Lấy ráy tai bằng tăm bông "siêu phê" mà chúng ta vẫn hay làm hóa ra lại có nhiều nguy hại cho sức khỏe

Quỳnh Trang, Theo Helino 16:33 27/11/2019

Rất nhiều người lựa chọn vệ sinh tai bằng bông tăm. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã giúp làm sạch tai mà còn tiềm ẩn nhiều tổn thương cho tai.

Nhiều người có thói quen cứ thấy ngứa tai là dùng bông để ngoáy tai hay kể cả không ngứa cũng thường xuyên vệ sinh tai bằng bông tăm. Đây là một điều không tốt bởi hành động này trực tiếp loại bỏ “vũ khí tự nhiên bảo vệ đôi tai” của bạn.

Dùng bông tăm làm sạch tai tức là ngoáy sâu vào trong lỗ tai để loại bỏ ráy tai. Ráy tai được tai tiết ra, có thể khô, ướt hoặc cứng. Ráy tai có thể làm mọi người cảm thấy ngứa ngáy nên chỉ nhanh chóng muốn loại bỏ chúng. Tuy nhiên, ráy tai không phải là “rác”.

Lấy ráy tai bằng tăm bông siêu phê mà chúng ta vẫn hay làm hóa ra lại có nhiều nguy hại cho sức khỏe - Ảnh 1.

Ráy tai không phải là rác

Ráy tai được sinh ra để bảo vệ tai, chống lại bụi bẩn, dị vật. Bên cạnh đó, ráy tai có tác dụng bôi trơn tai. Nếu làm sạch ráy tai, bạn sẽ cảm thấy tai rất khô, rất khó chịu. Không chỉ vậy, ráy tai có tính axit, ngăn ngừa nấm mốc hình thành trong tai.

Bên cạnh đó, ráy tai thường xuất hiện ở ống tai ngoài, giữa vành tai và màng nhĩ. Khi sử dụng tăm bông để lấy ráy tai ra, bạn sẽ vô tình đẩy sâu ráy tai vào bên trong tai. Những ráy tai này có thể dính vào màng nhĩ, tăng gánh nặng, giảm độ rung của màng nhĩ. Điều đó gây tổn thương đến thính giác, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến hỏng màng nhĩ, gây mất thính giác, thậm chí bị nhiễm trùng.

Ngoài ra, nhiều loại bông tăm không chất lượng, đầu bông lỏng lẻo, sử dụng chúng rất có khả năng làm tuột đầu bông nhỏ vào trong tai, gây khó chịu. Nếu chúng ta cứ cố lấy ra, có thể càng làm dị vật đẩy sâu vào bên trong gây ù tai, thủng màng nhĩ, có thể dẫn đến viêm tai.

Khi bạn dùng bông tăm hay các dụng cụ bằng kim loại ngoáy tai, lấy ráy tai, nó sẽ phá vỡ quá trình bong tróc tự nhiên của da, từ đó có thể khiến ráy tai tiết ra nhiều hơn, gây khó chịu hơn.

Lấy ráy tai bằng tăm bông siêu phê mà chúng ta vẫn hay làm hóa ra lại có nhiều nguy hại cho sức khỏe - Ảnh 2.

Cách vệ sinh tai đúng

Tai là một cơ quan có khả năng tự làm sạch mà không cần bất cứ tác động nào từ bên ngoài. Ráy tai khô, cằm sẽ chuyển động lúc bạn nói chuyện và ăn uống, ráy tai cũng sẽ tự động rơi ra.


Bên cạnh đó, bạn có thể làm sạch tai bằng nước muối sinh lý, nhỏ một vài giọt nước muối vào tai. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng oxy già (còn gọi là hydrogen peroxide), nhỏ vào trong tai để loại bỏ ráy tai. Chú ý nên nhỏ một lượng thích hợp dung dịch vào tai, đợi một lúc rồi rửa sạch tai, một tháng vệ sinh một lần.


Nếu có thời gian, bạn có thể mỗi ngày nhỏ một giọt dầu khoáng vào tai để giữ ẩm cho tai, giống như chúng ta thoa kem dưỡng da hằng ngày.


Nhìn chung, cách an toàn nhất để loại bỏ ráy tai là đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Nếu có trường hợp ráy tai quá cứng, quá nhiều, nằm sâu bên trong hay có dị vật trong tai, không được tự ý lấy để tránh trường hợp trầy xước, chảy máu hoặc gây thêm những tổn thương khác cho tai.


Nguồn: Sohu, NetEase