Ngày 5/7 đã xuất hiện tình trạng hàng trăm phụ huynh xếp hàng xuyên đêm để nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 tại một số trường THPT tư thục, THPT công lập tự chủ tài chính ở Hà Nội. Đây là hiện tượng không lạ và tiếp tục gây bức xúc trong xã hội.
Mong con được học trường tốt
Rạng sáng 5/7, rất đông phụ huynh có mặt và vây kín cổng Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với mong muốn giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Trong số đó, nhiều người có mặt từ 19 giờ tối 4/7, mang theo ghế nhựa và nước uống ngồi xuyên đêm xếp chỗ chờ trời sáng.
Chị Nguyễn Thu Hằng, phụ huynh học sinh đến từ quận Thanh Xuân cho biết: Do biết sức nóng của mùa tuyển sinh năm nay, cháu lại có điểm thi chỉ hơn điểm chuẩn của trường một chút nên bố mẹ cử nhau đến xếp hàng từ sớm để chắc suất. Qua tìm hiểu thông tin, gia đình rất yên tâm với chương trình học của nhà trường và mong con có chỗ học tốt.
Anh Ngô Tuấn Hùng, một phụ huynh ở quận Hoàng Mai chia sẻ: Tôi đến đây từ 6 giờ 30 sáng, hiện tại số xếp hàng của tôi là 315, tới 11 giờ trưa vẫn chưa tới lượt. Con tôi nguyện vọng 1 không đủ điểm nên gia đình quyết định cho con vào trường Tạ Quang Bửu. Cảm giác chờ đợi dưới nắng nóng rất mệt mỏi nhưng vì mong muốn con được học trường này nên tôi chấp nhận.
Tình trạng xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ cũng diễn ra tại Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa). Xếp hàng từ sáng sớm, anh Nguyễn Đức Hùng, phụ huynh ở quận Đống Đa có số thứ tự là 350. Vì muốn con theo học ở ngôi trường có chất lượng, thuận tiện đi lại nên dù nắng nóng, mệt mỏi và phải xếp hàng dài nhưng vẫn kiên nhẫn chờ đợi.
Chị Nguyễn Thị Huyền, phụ huynh ở quận Cầu Giấy cho biết phải dậy từ 3 giờ sáng để nộp hồ sơ xin học cho con. Dù điểm thi của con không quá thấp nhưng do chọn nhầm nguyện vọng nên đã trượt cả 2 trường. Nếu không có cơ hội vào Trường Phan Huy Chú, con sẽ phải học một trường tư thục khác với học phí cao hơn mà chất lượng không bằng.
Được biết, cảnh tượng xếp hàng xuyên đêm hoặc tập trung đông chật tại khu vực cổng trường còn xảy ra với Trường THPT Hoàng Cầu, THPT Lê Lợi, THCS & THPT Lương Thế Vinh... Đây là những ngôi trường có chất lượng giáo dục và môi trường tốt với “đầu ra” đảm bảo.
Học sinh phải có điểm thi từ trên 7 đến trên 8 điểm/môn mới đủ điều kiện nộp hồ sơ vào trường. Mức học phí của các trường này cũng cao hơn nhiều so với trường THPT công lập, trong khi đó chỉ tiêu lại hạn chế.
Học sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2023 - 2024.
Nhiều cơ hội học tập
Theo đại diện các nhà trường, việc xếp hàng nửa đêm là hành động tự phát của phụ huynh. Trong thông báo của các nhà trường, thời gian tiếp nhận hồ sơ nhập học lớp 10 đều trong giờ hành chính. Tuy nhiên, nhu cầu cao, chỉ tiêu ít lại thêm việc ưu tiên người đến trước và sẽ dừng nhập học khi đủ chỉ tiêu nên dẫn đến tâm lý phụ huynh quá sốt ruột và đi xếp hàng xuyên đêm hoặc từ sáng sớm để nộp hồ sơ.
Bà Cao Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho hay, trường còn khoảng 200 chỉ tiêu với phương thức xét tuyển kết quả thi lớp 10 do Sở GD&ĐT tổ chức. Trường đã từng nghĩ đến phương án tuyển sinh theo cách lấy điểm từ cao xuống thấp, kèm theo tiêu chí phụ để tuyển sinh tránh việc “ai đến sớm thì được”, song không thể thực hiện.
Theo bà Nga, khi lấy điểm từ cao xuống thấp, số trúng tuyển sẽ có nhiều em điểm cao. Nhưng khi các trường công lập các em đăng ký nguyện vọng 1 hạ điểm chuẩn, nhiều em đủ điều kiện vào trường rồi lại rút hồ sơ vào công lập. Khi đó trường bị “hụt” thí sinh và ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch dạy học, xáo trộn việc chuẩn bị cho năm học mới. Vì vậy, để đảm bảo số lượng đầu vào, nhà trường đành phải thu hồ sơ theo cách thức như hiện tại. Những phụ huynh, học sinh đến trường nhập học sớm thường xác định, định hướng, quyết tâm theo học trường rõ ràng hơn.
Về vấn đề tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ: Mạng lưới trường học tại Hà Nội phát triển đa dạng, có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Bên cạnh lựa chọn học lớp 10 các trường công, trường tư thục, phụ huynh và học sinh còn có thể tham khảo trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Ông Cương cho rằng, trường cho học sinh học cấp THPT trên địa bàn không thiếu nhưng khi sự căng thẳng bị đẩy lên ở một vài trường đã dẫn đến tình trạng phụ huynh lo lắng, đi xếp hàng từ nửa đêm để giữ chỗ. Những trường này nhu cầu đến cả nghìn hồ sơ trong khi chỉ tiêu lại có hạn.
Để giải quyết tình trạng này, Sở GD&ĐT đã gửi văn bản hỏa tốc đến các nhà trường trong chiều 5/7, yêu cầu giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc nhằm tạo thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh, phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình tuyển sinh, tuyệt đối không để học sinh, cha mẹ học sinh tụ tập ngoài cổng trường gây mất trật tự, an ninh trên địa bàn.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, trên địa bàn thành phố có 13 trường công lập tự chủ và trường công lập hiệp quản đang tuyển sinh với tổng chỉ tiêu gần 5.500 học sinh. Tuy nhiên con số này vẫn còn quá ít so với nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn thành phố. Để giải quyết tận gốc vấn đề, Hà Nội cần tiếp tục xây thêm trường học, tăng chỉ tiêu tuyển sinh, để kỳ thi vào lớp 10 không còn quá áp lực cho học sinh và phụ huynh như hiện nay.