Lễ Thất Tịch, phòng khách sạn ở Trung Quốc bỗng đắt hàng: Cách chọn phòng của nam và nữ có sự khác biệt

Thùy Anh , Theo Phụ Nữ Số 09:10 10/08/2024
Chia sẻ

Ngày 7/7 âm lịch hàng năm được coi như “ngày lễ tình nhân” ở quốc gia tỷ dân, do đó, nhu cầu giải trí vào ngày này cũng tăng lên.

Lễ Thất Tịch hay còn gọi là lễ Khất Xảo diễn ra vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm ở Trung Quốc. Ngày này gắn liền với sự tích Ngưu Lang và Chức Nữ. Đây được coi là “ngày lễ tình nhân” của một số nước phương Đông.

Số lượng đặt phòng tăng đột biến

Lễ Thất Tịch năm 2024 rơi vào cuối tuần, khiến cho nền "kinh tế lãng mạn" của Trung Quốc thêm phần sôi động. Theo dữ liệu đặt phòng du lịch của Tong Cheng Travel công bố vào ngày 8/8, nhu cầu đặt phòng theo giờ vào chính ngày 7/7 âm lịch tại các thành phố nổi tiếng ở Trung Quốc tăng gần gấp đôi so với năm 2023, trong khi đó, các khu vực du lịch văn hóa truyền thống tăng 62%.

Các hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức khắp nơi đã thu hút nhiều du khách từ nước ngoài.

Thâm Quyến trở thành địa điểm ưa thích của cư dân Hồng Kông (Trung Quốc). Ngoài ra, du lịch về đêm, các buổi hòa nhạc và mưa sao băng cũng là các chủ đề du lịch thu hút sự chú ý của du khách.

Bắc Kinh dẫn đầu về nhu cầu đặt phòng khách sạn trong dịp Thất Tịch. Dữ liệu từ Tong Cheng Travel cho thấy, sự tăng trưởng về nhu cầu đặt phòng theo giờ và dịch vụ tại các thành phố lớn tăng mạnh, thậm chí có nơi lên tới 147%. Các gói "khách sạn kèm bữa tối" hoặc "khách sạn kèm tham quan" cũng được nhiều người ưa chuộng với sự tăng trưởng 122%.

Trong việc lựa chọn đặt phòng khách sạn, nam giới và phụ nữ có những sở thích tiêu dùng khác nhau. Phụ nữ thường chọn các gói combo khách sạn, trong khi nam giới lại thích các phòng theo giờ.

Lễ Thất Tịch, phòng khách sạn ở Trung Quốc bỗng đắt hàng: Cách chọn phòng của nam và nữ có sự khác biệt- Ảnh 1.

Cụ thể, trong số những người đặt phòng theo giờ, nam giới chiếm 57% còn phụ nữ chỉ chiếm 43%. Ở khía cạnh khác, trong số những người đặt gói combo khách sạn, phụ nữ chiếm tới 71% trong khi nam giới chỉ chiếm 29%.

Dữ liệu còn chỉ ra rằng cả nhóm người lớn tuổi trên 60 tuổi cũng bắt đầu tham gia vào việc tiêu dùng lãng mạn trong ngày lễ Thất Tịch với tỷ lệ người lớn tuổi đặt phòng khách sạn tăng từ 4% lên 7% so với năm 2023.

Phong tục truyền thống ngày Thất Tịch ở Trung Quốc

Lễ Thất Tịch đã được tổ chức từ thời nhà Hán (206 trước Công nguyên – 220 sau Công nguyên). Nhiều phong tục truyền thống cũng mai một dần nhưng một số phong tục sau đây được thực hành ở các vùng nông thôn Trung Quốc.

Xâu kim, thêu thùa

Vào ngày lễ Thất Tịch ở Trung Quốc, các cô gái sẽ tổ chức xâu kim, thêu thùa để cầu nguyện với với cô tiên “thợ dệt” – Chức Nữ với mong muốn được ban cho đôi bàn tay khéo léo trong các công việc nữ công gia chánh.

Từ xa xưa, người Trung Quốc còn có tập tục, thả kim trên mặt nước vào ngày lễ Thất Tịch. Cây kim không bị chìm xuống nước, sẽ tượng trưng cho sự thông minh và khéo léo của các cô gái. Tập tục này cũng từng được thể hiện trong bộ phim nổi tiếng một thời “Diên hy công lược”.

Lễ Thất Tịch, phòng khách sạn ở Trung Quốc bỗng đắt hàng: Cách chọn phòng của nam và nữ có sự khác biệt- Ảnh 2.

Treo hoa trên sừng bò

Điều này bắt nguồn từ truyền thuyết rằng sau khi Nữ Oa sử dụng Dải Ngân Hà để tách biệt Ngưu Lang và Chức Nữ, con bò già đã hy sinh bản thân, cho phép Ngưu Lang sử dụng da của mình để qua sông và gặp gỡ Chức Nữ. Về sau, người dân thực hiện phong tục này để tưởng nhớ tinh thần hy sinh của con bò già.

Trẻ em hái những bó hoa dại treo lên sừng bò để tỏ lòng thành kính với con bò.

Trồng cây cầu tử

Theo phong tục từ xưa của người Trung Quốc, trước ngày lễ Thất Tịch, người phụ nữ sẽ rải đất vào một khay gỗ và vùi các hạt đậu vào đó, chăm sóc đợi nó nảy mầm. Các mầm cây phát triển xanh tốt, đại biểu cho mong ước về con cái, sớm có thiên thần nhỏ sẽ trở thành hiện thực.

Thưởng thức những món ăn đặc trưng

Không thể thiếu trong ngày Thất Tịch là việc thưởng thức các món ăn đặc trưng mang nhiều ý nghĩa. Một trong những món ăn được thưởng thức nhiều nhất là bánh xảo quả. Đây là món bánh mỏng với nhiều hình dạng khác nhau, tượng trưng cho kỹ năng chế tác dệt may của Chức Nữ. Bánh bao với nhân chà là đỏ và nhãn, thậm chí là đồng xu cũng là món ăn đặc trưng trong dịp này. Chúng có ý nghĩa thay cho lời chúc may mắn và tài lộc.

Thịt gà là một phần không thể thiếu với ý nghĩa lãng mạn gắn liền với sự đoàn tụ của Ngưu Lang và Chức Nữ. Giang mí tiêu, que gạo nếp chiên giòn từ Nam Kinh, là món ăn vặt đặc biệt được yêu thích. Cuối cùng, chè đậu đỏ là món tráng miệng quen thuộc, thể hiện sự ngọt ngào và may mắn trong tình yêu, là sự kết thúc hoàn hảo cho bữa ăn trong đêm Thất Tịch.

Theo Sohu, Chinadaily


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày