Tưởng lấy chồng cho kịp deadline là xong, 30 tuổi thất nghiệp du học sinh nhận ra cuộc đời còn chông chênh lắm

Julie, Theo Trí Thức Trẻ 13:21 01/08/2020

Chúng tôi yêu nhau vào những ngày tháng mùa thu và quyết định cưới vào tháng 12, nhanh chóng cho kịp deadline và năm "hợp tuổi". Những tưởng nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng đây mới là quãng ngày chông chênh bắt đầu.

Người ta vẫn nhắc đến tuổi 30 như một cột mốc đặc biệt đánh dấu sự trưởng thành. Với phụ nữ, 30 tuổi còn là hồi chuông réo rắt gọi người ta phải vồn vã lên, nhanh chân đi, sắp đến "deadline" cho việc lấy chồng, sinh con, xây dựng sự nghiệp rồi. Thế nên với nhiều người, tuổi 30 vì thế mà như một cơn ác mộng, đầy ám ảnh và âu lo.

Thực tế thì ai rồi cũng sẽ bước qua độ tuổi này và phải tìm cách đối mặt với nó bằng cách này hay cách khác. 30 chưa phải là hết, chắc chắn vậy. Hoặc có thể, nó là hết của điều này và bắt đầu của những điều khác. 

Cùng nghe tâm sự tuổi 30 của một cô gái đang trong những ngày lưng chừng của sự nghiệp và cả của tình cảm gia đình, bạn bè:

Tưởng lấy chồng cho kịp deadline là xong, 30 tuổi thất nghiệp du học sinh nhận ra cuộc đời còn chông chênh lắm - Ảnh 1.
Ai cũng không tránh khỏi cảm giác lưng chừng của tuổi 30 (Ảnh minh hoạ)

Tôi đi du học năm 18 tuổi, rồi về nước khi 27 tuổi, chưa kinh nghiệm, chỉ có dắt trong túi hai tấm bằng danh giá. Và tôi tìm cho mình công việc gọi là tạm ổn, văn phòng sạch đẹp, ngồi điều hoà mát mẻ 8h/ ngày. Mọi việc đều nhẹ nhàng cho đến khi tôi bước gần đến ngưỡng 30.

Giờ thì tôi 30, không phải gái ế vì tôi đã lập gia đình nhưng chưa có em bé. Tôi nhớ đã từng có một chị bạn nói với tôi rằng: "Con gái khi chưa có người yêu thì bị giục có, có rồi thì giục cưới, cưới rồi thì giục đẻ, đẻ đứa đầu xong thì lại bị giục đẻ đứa thứ hai, nói chung phải đẻ xong đứa thứ hai thì mọi chuyện mới coi như tạm ổn".   

Nhớ lại cách đây 1 năm thôi khi tôi đứng giữa chênh vênh tuổi 29, chưa có người yêu, ngày nào đi làm về cũng là vô vàn các câu oán thán, thở dài của bố mẹ. Tôi nặng nề tâm lý mặc dù lúc nào cũng tự nói với bản thân kệ đi, duyên phận hết rồi.

Tưởng lấy chồng cho kịp deadline là xong, 30 tuổi thất nghiệp du học sinh nhận ra cuộc đời còn chông chênh lắm - Ảnh 3.

(Ảnh minh hoạ)

Rồi tôi cũng có người yêu, đến một cách bất ngờ, chả ai tính toán trước. Anh cũng không phải là mẫu lý tưởng tôi thường mơ mộng. Chúng tôi yêu nhau vào những ngày tháng mùa thu và quyết định cưới vào tháng 12, nhanh chóng cho kịp deadline và năm "hợp tuổi". Tôi cười hạnh phúc vì cuối cùng cũng hoàn thành nhiệm vụ to lớn trước tuổi 30.

Nhưng đây mới là quãng ngày chông chênh bắt đầu.

Lấy chồng xong, tôi ổn định lại tâm lý, mang ước mơ ngày còn ngồi trên giảng đường hiện thực hoá nó, tôi mở một shop thời trang thiết kế online và gần như tập trung hoàn toàn sức lực. Công việc bàn giấy tôi lơ là, làm sai, mắc lỗi là điều tất lẽ dĩ ngẫu. Và tôi không ngờ, dịch Covid đến như thử thách tôi. Sếp không chịu nổi cô nhân viên lơ đãng, điều gì đến cũng sẽ đến, tôi bị cho nghỉ việc. Mặc dù tôi cũng đã từng hứa với bản thân khi nào làm shop ổn định tôi sẽ nghỉ. Nhưng không phải bây giờ.

Chắc các bạn sẽ thắc mắc lúc này chồng tôi ở đâu?

Chồng tôi vẫn đi làm, vẫn nhắn tin đều đặn hỏi "Vợ có buồn không? Vợ muốn ăn gì đi đâu chơi?". Tranh thủ cuối tuần hoặc tối rảnh rỗi hai vợ chồng lại cùng nhau đi dạo phố, đi cafe.

Ngày trước mỗi lần ra ngoài, tôi đều phải makeup và đặc biệt đi cafe chủ yếu là chọn các góc đẹp để chụp 7749 kiểu ảnh, mục đích câu vài cái like trên mạng xã hội. Nhưng giờ, tôi và chồng đi cafe chủ yếu là để tâm sự, chúng tôi thậm chí còn ngồi trà chanh vỉa hè để nói cho nhau nghe về những ước mơ, những suy nghĩ, dự định hoặc trăn trở khó khăn của nhau. 

Lúc này, tôi mới cảm ơn ông trời đã cho chúng tôi gặp nhau. 

Hôm qua, bạn tôi mới gọi buôn điện thoại. Ban đầu hỏi han tại sao tôi mất tích trên mạng xã hội, tôi nói mình tập trung kinh doanh. Tiện nên tôi hỏi cái áo đợt trước mua ở chỗ tôi dạo này có mặc không thì đắn đo một lúc, bạn bảo "không hợp, giờ không mặc, mua để ủng hộ". Cô bạn cũng vui mồm bình luận luôn bộ ảnh lookbook tôi mới chụp cho shop của mình "mẫu xấu thế, mặt có vấn đề, thà mày vào làm mẫu luôn còn đẹp hơn". 

Cuối câu chuyện bạn trách tôi nghỉ việc thì phải đi chơi nhiều để thoải mái tâm hồn, chụp ảnh check in, makeup xinh xẻo để chồng không chán. Tôi mới cười nhạt "tao hết tiền đi cafe sang chảnh rồi, trà chanh vỉa hè mày đi không? Bạn tôi ậm ừ rồi bảo để xem đã". Câu "để xem đã" chính là dấu cách nhẹ nhàng giữa bạn và tôi.

Tưởng lấy chồng cho kịp deadline là xong, 30 tuổi thất nghiệp du học sinh nhận ra cuộc đời còn chông chênh lắm - Ảnh 4.

(Ảnh minh hoạ)

Tôi vốn dĩ rất ít bạn thân vì thời gian du học dài, bạn bè ít liên lạc thành ra đứt đoạn luôn. Chồng tôi đã từng nói một câu rất thấm: "Bạn bè là cái duyên cũng như vợ chồng vậy, chẳng ai nói sẽ đi cùng nhau mãi, có thể khi họ hoàn thành nhiệm vụ của họ trong cuộc đời mình thì sẽ có một lý do nào đó đưa họ rời xa mình". Tôi cười, cũng thầm cảm ơn những người bạn đã bên tôi lúc trước, nhưng có lẽ đến một lúc nào đó, mỗi người một mục tiêu, một cách sống, chúng ta nên biết chọn những cái hợp với mình. 

Gần đây xem bộ phim "30 chưa phải là hết" tôi thấy sao nó lại thật đến như vậy. Ai cũng nhận thấy những mảng tính cách, cuộc sống của mình trong đó. Tôi thấy mình vui tươi như Chung Hiểu Cần, lao đầu vào sự nghiệp như Vương Mạn Ni và có một phần của phụ nữ gia đình như Cố Giai. Nhưng tôi là người thật, chứ không phải một nhân vật thay đổi theo kịch bản. Đơn giản tôi không sống theo một kịch bản được viết sẵn và cũng không có cát sê. Nếu muốn có kịch bản và cái happy-ending cô nhân viên khởi nghiệp thành triệu phú, tôi phải tự mình viết nên một bộ phim cho mình.

Ở tuổi 30 tôi nhận ra chân lý mà bao năm không muốn đối mặt, đó là gia đình không phải nơi để show diễn. Cái nền tảng của nó phải là sự thấu hiểu, chia sẻ. Tôi thà mặc quần đùi, đi dép tông ngồi trà chanh với chồng mà nói chuyện không dứt còn hơn là giấu tâm sự dưới bộ mặt makeup kỹ lưỡng và chiếc váy tuyệt đẹp. 

Bạn thân có thể ít nhưng cần phải chân thành. Nếu đã làm bạn lúc tôi còn trẻ thì đến lúc tôi vấp ngã cũng nên chìa tay kéo tôi dậy, không phải đứng xa và bảo tôi rằng "mày đứng dậy đi không xấu hổ".

Muốn thành công cần làm hết sức, không cần biết đó là công việc bàn giấy hay kinh doanh tự thân. Tôi thà kiếm được ít tiền nhưng học được nhiều, làm được nhiều chứ không chịu an phận dưới hai chữ "ổn định".

Như câu nói của Vương Mạn Ni tôi nhớ như in: "Tuổi 20 người ta theo đuổi kiểu dáng, 30 tuổi chỉ cần chất lượng". Chất lượng nó là một tổ hợp của gia đình - sự nghiệp - bạn bè. 

Và tôi, một cô gái 30 đang trên con đường xây dựng nó.