Liệu “chơi game kiếm ra tiền” có thực sự nhàn hạ, đơn giản như mọi người vẫn nghĩ?

Gia Minh, Theo Trí Thức Trẻ 14:54 01/12/2019
Chia sẻ

Nghiên cứu này đã cho thấy ngoài việc phải luyện tập với cường độ cao thì một game thủ chuyên nghiệp phải chịu đựng vô vàn những vấn đề tâm lý.

Nghiên cứu các vấn đề tâm lý trong thể thao đã phát triển từ rất lâu, tuy nhiên, đối với eSport lại là điều khá mới mẻ. Đây cũng là lĩnh vực mà trường đại học Chichester tại Vương quốc Anh đang tìm hiểu.

Theo ông Philip Birch, người đồng sáng lập nên chương trình này và là chuyên gia về tâm lý trong thể thao, cuộc khảo sát tập trung chủ yếu vào những nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của thể chất và tinh thần trong eSport. Nội dung của cuộc nghiên cứu bao gồm chế độ dinh dưỡng, công tác huấn luyện và chiến thuật trong một môi trường thi đấu thu nhỏ.

Liệu “chơi game kiếm ra tiền” có thực sự là nhàn hạ, đơn giản như mọi người vẫn nghĩ? - Ảnh 1.

Đội tuyển CS:GO Fnatic tại giải vô địch ESL. Ảnh: ESL Pro.

Các vận động viên ở môi trường thi đấu đỉnh cao thường xuyên phải đương đầu không chỉ với những cuộc cạnh tranh khốc liệt mà còn chịu cả áp lực tâm lý luôn đè nặng.

Họ phải chịu đựng tâm lý khi thi đấu trước rất nhiều khán giả, sợ thua cũng như không giao tiếp nhuần nhuyễn được với đồng đội. Đó là thực trạng chung của các vận động viên thể thao. Các game thủ chuyên nghiệp cũng ko phải là ngoại lệ. Khi chơi tại các giải đấu eSport lớn, họ cũng phải đối mặt với những áp lực tương tự.

Mục tiêu chương trình hướng tới là cho mọi người cái nhìn rõ nét hơn không chỉ về những áp lực tuyển thủ eSport gặp phải, mà còn cả cách mà họ dùng để đối đầu với các vấn đề đó. Birch và những đồng nghiệp của ông quyết định tập trung nghiên cứu về tựa game Counter-Strike: Global Offensive (CS: GO) bởi vì nó có sự tương đồng nhất định với các môn thể thao truyền thống như bóng đá hay bóng bầu dục.

Phạm vi bài khảo sát của cuộc nghiên cứu tương đối nhỏ, bao gồm 7 game thủ chuyên nghiệp thi đấu lại giải chung kết mùa xuân ESP Premiership CS:GO. Những người chơi này có bề dày kinh nghiệm từ 2-6 năm trong các tựa game bắn súng. Người đứng đầu trong tổ chức nghiên cứu là Matt Smith đã tự mình tham gia giải eSport nhỏ để có thể hiểu hơn về cách chơi cũng như môi trường cạnh tranh khi thi đấu. Sau đó ông đã dùng chính những trải nghiệm của mình để làm tư liệu cho cuộc nghiên cứu.

Game thủ chuyên nghiệp và áp lực vô hình

CS: GO là tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất nổi tiếng. Trong trận đấu, người chơi chia ra làm 2 phe Terrorists và Counter-Terrorists. Terrorists có nhiệm vụ đặt bom hoặc bắt cóc con tin. Còn ở phía đối diện, Counter-Terrorists sẽ phải ngăn cản kế hoạch của kẻ địch bằng mọi giá.

Liệu “chơi game kiếm ra tiền” có thực sự là nhàn hạ, đơn giản như mọi người vẫn nghĩ? - Ảnh 2.

Cả 2 đội đều có nhiệm vụ riêng nhằm giành chiến thắng. Ảnh: Valve.

Đội giành chiến thắng trong các giải đấu lớn của CS: GO có thể mang về nhà một lượng tiền thưởng vô cùng lớn. Đa phần mức thưởng ở các giải đấu CS: GO dao động từ 75.000 USD (khoảng 1,7 tỷ VND) đến 1 triệu USD (tương đương 23 tỷ VND).

Vậy nên áp lực phải chiến thắng đã đè nặng lên tâm lý của các tuyển thủ. Con số thống kê chỉ ra đã có khoảng hơn 380 triệu người theo dõi các giải đấu eSport chỉ trong năm 2018. Môn thể thao mới này đang phát triển trở thành nền công nghiệp tỷ đô và dần chuyên nghiệp hoá.

Đã có hiệp hội công đoàn dành cho game thủ được lập ra vào năm 2015. Chính vì như vậy, nghiên cứu về những yếu tố tâm lý tác động lên các tuyển thủ cũng đang ngày càng được chú trọng.

Liệu thuê nhà tâm lý học cho đội tuyển eSport có thực sự hiệu quả?

Vào năm 2016, đội tuyển CSGO rất nổi tiếng là Astralis đã thuê một nhà tâm lý học nhằm giúp các thành viên của team giải quyết những áp lực khi phải thi đấu trong môi trường căng thẳng.

Liệu “chơi game kiếm ra tiền” có thực sự là nhàn hạ, đơn giản như mọi người vẫn nghĩ? - Ảnh 3.

"Sao Đỏ" là đội tuyển vô cùng mạnh mẽ tại đấu trường CS:GO chuyên nghiệp. Ảnh: FACEIT.

Astralis ngay sau đó đã giành chiến thắng ở giải đấu ELEAGUE vào tháng 1/2017. Họ ngay sau đó đã gửi lời cảm ơn tới nhà tâm lý học vì giúp đỡ cả đội vượt qua những áp lực tinh thần trong suốt mùa giải để có được Astralis ngày hôm nay.

"Chúng tôi nghĩ việc nghiên cứu là một cơ hội tốt để có thể thấy được những tuyển thủ eSport đương đầu với dư luận thế nào cũng như tinh thần đoàn kết của họ đến đâu. Nhiều đội tuyển chuyên nghiệp giống như gia đình, họ thường xuyên ở chung phòng với nhau và thi đấu CS: GO cùng nhau. Đôi khi các gia đình rất hoà thuận với nhau, nhưng có lúc lại không", ông Birch nói. Sự căng thẳng giữa các thành viên có thể là nguyên nhân khiến cho màn trình diễn của cả đội không được như mong muốn.

Ông Birch kết luận rằng những tuyển thủ eSport phải đối mặt với 51 nhân tố gây stress khác nhau, nhưng đa số là do vấn đề giao tiếp giữa các thành viên, lo lắng về việc thi đấu trước khán giả và hội chứng sợ đứng trên sân khấu. Đó là những yếu tố chung mà bất kỳ vận động viên thể thao chuyên nghiệp nào thi đấu ở môi trường đỉnh cao cũng phải trải qua.

Việc tin tưởng và chiêu mộ những nhà tâm lý học cho đội tuyển eSport đang dần trở nên phổ biến. Điều đó chứng tỏ những nghiên cứu tâm lý trong bộ môn thể thao mới này là hoàn toàn cần thiết.

Toxic - vấn đề không của riêng ai

Liệu “chơi game kiếm ra tiền” có thực sự là nhàn hạ, đơn giản như mọi người vẫn nghĩ? - Ảnh 4.

Ai rồi cũng sẽ có ít nhất một lần buông lời cay đắng với đồng đội của mình. Ảnh: Getty Image.

Vấn đề giao tiếp trong thi đấu bao gồm các thành viên không nghe được nhau, không làm theo chiến thuật hoặc phải chịu những lời lẽ tiêu cực (đa phần là xúc phạm) từ người đội trưởng khi thi đấu.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm hiểu kĩ hơn về những vấn đề tâm lý mà người đội trưởng thường gặp phải. Những nghiên cứu đã chỉ ra đặc điểm tính cách và các vấn đề của người giữ vị trí này như rối loạn tâm lý, dễ nổi cáu, quá đề cao cái tôi của bản thân, hướng ngoại… những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng áp lực trong môi trường thi đấu chuyên nghiệp.

Mặt khác, các tuyển thủ phải gặp vô vàn những vấn đề ảnh hưởng tới tâm lý bao gồm cả khách quan lẫn chủ quan. Những vấn đề chủ quan bao gồm sự thiếu tự tin, khó kiềm chế cảm xúc, tâm lý an toàn quá mức cần thiết, sợ khiến cho cả đội phải thất vọng, lo lắng và sợ sai khi phải ra quyết định rất nhanh trong trận đấu... Một vài người thì dành sự tập trung vào việc cải thiện thành tích cá nhân nhiều hơn là cống hiến cho tập thể.

Còn nguyên nhân khách quan cũng đến từ chính những người đồng đội của họ. Căng thẳng dần leo thang khi thành viên trong team không tập luyện một cách nghiêm túc, sức ép từ cánh truyền thông, áp lực lớn trước đám đông khán giả...

"Nó giống như là, bạn không hề biết rằng camera có hướng về mình hay không. Nhưng trong tâm trí thì bạn luôn nghĩ mình đang bị theo dõi bởi rất nhiều người. Điều đó khiến cho bạn càng cảm thấy tồi tệ hơn", một người tham gia khảo sát bày tỏ. Một vài người tham gia đã cho biết về việc họ cảm thấy áp lực vì phải trả lời phỏng vấn trước truyền thông. Vậy nên, những tuyển thủ này có xu hướng sẽ từ chối việc phỏng vấn và tránh xa mạng xã hội.

Liệu “chơi game kiếm ra tiền” có thực sự là nhàn hạ, đơn giản như mọi người vẫn nghĩ? - Ảnh 5.

Sợ phỏng vấn là một trong những vấn đề thường thấy. Ảnh: Intel Extreme Master 2019.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra sự học hỏi lẫn nhau giữa những tuyển thủ eSport. Họ học nhau cách kiềm chế cảm xúc và giảm bớt áp lực như nghỉ ngơi giữa các trận, né tránh tất cả máy quay, cố dành hết sự tập trung của vào ván đấu... Hay những cách giải quyết các thiếu sót trong tập thể như khích lệ sự tự tin của đồng đội, họp team sau mỗi trận để chỉ ra những điểm tốt và mặt hạn chế để cùng nhau khắc phục cũng được áp dụng rộng rãi.

Ông Birch cũng thừa nhận rằng không có nữ game thủ nào tham gia khảo sát là thiếu sót lớn. Điều này rất quan trọng bởi đa phần những tuyển thủ chuyên nghiệp là nam, nữ chỉ đảm nhận chức vụ phụ như chăm sóc y tế và quản lý truyền thông của team. Nhưng có thực trạng là game thủ nữ dường như phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Một vài nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng các game thủ nữ bị quấy rối tình dục nhiều hơn so với những người cùng giới. Tác giả mong rằng những nghiên cứu sau này sẽ tìm ra giải pháp cho điều đó.

Liệu “chơi game kiếm ra tiền” có thực sự là nhàn hạ, đơn giản như mọi người vẫn nghĩ? - Ảnh 6.

Các nữ game thủ thường xuyên phải đối mặt với những tin nhắn quấy rối. Ảnh: Getty Image.

"Chúng tôi đã nhận ra từ lâu rằng áp lực lên những game thủ chuyên nghiệp có thể ảnh hưởng xấu tới việc thi đấu của các tuyển thủ", Rob Black, giám đốc vận hành của ESL nói.

"Nhóm nghiên cứu có thể đưa ra những dự đoán về tính cách của tuyển thủ bằng việc quan sát họ phản ứng như thế nào trước các tình huống nhất định. Chúng tôi cũng rất muốn giúp các vận động viên eSport thực hiện một số bài tập để cải thiện màn trình diễn của họ qua việc hít thở và nghỉ ngơi đúng cách", ông Birch nói.

Bộ môn eSport đang ngày một phát triển lớn mạnh và trở nên chuyên nghiệp dần theo năm tháng. Vậy nên những nghiên cứu tâm lý tuyển thủ là vô vùng cần thiết để đảm bảo cho một tương lai phát triển lâu dài và bền vững của bộ môn thể thao mới này.

Liệu “chơi game kiếm ra tiền” có thực sự là nhàn hạ, đơn giản như mọi người vẫn nghĩ? - Ảnh 7.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày