3 giờ sáng, dòng người và xe đổ về chợ Long Biên ngày một đông. Phần lớn mặt hàng ở đây là các loại rau củ quả, trong đó đa số có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Thế nhưng, chỉ bằng vài chiêu phù phép, những lê, táo, nho này đều được đổi "quốc tịch" thành Mỹ, Úc, Nhật, Hàn trước khi đến tay người tiêu dùng với giá cắt cổ.
Lâu nay, Long Biên nổi tiếng là chợ đầu mối về hoa quả. Mỗi ngày có đến hàng trăm, hàng nghìn lượt tiểu thương nườm nượp đổ về đây để mua hoa quả, rồi đem phân phối cho cả thủ đô cũng như các tỉnh thành phía Bắc. Chính vì vậy, lượng hoa quả ở đây vô cùng đa dạng và phong phú từ chủng loại đến kích cỡ, nhiều nhất vẫn là: cam, táo, lê, đu đủ, xoài, chuối... Tuy nhiên, trong mỗi loại hoa quả thì lại có các loại giá khác nhau tuỳ vào kích thước, tươi hay héo...
Theo một số tiểu thương ở đây, có tới gần 80 - 90% hoa quả nhập về chợ có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân chính khiến lượng hoa quả từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam áp đảo các thị trường khác là do thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng này đã về 0% từ năm 2012. Một nguyên nhân nữa khiến hoa quả Trung Quốc lên ngôi ở đây là do giá cả mềm, sức mua lớn. Khắp khu chợ mênh mông này, nhẩm đếm cũng chỉ gần 10 sạp bán táo Mỹ, New Zealand... còn lại hầu hết đều bán hàng Trung Quốc. Ngay cả những chủ sạp này cũng chỉ nhập một lượng rất nhỏ lượng hoa quả chất lượng cao, còn lại họ dành vốn nhập hàng Trung Quốc.
Ngay từ mờ sáng, hàng hóa đã tập kết ở khu vực dưới chân cầu Long Biên. Có đến vài chục xe tải lớn xếp đều đặn ngay ngắn, các thùng xe được mở sẵn. Bên trong các xe là ngồn ngộn những trái cây đựng trong các loại thùng xốp, cactông hay bịch nilông chi chít tiếng Trung Quốc được các công nhân bốc xếp hối hả đưa ra khỏi xe để đưa đi khắp nơi.
Thông thường, mỗi xe container chứa khoảng 3.500-4.000 thùng trái cây loại 14kg, tương đương con số gần 40 tấn hàng/xe. Đó là chưa tính tới lượng hàng hóa được chuyên chở bằng các chủng loại xe tải nhỏ hơn. Nếu mỗi chủ quầy lớn tiêu thụ 2-3 xe container, sơ sơ tại khu vực chợ này có khoảng chục quầy như thế, thì lượng hàng trái cây Trung Quốc trung chuyển qua đây lên tới hàng trăm tấn mỗi đêm. Vậy một số lượng lớn hoa quả khủng như vậy sẽ ra thị trường bằng những con đường nào? Và hoa quả ở một số cửa hàng gắn mác là hàng nhập "xịn" liệu có đúng với tên vẫn thường gọi của chúng hay không?
"Do đây là chợ đầu mối nên tập trung dân buôn hoa quả không chỉ đến từ Hà Nội mà phần đông là từ các tỉnh lân cận, như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... Nếu ai không đặt hàng trước, không có mối quen thì sẽ phải mua lại của các chủ sạp ở đây, với giá cao hơn nhiều so với giá mua của thương lái vừa chuyển hàng về Trung Quốc. Nguồn hàng bán ở các chợ nhỏ trong thành phố chỉ chiếm một phần nhỏ thôi, còn chủ yếu là đi ngoại tỉnh...". Chủ quầy tên Bình vừa nói vừa chỉ tay về phía vài chục chiếc xe tải cỡ nhỏ đang đua nhau chất hàng.
Phần lớn số hàng này đều được chứa trong các hộp các tông có chữ Trung Quốc, bịt kín mít. Theo tiết lộ của chị Bình thì tuy là hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng các chủ cửa hàng hoa quả thường "lập lờ đánh lận con đen", biến chúng thành hàng Mỹ, New Zealand để bán với giá cao hơn bằng cách mua thêm tem để dán lên loại hoa quả cần bán. Tất cả những tem này đều có tên loại hoa quả, xuất xứ tuy nhiên nơi sản xuất và thời hạn sử dụng thì không hề có.
Qua tìm hiểu, hoa quả Trung Quốc vào Việt Nam theo 2 hình thức, nhập khẩu chính ngạch qua đường cửa khẩu, hoặc được cư dân biên giới vận chuyển theo chính sách biên mậu, sau đó thu gom và đưa về xuôi. Trên thực tế, lượng trái cây nhập chính ngạch lớn hơn rất nhiều đường tiểu ngạch. Tuy số hoa quả này được kiểm tra về dịch hại và an toàn thực phẩm (ATTP), nhưng theo một số chủ hàng tiết lộ thì do số lượng hàng hóa quá nhiều, trang thiết bị thiếu nên phần lớn chúng chỉ được kiểm tra bằng mắt khi qua các cửa khẩu.
Sau khi đã có Giấy chứng nhận kiểm dịch và ATTP hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, thì các lô hàng này được các tiểu thương đưa đi tiêu thụ khắp nơi, thậm chí là được "chễm chệ" "ngồi" trong siêu thị với "quốc tịch" khác, như Mỹ, Úc, Canada... Theo bà Đào Thị Hương, một người bán hoa quả tại đây thì các loại hoa quả ở chợ từ nhiều nguồn đổ về. Chúng lại được phân thành nhiều loại khác nhau.Thường thì người bán sẽ chia thành loại đẹp và loại xấu. Loại đẹp thì giá đắt, các chủ cửa hàng lớn lấy về bán trong các cửa hàng hoa quả sạch, siêu thị với giá không hề rẻ, thường là gấp 5 - 7 lần giá trị thực, hàng kém hơn thì bán cho các của hàng nhỏ lẻ, hàng rong, các quán cà phê...
"Làm gì có Táo Mỹ, táo New Zealand hay xoài Thái Lan lắm thế. Không cứ gì trong siêu thị, mà ngõ phố, quầy bán hoa quả nào cũng cứ giới thiệu thế cho sang chứ toàn là đồ Tàu được hô biến cả. Cửa hàng tôi thì bán loại bình thường, giá cả bình dân, chứ những chủ hàng hoa quả lớn thì đều có mối riêng. Họ thường chọn mua những loại hàng có mẫu mã đẹp, sáng màu nên người mua nhìn giống "hàng hiệu". Thực chất số hoa quả đó đã được qua xử lý, có khi để hàng tháng trời không hỏng", bà Hương chia sẻ.
Cũng chính vì mỗi ngày có tới hàng trăm tấn hoa quả các loại trung chuyển qua khu chợ này nên việc kiểm tra hàng hóa của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Thế nên, khi được hỏi về việc không sợ cục quản lý thị trường, hoặc các lực lượng liên ngành kiểm tra chiêu gian lận, đánh tráo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, bà Hương bảo: "Ai mà làm nổi mấy việc đó, người đâu ra? Có kiểm tra thì họ cũng chỉ kiểm tra theo đợt, theo tháng An toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra mấy siêu thị lớn chứ những của hàng bình dân, hàng nhỏ lẻ thì hi hữu lắm". Nắm bắt được điều đó, nên phần lớn các chủ hàng đều dùng cách dán tem, thay đổi xuất xứ của hoa quả để trục lợi.
Ngoài chuyện lợi nhuận, một nguyên nhân nữa khiến các chủ cửa hàng hoa quả "tẩy" xuất xứ của hàng hóa là do mấy năm gần đây, người dân thường có tâm lý e sợ đối với hàng đến từ thị trường Trung Quốc, nhất là kể từ sau vụ nho Trung Quốc giả nho Mỹ bị phát hiện vào cuối năm 2014. "Hiện nay, nhiều cửa hàng hoa quả đang bán đồ Tàu nhưng vẫn hô là hàng Mỹ, Chile, Thái Lan, Nhật. Sở dĩ như vậy vì họ sợ tâm lý tẩy chay hàng Trung Quốc nên đã tìm cách "lách" bằng cách dán tem, nhãn của châu Âu, Mỹ, Chile... nhằm tạo sự an tâm cho người tiêu dùng", bà Lan, một chủ cửa hàng hoa quả lớn ở chợ Xanh cho biết.