng lực, nguồn lực, mối quan hệ... càng tốt. Bởi người đồng hành cùng chúng ta trên hành trình khởi nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần lẫn kết quả kinh doanh.
Cộng sự của tôi cũng có nền tảng cơ bản như tôi. Anh ấy có nhiều kinh nghiệm, từng làm việc trong doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn lớn, từng đảm nhận vị trí tương đương Phó Chủ tịch công ty. Tôi nghĩ rằng anh ấy có tất cả những gì tôi thiếu, chúng tôi có thể bổ trợ cho nhau và bắt đầu khởi nghiệp cùng nhau.
Nhưng sau này tôi mới nhận ra điểm yếu trong tính cách của anh ấy ảnh hưởng đến cả đội ngũ nhân sự, thậm chí cả thu nhập của chúng tôi. Anh ấy luôn muốn kiểm soát người khác và EQ cực kỳ thấp, không bao giờ thương lượng với khách hàng. Công việc của chúng tôi là tư vấn, nói thẳng ra là người ngoài tư vấn cho các công ty giải quyết vấn đề họ gặp phải trong quá trình phát triển. Nhưng anh ấy thường yêu cầu khách hàng phải tuyệt đối tuân thủ kế hoạch của mình, không được có ý kiến. Kết quả là khách hàng nào từng do anh ấy phụ trách đều không quay lại lần thứ hai.
(Ảnh minh hoạ)
2/ Phải chọn lĩnh vực kinh doanh có khách hàng tiềm năng
Sau khi đội ngũ sáng lập được thành lập, bước tiếp theo là lựa chọn dịch vụ cung cấp. Lĩnh vực được lựa chọn khi đó không chỉ là thế mạnh của chúng tôi mà còn rất phổ biến vào thời điểm đó, là phát triển và quảng bá app cho các doanh nghiệp.
Nghe qua có vẻ rất ổn nhưng khi đã vận hành, chúng tôi nhận ra vấn đề lớn: không có khách hàng. Chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ, không có danh tiếng nên sẽ khó được các công ty lớn tin tưởng và lựa chọn. Các công ty nhỏ cũng muốn phát triển nhưng họ không có tiền. Vì vậy lời khuyên thứ 2 là dự án khởi nghiệp phải hoạt động ở lĩnh vực có khách hàng tiềm năng.
3/ Cơ chế lợi nhuận được làm rõ từ đầu và không thay đổi
Dần dần công việc kinh doanh của chúng tôi cũng được cải thiện, có thêm khách hàng mới nhưng cuối cùng vẫn bị sụp đổ. Vấn đề nằm ở phân chia lợi nhuận.
Lợi nhuận của chúng tôi được chia làm 3 phần, một phần là chi phí vận hành, một phần là vốn để phát triển thêm và phần còn lại được chia trực tiếp cho 3 người đồng sáng lập. Tỷ lệ phân chia được thống nhất dựa theo công việc mà mỗi người đảm nhận. Về sau vì số hạng mục tôi phải phụ trách tăng lên, trưởng nhóm đã quyết định chia lại lợi nhuận. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của một cộng sự khác khiến anh ta không hài lòng, rạn nứt bắt đầu xuất hiện.
Tóm lại, cơ chế lợi nhuận một khi đã hình thành thì đừng tùy ý thay đổi. Vì ai đi làm cũng muốn kiếm tiền, không ai muốn cắt bớt "miếng bánh" của mình cho người khác.
4/ Lãnh đạo nhất định phải có trách nhiệm
Có một yêu cầu cơ bản khi bắt đầu kinh doanh là thu nhập phải đủ để duy trì cuộc sống. Nếu như người đứng đầu không quan tâm đến điều này thì nhân viên sẽ sớm có ý kiến. Mọi người có thể chịu đựng được khó khăn trong thời gian ngắn nhưng về lâu dài thì không ai chịu nổi. Tóm lại lãnh đạo phải có trách nhiệm đảm bảo thu nhập cho nhân viên, ít nhất là đủ sống.
5/ Tham vọng quá lớn có thể "đuổi" khách hàng
Có một khách hàng là công ty trong lĩnh vực giáo dục muốn chúng tôi giúp họ phát triển sản phẩm. Ban đầu đối phương rất hài lòng, đây cũng là dự án đơn giản nên chuyện kiếm tiền nằm trong bàn tay. Sau đó khách hàng gặp sự cố, người đứng đầu nhóm chúng tôi yêu cầu họ bán cổ phần cho mình. Chúng tôi đã tranh cãi nhưng không thể lay chuyển được ý định của trưởng nhóm, cuối cùng đối phương đã huỷ hợp đồng.
6/ Đừng coi thường khách hàng
Ở vị trí chuyên gia tư vấn cho các công ty, rất dễ có cảm giác chúng tôi hiểu biết hơn khách hàng của mình. "Nếu chúng tôi không giỏi, liệu bạn có tìm đến dịch vụ của chúng tôi không?" Nhưng tâm lý này sẽ khiến khách hàng cảm thấy khó chịu và không tán thành, thậm chí có thể rời bỏ bạn.
7/ Đừng quá tham lam, làm việc ngoài khả năng
Ai mà không muốn kiếm nhiều tiền, chốt được hợp đồng với khách hàng lớn nhưng đừng quên cân nhắc xem mình có đủ năng lực và nguồn lực không. Chúng tôi từng có một khách hàng là doanh nghiệp trọng điểm với dự án năng lượng mới, thị trường rộng lớn. Đương nhiên thù lao cũng được hứa hẹn là rất hậu hĩnh. Nhưng sau khi dự án bắt đầu, sự phát triển của công ty trong 3 tháng đầu không được như mong đợi, khách hàng không muốn tiếp tục, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài rút lui.
Khi bạn và khách hàng không đủ tin tưởng nhau, nguồn lực của bạn không đủ, đừng nghĩ đến việc làm những dự án lớn vì bạn sẽ không thể đảm đương nổi.
Một khi đã dấn thân vào con đường khởi nghiệp, chúng ta chỉ có thể tiếp tục bước đi, không có cái gọi là chuẩn bị tốt, chỉ có thể vừa đi vừa cải thiện.
Vì vậy những ai muốn nghỉ việc để khởi nghiệp, hãy nhớ rằng khởi nghiệp khó hơn đi làm thuê rất nhiều. Khởi nghiệp không phải là lối thoát khi bạn cảm thấy không hài lòng trong công việc. Khởi nghiệp cũng không phải là bạn lập ra một kế hoạch tốt và cứ thế bước theo, thay vào đó môi trường và thời cơ luôn thay đổi, bạn phải thuận theo đó để làm, không ngừng điều chỉnh để đảm bảo con thuyền của mình không bị lật.
Và điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp, bạn phải có kế hoạch cho sự thất bại.
(Nguồn: Toutiao)