Bao giờ Hà Nội đủ trường công?

Thanh Hiếu, Theo Tiền Phong 11:56 06/07/2023
Chia sẻ

Hàng loạt dự án đô thị nhiều năm qua mới lo xây nhà để bán mà “bỏ quên” trường học. Trong khi đó, nhiều cơ quan chức năng thiếu quyết liệt trong xử lý trách nhiệm của nhà đầu tư, thúc đẩy xây dựng mạng lưới các trường,...

Mải xây nhà bán, quên trường học

Tại phiên họp chất vấn, Kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, vấn đề giáo dục, đào tạo được đại biểu quan tâm, chất vấn. Đại biểu Nguyễn Bích Thủy (quận Cầu Giấy) đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin về quy hoạch mạng lưới trường học để đảm bảo không thiếu trường lớp.

Về vấn đề này, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 2.845 trường học, trong đó 79% là trường công. Các trường học trên địa bàn đáp ứng nhu cầu học tập cho 2,3 triệu học sinh Thủ đô và hơn 1 triệu sinh viên của 120 trường đại học trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, ông Cương cho rằng, theo tính toán và chỉ số do Bộ GĐ&ĐT quy định thì số lượng giáo viên trên địa bàn Hà Nội thời gian qua rất thiếu.

Ông Cương cũng cho biết, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các quận, huyện rất quyết liệt để xây dựng trường học, đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh hiện nay. Mỗi năm Hà Nội sẽ tăng trung bình từ 20-25 trường học. “Hiện tại, tôi khẳng định nội đô Hà Nội không thiếu trường học, chỗ học. Trường hợp phụ huynh xếp hàng từ sớm để nộp hồ sơ cho con vào trường tư thục thì có thể trường đó uy tín, đào tạo tốt nên gia đình muốn gửi gắm con vào đấy”, ông Cương nói.

Bao giờ Hà Nội đủ trường công? - Ảnh 1.

Hàng trăm phụ huynh ngồi chờ nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con vào trường tư ở Hà Nội ngày 5/7

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề kỳ họp, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho rằng, Hà Nội tuy không thiếu trường công nhưng áp lực cạnh tranh vào trường công rất lớn, nhất là khu vực nội đô.

Lý giải điều này, ông Kỳ Anh cho rằng, theo quy hoạch thì Hà Nội không thiếu trường công. Bởi lẽ, khi quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị đều quy hoạch có hạ tầng, trường học. Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra tình trạng “gánh” dự án. Có nghĩa, khi xây dựng các khu đô thị, chủ đầu tư chậm triển khai xây trường học khiến cho các trường cũ phải “gánh” trường học của dự án. Nhiều chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây nhà để bán, còn trường học thì chậm triển khai.

Đề xuất thu hồi đất dự án chậm triển khai để xây trường học

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề kỳ họp, Đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Anh Trí cho rằng, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội vừa qua đã cho thấy nhiều bất cập. Trong đó, các em học sinh cũng chịu nhiều áp lực trong việc cạnh tranh để “kiếm” suất vào trường công.

Theo GS Nguyễn Anh Trí, có một thực tế là còn có sự việc phân biệt trường công và tư. Thậm chí, phụ huynh cũng hướng con vào trường công vì cho rằng, cơ sở vật chất, chất lượng trường công tốt hơn trường tư. Hơn nữa, lâu nay vẫn có quan điểm, những đứa trẻ “hư”, mới vào trường tư, từ đó dẫn đến cuộc đua, tạo thêm áp lực cho cả các em và gia đình.

GS Trí cho rằng, hiện nay việc xã hội hóa giáo dục đã được quan tâm. Đảng, Nhà nước, chính quyền các tỉnh thành đã tập trung cho giáo dục, đảm bảo đủ trường lớp. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Anh Trí, trong giáo dục cần phải đảm bảo nguyên tắc “bình đẳng” chất lượng. Có nghĩa là trường công hay trường tư khi đã được cấp phép thì chất lượng phải như nhau.

Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần tổ chức kỳ thi vào lớp 10 nhẹ nhàng hơn. Quy định nào không phù hợp thì bỏ đi. Ngày trước, thi từ lớp 5 lên lớp 6 cũng rất khốc liệt, nhưng rồi nhà nước cũng đã bỏ. “Nếu các em thi trượt, do thiếu cơ sở vật chất thiếu trường lớp mà không đi học sẽ tạo ra một thế hệ công dân thất học. Trẻ trong độ tuổi 15-16 đi học có 3 cái vui. Đó là xã hội vui, bố mẹ vui, các em cũng vui, chứ không học mới đáng lo. Vì thế, kỳ thi hướng đến cho các em được đi học, các em mới trở thành công dân tốt”, GS Nguyễn Anh Trí nói.

Trao đổi thêm về nội dung liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường học, ông Trần Thế Cương cho biết, ngành giáo dục Thủ đô đang rất cố gắng. Hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đang phối hợp với Viện nghiên cứu kinh tế xã hội và các sở, ngành khác tham mưu cho UBND thành phố cập nhật, tích hợp chung vào quy hoạch Thủ đô tầm nhìn 2030 đến 2050; Phối hợp với Sở Quy hoạch- Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận huyện, thị xã dành quỹ đất để triển khai xây trường học. Đồng thời xem xét, thu hồi các dự án chậm triển khai để xây dựng các trường học trong nội đô còn thiếu trường học.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày