Đúng như những tin đồn trước đây, chiếc Galaxy S20 Ultra vừa được Samsung công bố được trang bị một camera đặc biệt có thể zoom lên tới 100x, mà hãng gọi là 'Zoom Vũ trụ' (Space Zoom). Vậy câu hỏi được đặt ra là: Samsung đã làm những gì để đạt được tầm zoom này trong một chiếc smartphone nhỏ gọn? Câu trả lời ngắn gọn là sự kết hợp của khả năng zoom vật lý, xử lý ảnh và cảm biến có độ phân giải cao.
Ở những bước zoom đầu tiên, Galaxy S20 Ultra sẽ dựa vào một cảm biến 48MP và hệ thống ống kính 'gập' 4x. Sau đó, từ 4x đến 10x sẽ có sự can thiệp của zoom điện tử, mà Samsung gọi là 'lossless zoom' (zoom không mất chất lượng), cắt hình ảnh từ cảm biến và ghép các điểm ảnh với nhau để tăng chất lượng cuối cùng. Từ 10x đến 100x, máy sẽ tiếp tục thực hiện zoom điện tử và người dùng sẽ có thể thấy được chất lượng giảm đi phần nào. Khả năng zoom 100x chỉ có mặt trên Galaxy S20 Ultra, trong khi đó 2 phiên bản S20/S20 Plus sẽ có một camera zoom vật lý 3x, kết hợp với xử lý ảnh thì nâng lên tầm zoom 30x.
Về bản chất, cách Samsung đạt được zoom 100x không hề mới. Năm ngoái, Huawei cũng đã có chiếc P30 Pro với một cụm camera có ống kính 'gập' tương tự. Chiếc máy này có cảm biến 8MP cùng ống kính zoom 5x, sau khi xử lý và thêm chi tiết từ camera chính 40MP thì có thể nâng lên 10x. Máy cho phép ta zoom lên tới 50x, trở thành một tính năng được quảng cáo rất nhiều ở P30 Pro, nhưng theo nhiều người đánh giá thì chất lượng chỉ chấp nhận được dưới ngưỡng 32x.
OPPO cũng có chiếc Reno 10x Zoom với công nghệ tương tự, nhưng có những nâng cấp nhất định. Máy có cảm biến 13MP cùng khả năng zoom 'lossless' 10x, nâng lên tối đa 60x. Mặc dù hình ảnh ban ngày có thể khá đẹp, nhưng khi trời tối thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Điểm nổi bật của Samsung so với 2 đối thủ đó là hãng sử dụng cảm biến với độ phân giải cao hơn rất nhiều: 48MP so với 8MP của Huawei và 13MP của OPPO. Ta cũng có cảm biến chính độ phân giải rất cao 108MP, so với 40MP của Huawei và 48MP của OPPO, có thể 'bù đắp' được chi tiết những lúc zoom ra xa.
Việc tăng độ phân giải cũng đồng nghĩa với việc từng điểm ảnh sẽ trở nên nhỏ hơn, làm chất lượng ảnh chụp tối trở nên kém đi. Samsung nói rằng hãng đã tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề này, và trong tương lai ta sẽ có những bài thử thực tế để kiểm nghiệm xem điều này có đúng hay không.
Cũng phải nói rằng, những thông số ấn tượng không đồng nghĩa với chất lượng ảnh khi sử dụng sẽ tốt hơn. Có nhiều smartphone với camera độ phân giải chỉ 12MP cũng tạo ra ảnh đẹp tuyệt vời. Điều làm nên sự khác biệt vẫn là khả năng xử lý hậu kỳ ảnh, một thứ đã giúp smartphone vượt qua rất nhiều trở ngại vật lý và vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trong tương lai.