Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường: Khi trường học trở thành nỗi ám ảnh!

QBB, Theo Đời sống và Pháp luật 21:40 04/04/2019
Chia sẻ

Văn hóa ứng xử học đường đang dần bị mai một, biến tướng một cách mất kiểm soát. Nhiều đối tượng biến trường học thành nỗi ám ảnh, tác động đến tâm lý của các em học sinh.

Môi trường giáo dục lành mạnh là điều kiện tiên quyết để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt có tài năng, đạo đức. Trường học là nơi rèn đức, luyện tài, trang bị kiến thức cho học sinh. Trong môi trường này, học sinh phải biết về trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân đối với thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ khác.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp những vụ bạo lực học đường đau lòng xảy ra nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết tận gốc rễ. Gần đây nhất, một học sinh lớp 9 Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên) bị 5 học sinh nữ lột quần áo, đánh hội đồng đến mức phải nhập viện tâm thần điều trị đang gây rúng động dư luận những ngày qua.

Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường: Khi trường học trở thành nỗi ám ảnh! - Ảnh 1.

Vụ nữ sinh lớp 9 bị bạn đánh đập, lột đồ gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua

Đi đôi với bạo lực học đường, chúng ta nói đến văn hóa giáo dục, tính nhân văn giữa người với người thời nay. Điều gì tác động đến việc mất khả năng kiểm soát hành vi của giới trẻ hiện nay.

Nói đến văn hóa ứng xử thì giữa giáo viên với giáo viên cũng có nhiều chuyện đáng bàn, ứng xử tình thầy trò cũng đang là một dấu hỏi lớn, rồi cả ứng xử giữa phụ huynh học sinh với thầy cô giáo cũng không còn nguyên vẹn như trước. Có lẽ, đây cũng là một trong những nỗi trăn trở nhiều nhất của không ít người khi nghĩ về môi trường giáo dục hiện nay.

Những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục cũng khiến cho quan hệ thầy trò bị biến tướng và "thương mại hoá", làm cho thầy không còn là thầy, không được tôn trọng, không uy nghiêm, được học trò coi là tấm gương để noi theo học tập, trò cũng chẳng phải trò, chẳng lễ phép, kính trọng thầy và chăm chỉ học hành tu dưỡng.

Như trong việc em H.Y ở Hưng Yên bị đánh, tại sao nhà trường biết nhưng vẫn làm lơ cho rằng đây chỉ là một việc bình thường. Phải chăng phía sau đó là vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng nhà trường, là sự thờ ơ của những người thầy, người cô, là tính nhân văn con người đi xuống nên nghĩ đây là chuyện không có gì đáng nói?

Những học sinh đánh bạn cũng không có hiểu biết về pháp luật , không ý thức được về việc làm sai và phải chịu trách nhiệm về việc làm sai của mình như thế nào. Các em đánh bạn và có thể là cả những em chứng kiến, quay clip đều tưởng rằng việc đó là bình thường, mà không lường được hết hậu quả xảy ra với bạn và với mình.

Văn hoá ứng xử giữa học trò với nhau ngày nay mang nhiều màu sắc biến tướng. Tình trạng kết nhóm, tạo hội cũng là vấn đề nhức nhối, không những làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục mà còn là mối lo chung của xã hội. Hiện tượng lập băng nhóm rồi đi cướp, trấn lột, "dằn mặt" lẫn nhau, thanh toán "ân oán cá nhân" của học trò gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà làm công tác giáo dục và quản lí giáo dục.

Hình ảnh các học em sinh mặc đồng phục cầm dao, kiếm, súng tự chế hay súng mua chui trên thị trường để “xử nhau” chỉ vì những lí do rất trẻ con như “nhìn đểu”, không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông hoặc chỉ đơn giản là đánh cho bõ ghét.

Lâu nay chúng ta mới nói đến kỹ năng nhưng chưa nói đến giá trị sống. Học sinh lớp 9 nhưng chưa nhận ra được các văn hóa sống, đạo đức con người, lòng yêu thương, sự tôn trọng, thử hỏi nền giáo dục đã trao được giá trị gì ở đây?

Sự việc ở Hưng Yên xảy ra ngay trong lớp học, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh nhưng phản ứng của giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu quá chậm chạp, thậm chí còn có dấu hiệu làm giảm nhẹ sự việc xảy ra. Cách xử lý không thấu đáo, không sáng suốt là nguyên nhâ cho những hành vi tái phạm sau này.

Đã đến lúc chúng ta phải thấy được sự cần thiết của việc tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, phù hợp để bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức, học sinh còn cần được giáo dục về tư tưởng đạo đức và lối ứng xử có văn hoá. Để xây dựng một thế hệ trẻ có sức khoẻ, có trí lực, lòng nhiệt huyết cần đến sự chung tay từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội, để giúp các em có được nhận thức đúng đắn về pháp luật và đạo đức, trở thành một công dân có ích cho xã hội.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày